Hội nghị lần này được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và đã có bài phát biểu quan trọng, một lần nữa khẳng định "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội".
Có thể thấy các nội dung trọng yếu được Hội nghị tập trung thảo luận là xây dựng nhân tố con người, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa. Theo đó, nhiều chuyên gia, nhà văn hóa cho rằng, cần chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời coi trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế. Làm sao để tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa lành mạnh, tiến bộ, hiện đại. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, trí thức, cùng các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia xây dựng, phát triển các thương hiệu văn hóa Việt Nam uy tín cả trong nước và quốc tế.
Muốn thế, ngay sau Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức triển khai thực hiện, có chương trình hành động cụ thể đối với ngành mình, cấp mình để hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng văn hóa một cách hiệu quả, thực chất. Về phương hướng, nhiệm vụ, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới"; "Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội",...
Như vậy, nhân tố con người là đặc biệt quan trọng, thời gian tới, cả trước mắt và lâu dài, cần chú trọng đầu tư xây dựng đội ngũ kế cận, nhất là các cán bộ trẻ có năng lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thủy chung, chí tình, chí nghĩa. Muốn thế, các chính sách cần bảo đảm tính thực tiễn, tác động trực tiếp đến từng cá nhân, cả người thụ hưởng và người sáng tạo văn hóa. Tức là cần một "hệ sinh thái" cho văn hóa phát triển.
Kế thừa những thành tựu văn hóa, tiếp tục phát huy những mặt tích cực, đồng thời kiên quyết loại bỏ những yếu tố tiêu cực, "nói không" với các biểu hiện phản văn hóa, các hoạt động chỉ mang tính hình thức, các văn hóa phẩm kém chất lượng, gây tốn kém tiền bạc và lãng phí nguồn lực xã hội; tập trung đầu tư có trọng điểm, có chiều sâu với tầm nhìn xa, nhất là đầu tư xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa, là những nhiệm vụ để "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi", như Bác Hồ từng chỉ dẫn.