Chất keo gắn kết đam mê

Mặc dù còn mới mẻ, trượt băng nhanh chóng thu hút và trở thành niềm đam mê của rất nhiều bạn trẻ. Với mong muốn thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu bộ môn này trên phạm vi cả nước, Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam (SFV) đã và đang từng bước chuyển mình, nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.

Giải vô địch trẻ Trượt băng tốc độ quốc gia năm 2021 mới diễn ra vào tháng 4 tại sân băng Landmark 81. Ảnh: An An
Giải vô địch trẻ Trượt băng tốc độ quốc gia năm 2021 mới diễn ra vào tháng 4 tại sân băng Landmark 81. Ảnh: An An

Từ thời điểm thành lập tháng 11/2018, SFV liên tiếp tạo nên tiếng vang khi mang đến cho khán giả cả nước hai giải đấu chuyên nghiệp về trượt băng nghệ thuật và trượt băng tốc độ. Ðồng thời, các chuyên gia của Liên đoàn Trượt băng thế giới (ISU) cũng được mời về tập huấn và đào tạo cho các vận động viên Việt Nam. Chưa đầy một năm sau, chúng ta cũng gây bất ngờ khi lần đầu có đại diện tham dự một trong những sự kiện lớn của thế giới như Giải Junior GP ở Nga (9/2019) và Giải trượt băng mở rộng châu Á vào tháng 10 tại Trung Quốc.

Song, dịch Covid-19 bất ngờ ập đến khiến hàng loạt các bộ môn thể thao bị ảnh hưởng. Ðứng trước những thách thức trong việc phát triển và thúc đẩy phong trào, đội ngũ lãnh đạo SFV đã sớm có những bước chuyển khi tổ chức Ðại hội bất thường vào tháng 3/2021. Sự kiện này đã thông qua quyết định bổ sung thêm các bộ môn roller (hay còn gọi là patin), qua đó thay đổi tên gọi cũ thành Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam, cũng như sửa đổi các điều lệ hoạt động để thích ứng với những điều kiện phát triển mới.

Với những nét tương đồng về thể thức, luật thi đấu, cùng kết cấu giày trượt (chỉ khác nhau về lực ma sát do trượt băng có tốc độ cao hơn), các cường quốc thể thao mùa đông thường dùng roller để tập luyện trên mặt đất (off-ice) vào mùa hè hoặc thậm chí khi cần rèn thể lực. Hơn thế, roller sở hữu điều kiện tập luyện đơn giản hơn (trên vỉa hè, hay thậm chí là các sảnh chung cư...), nên việc làm quen với roller trước khi vào sân băng có thể giúp các bạn trẻ bắt nhịp nhanh chóng.

Trước đây, sân trượt patin đã từng "mọc lên như nấm" ở các thành phố lớn, tuy nhiên nhiều tài năng roller cũng đã phải sớm từ bỏ khi không thể phát triển lên chuyên nghiệp do không có đơn vị nào đứng ra quản lý. Bởi vậy, việc SFV bổ sung bộ môn này đã mở ra cơ hội tranh tài cho các vận động viên patin hay skateboard ở các giải đấu quốc tế, cũng như góp phần quan trọng giúp hỗ trợ và thúc đẩy đồng thời cả roller và trượt băng trong định hướng phát triển lâu dài.

Ở Việt Nam, từ thời điểm xuất hiện sân băng đầu tiên, nhiều bạn trẻ đã dần làm quen và bắt đầu yêu thích bộ môn này. Tuy nhiên, vì chưa có liên đoàn chính thức, chúng ta không thể trở thành thành viên của ISU. Ðiều này khiến các tài năng trẻ bị hạn chế cơ hội tham dự các giải đấu quốc tế, chỉ được tranh tài với tư cách không chính thức, hoặc nếu giành giải cũng không thể lên bục nhận huy chương. Ðây chính là lý do quan trọng dẫn đến sự thành lập Liên đoàn Trượt băng quốc gia.

Tổng Thư ký SFV Trịnh Thị Trang vẫn nhớ rõ khoảng thời gian ấy. "Những thành viên ban đầu vốn không hề có ý tưởng, cũng chưa có kinh nghiệm làm việc hay hoạt động trong lĩnh vực thể thao. Chúng tôi vốn đều bỡ ngỡ và lúng túng không biết quá trình từng bước cụ thể để vận động thành lập Liên đoàn. Thế rồi, khi nắm rõ các thủ tục cần hoàn thiện, mọi người lại càng lo lắng hơn vì có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Từ công tác vận hành, xác định điều lệ cũng như đường hướng phát triển để đẩy mạnh phong trào trượt băng trên cả nước... đều là những bài toán hóc búa".

Dẫu vậy, sau nhiều buổi làm việc, với sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Tổng cục Thể dục - Thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh hay Trường đại học Thể dục - Thể thao TP Hồ Chí Minh..., tình yêu và quyết tâm phát triển trượt băng đã trở thành chất keo kết nối những cá nhân đam mê bộ môn này. Nhờ vậy, Liên đoàn Trượt băng Việt Nam đã ra đời, ngày 3/11/2018.

Hướng tới sự chuyên nghiệp trong quản lý và thúc đẩy phong trào, SFV liên tục vạch ra những kế hoạch cụ thể như tổ chức các lớp phổ cập để thu hút người chơi mới, mở các lớp nâng cao giúp các bạn có năng khiếu theo đuổi đam mê. Là thành viên chính thức của ISU, SFV cũng nhận được nhiều hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn, đội ngũ chuyên gia cũng như việc hoạch định hướng phát triển.

Dù nhiều lần bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, SFV vẫn tổ chức thành công Giải đua Roller Sports Hà Nội mở rộng 2020 và Giải vô địch trẻ trượt băng tốc độ 2021, qua đó phát hiện được rất nhiều gương mặt trẻ tiềm năng. Xuyên suốt khoảng thời gian này, hàng loạt các lớp tập huấn được mở dành cho đội ngũ huấn luyện viên và vận động viên tất cả các bộ môn. Ðiều này giúp duy trì thể lực, ổn định tâm lý, cũng như bảo đảm chất lượng chuyên môn trước khi có thể trở lại tập luyện và thi đấu.

Ðặc biệt hơn cả, các lớp đào tạo huấn luyện viên trượt băng nghệ thuật trực tuyến do chuyên gia Nga giảng dạy cũng được lên sóng đầu năm 2021, với mục tiêu có được thế hệ huấn luyện viên trượt băng nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam. Trong tháng 8 và 9, SFV tiếp tục tổ chức lớp tập huấn thể lực - hồi phục - tâm lý cho huấn luyện viên, đào tạo trọng tài trượt băng nghệ thuật nhằm sớm xây dựng lứa trọng tài đầu tiên, tiến tới việc chủ động hơn trong công tác tổ chức các giải đấu trượt băng nghệ thuật trong nước.

Từ nay đến đầu năm 2022, nhiều khả năng chúng ta sẽ có những cuộc trao đổi với đối tác nhằm lựa chọn trung tâm huấn luyện phù hợp để đưa các vận động viên trượt băng sang châu Âu hoặc Mỹ tập huấn. Tổng Thư ký SFV Trịnh Thị Trang nhấn mạnh: "Cơ sở vật chất ở nước ta hiện nay đang rất yếu. Hệ thống sân băng còn ít và không đạt tiêu chuẩn Olympic. Các vận động viên chủ yếu phải tự khắc phục bằng cách tận dụng những điều kiện sẵn có như các bậc cầu thang, bục nhảy, dây nhảy và tạ. Trong những năm tới, Liên đoàn sẽ tìm kiếm địa điểm để xây dựng phòng tập off-ice với những trang thiết bị thiết yếu, nhằm đáp ứng điều kiện tập luyện và duy trì phong độ".