Căng buồm với gió khơi

Đến bao giờ, tài năng của các nhà khoa học nước nhà và những sản phẩm do người Việt tạo ra được đông đảo khách hàng toàn cầu biết đến và đánh giá cao? Những trăn trở này đồng thời cũng chính là "kim chỉ nam" dẫn lối các doanh nghiệp Việt, trên con đường hiện thực hóa sứ mệnh và mục tiêu vươn tầm thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Các kỹ sư Việt Nam tại Nagoya (Nhật Bản).
Các kỹ sư Việt Nam tại Nagoya (Nhật Bản).

Từ sản phẩm công nghệ cốt lõi

Theo số liệu thống kê của Statista, thị trường Communication API toàn cầu ước đạt 21,7 tỷ USD vào năm 2025. Riêng ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng mỗi năm của ngành này lên tới 25-38%, với quy mô thị trường ước đạt 40-60 triệu USD.

Tại Mỹ, có rất nhiều công ty phát triển nền tảng Communication API (một loại giao diện lập trình ứng dụng tích hợp các tính năng giao tiếp, như gọi điện, videocall, chat, SMS, email... vào ứng dụng hay phần mềm có sẵn của doanh nghiệp). Tuy nhiên, do mức phí cao cùng một số rào cản cục bộ, các "ông lớn" không quá mặn mà với thị trường Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á nói chung. Ngoài ra, do phải mất vài năm tập trung đầu tư nghiên cứu, rất ít công ty trong khu vực lựa chọn phát triển nền tảng này.

Nhận thấy tiềm năng và nhu cầu thực tế, Stringee đã tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển và làm thật tốt duy nhất một bộ sản phẩm, giải quyết chỉ một nhu cầu: Số hóa giao tiếp. Chiến lược này giúp công ty không cần chi quá nhiều cho quảng cáo, chỉ tập trung vào giá trị cốt lõi của sản phẩm để có được sự tăng trưởng bền vững, đồng thời giữ chân khách hàng.

Tính đến đầu năm 2023, đây là doanh nghiệp số một của Việt Nam trong lĩnh vực số hóa giao tiếp, nhận được các yêu cầu tích hợp từ hơn 1.000 khách hàng lớn (như Viettel, VOV, Mobifone, VnDirect, Misa, Mediamart...). Hiện tại, Stringee phục vụ khoảng 2,2 triệu phút gọi mỗi ngày cho hơn 55 triệu người dùng trên toàn quốc. Tỷ lệ rời bỏ dịch vụ của Stringee rất thấp: chưa đến 2%.

Sau gần sáu năm phát triển, cuối tháng 4/2023, Stringee công bố huy động vốn thành công vòng Series A (một giai đoạn quan trọng trong việc cấp vốn cho các công ty mới). Theo Giám đốc vận hành Nguyễn Bá Luân, đây là bước tiến quan trọng giúp công ty hướng đến việc mở rộng sang thị trường Ấn Độ, nơi có chi phí hạ tầng, thuế và nhân công rẻ tương đương Việt Nam. Cơ hội là rất lớn, bởi những công ty có mô hình và giải pháp số toàn diện tại đây chưa nhiều.

Trước khi thực hiện bước đi táo bạo trên, Stringee không lựa chọn điểm xuất phát ở những thị trường quốc tế, mà nỗ lực xây dựng nền móng vững chắc tại nước nhà. Niềm tin và sự tự hào vào chất lượng sản phẩm công nghệ của chính người Việt được xem như điều kiện tiên quyết, thúc đẩy doanh nghiệp này vươn tầm quốc tế.

Ðến bài toán đầu tư con người

Khác với Stringee, Rikkeisoft ngay từ đầu đã chọn Nhật Bản làm thị trường tiên phong. Đây là doanh nghiệp Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai sau FPT Software, về xuất khẩu phần mềm sang Xứ sở Mặt trời mọc. Thú vị hơn cả, các nhân viên tại đây vẫn thường chia sẻ với nhau về những trăn trở luôn được Chủ tịch Tạ Sơn Tùng nhắc đến trong mỗi buổi họp công ty.

Dù sở hữu cùng một điều kiện công việc, dự án và nhóm đồng nghiệp, vì sao kỹ sư Việt Nam khi ngồi làm việc tại Nhật Bản hiệu suất luôn cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi lúc ở nhà? Làm thế nào mà bầu không khí nước bạn có thể thúc đẩy mỗi cá nhân "lột xác" đến vậy?

Nhìn nhận vấn đề, Rikkeisoft không chỉ quyết tâm xây dựng Trung tâm đào tạo nguồn lực công nghệ thông tin chất lượng cao, mà còn khuyến khích và vận động các nhân viên ra nước ngoài làm việc. Đây là trải nghiệm sống vô cùng đáng giá, giúp mọi người tiến bộ rất nhanh. Các kỹ sư Việt Nam sẽ học hỏi được rất nhiều, từ tác phong làm việc, thái độ nghiêm túc đến phương pháp giải quyết vấn đề, nhằm đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về chất lượng, khi cung ứng dịch vụ cho thị trường Nhật Bản. Đến thời điểm này, công ty đã tạo cơ hội cho hơn 600 kỹ sư ra nước ngoài làm việc, và hơn ba phần tư trong số đó đã trở lại để cống hiến cho nước nhà.

Rõ ràng, bên cạnh việc phát triển các giải pháp phần mềm, bài toán chuẩn bị tốt nguồn lực nhân sự - đầu tư cho con người - phải được triển khai song song, nếu doanh nghiệp muốn hướng tới mục tiêu vươn tới những thị trường lớn trên thế giới. Dù người Việt Nam sở hữu tố chất thông minh, năng lực và sự nhạy bén, vẫn cần phải biết cách tổ chức hoạt động, chuyên nghiệp hóa các kỹ năng trong môi trường làm việc quốc tế.

Căng buồm với gió khơi ảnh 1
Việc mở rộng quy mô giúp nhân sự Việt có cơ hội làm việc tại các

thị trường quốc tế lớn.

Bệ phóng xây dựng thương hiệu Việt

Cựu Chủ tịch Công ty phần mềm Infosys Narayana Murthy, người góp phần đưa Ấn Độ trở thành cường quốc xuất khẩu phần mềm, từng khẳng định: "Một công ty muốn được thế giới kính trọng phải bắt nguồn từ gốc rễ văn hóa dân tộc mình".

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và xu hướng toàn cầu hóa, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thế giới là điều tất yếu. Bởi vậy, nỗ lực vươn tầm quốc tế của các sản phẩm công nghệ Việt cần được nhìn nhận trên thực tế: Đã ứng dụng cho bao nhiêu quốc gia, cải thiện cuộc sống ở những khu vực nào? Bên cạnh đó, chính nền tảng văn hóa doanh nghiệp đặc trưng ở mỗi nước sẽ tạo nên giá trị thương hiệu riêng.

Như trường hợp của Rikkeisoft, sự chân thành, trung thực và giữ lời hứa được xem như bí quyết thành công tại Xứ sở Mặt trời mọc. Thậm chí, sau thời gian dài hợp tác, chính các khách hàng Nhật Bản đã giúp doanh nghiệp tiếp cận với các công ty Nhật Bản tại Mỹ. Đồng thời, họ cũng kết nối để một số chuyên gia người Mỹ gốc Nhật trở thành cố vấn, từ đó đặt nền móng cho quá trình bước chân sang thị trường này.

Có thể khẳng định: Điểm chung của những doanh nghiệp start-up Việt Nam đang nỗ lực vươn tầm thế giới không chỉ gói gọn ở mục tiêu xuất khẩu phần mềm quy mô lớn, mà còn cả khát vọng đưa các sản phẩm công nghệ Việt Nam chinh phục nhiều thị trường khác nhau, cung cấp những dịch vụ chất lượng và được đánh giá cao bởi đông đảo khách hàng quốc tế.

Và những thành tựu hiện tại mới chỉ là bước khởi đầu, trên hành trình ra biển lớn.