Nguồn lực lớn cho địa bàn chiến lược
Năm tỉnh Tây Nguyên có dân số khoảng 5,6 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 34% số dân, là vùng đất giàu tiềm năng phát triển. Từ ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước đã tập trung lãnh đạo, đầu tư toàn diện, ưu tiên những nguồn lực lớn nhằm phát triển địa bàn chiến lược này. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng vùng Tây Nguyên và mới đây là Nghị quyết 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đã có nhiều chương trình, dự án triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực tại Tây Nguyên. Quyết định số 168, các Quyết định số 132, 134, 135 của Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt và các điều kiện thiết yếu cho đồng bào.
Nhờ vậy, kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên đã có bước phát triển nhanh, sản xuất và đời sống của đồng bào chuyển biến tích cực. Cao nguyên bazan trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với gần 600 nghìn ha cà-phê, sản lượng bình quân đạt 1,3 triệu tấn hằng năm; 72 nghìn ha hồ tiêu sản lượng đạt từ 121 nghìn tấn hằng năm; cao-su, điều, rau, hoa và các nông sản khác cũng phát triển mạnh. GDP bình quân đầu người xấp xỉ 40 triệu đồng.
Cùng với việc quy hoạch, triển khai đầu tư phát triển các đô thị, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang nỗ lực nâng cao tốc độ phát triển nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách thu nhập và điều kiện thụ hưởng các lợi ích an sinh. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực đã tiếp thêm sinh khí và mang lại bộ mặt khởi sắc cho Tây Nguyên. Sau hơn mười năm triển khai chương trình, Lâm Đồng là tỉnh đạt kết quả cao nhất với hai huyện và gần 100/116 xã đạt chuẩn. Con số 51 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đắk Lắk, trong đó có gần 5 nghìn tỷ đồng huy động từ doanh nghiệp và nhân dân đã nói lên hiệu quả của chương trình.
Tại Gia Lai, đến thời điểm này đã có 60/184 xã và một thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao nhận thức và giúp người dân đẩy lùi nghèo đói, hướng đến sự giàu có. Đồng thời với việc bản sắc văn hóa được bảo tồn, đồng bào còn được hưởng những chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, an sinh xã hội khác. Quy mô giáo dục ngày càng phát triển, hệ thống trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng, số lượng trường học các cấp tăng, tỷ lệ học sinh đến trường cao, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Hiệu quả của "ý Ðảng, lòng dân"
Thành công của các tỉnh Tây Nguyên hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, hướng về cơ sở, phát huy mọi nguồn lực vì sự nghiệp phát triển quê hương, vì cuộc sống người dân. Các tỉnh đã tập trung kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên ở cơ sở, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cả hệ thống chính trị các cấp ở Tây Nguyên tăng cường "bám" cơ sở, với phương châm "tỉnh bám tới xã; huyện bám thôn, tổ dân phố; xã bám tới hộ dân". Đội ngũ cán bộ thật sự là hạt nhân lãnh đạo "gần dân", "dựa vào dân để lo cho dân"; lấy cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, sự giàu đẹp của buôn làng làm mục tiêu hướng tới là thước đo của sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền.
Đến nay, toàn vùng có 99,92% số buôn, làng đã có chi bộ, tăng 17,12%; 99,81% số buôn, làng có đảng viên là người tại chỗ, tăng 2,21% so năm 2007. Đảng bộ các tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng ở những địa bàn trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn; phân công cấp ủy viên các cấp phụ trách, sinh hoạt với những chi bộ có tính đặc thù. Các đảng bộ, chi bộ cơ sở cũng chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giúp cho đảng viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm và gương mẫu trong các phong trào. Từ đó, nhiều vấn đề nảy sinh ở cơ sở được giải quyết kịp thời; đời sống của nhân dân cải thiện, an ninh trật tự ổn định; xác lập sâu sắc niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Lâm Đồng là một thí dụ. Tỉnh có hơn 70 nghìn hộ với khoảng 314 nghìn người dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm khoảng 24% số dân). Trong ba nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy Lâm Đồng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cốt cán, "xóa" vùng "trắng" đảng viên, phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như năm 2003, toàn tỉnh chỉ có 1.226 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số thì đến nay đã có hơn 2.600 người; toàn đảng bộ có hơn 4.500 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng đã xây dựng được gần 500 người có uy tín cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; già làng, người có uy tín chính là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng dân cư với hệ thống chính trị. Hằng tháng, hằng tuần, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng lên kế hoạch, lịch trình cùng các sở, ban, ngành, huyện, xã đi về cơ sở để gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng nhân dân; từ đó đưa ra định hướng, thậm chí là hướng dẫn cho dân làm…
Về với dân mới được chứng kiến các nghị quyết được hiện thực hóa hiệu quả của công tác lãnh đạo, điều hành. Về với dân là để giải đáp những tâm tư của người dân, lĩnh hội thực tiễn bằng hình ảnh trực quan và đưa ra quyết sách kịp thời, đúng đắn nhằm điều chỉnh những bức xúc phát sinh, những điều chưa hợp lòng dân. Đó là "chìa khóa" của thành công.