Bắt buộc gia tăng diện tích đất dành cho cây xanh
Tháng 9 vừa qua, bão số 3 (Yagi) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh tồn của hàng vạn cây xanh ở nhiều đô thị khu vực phía bắc. Thống kê cho thấy, riêng Hà Nội, hơn 100 nghìn cây xanh bị gãy, đổ (gồm cây đô thị và các loại cây khác). Cũng chính từ cơn bão này, một lần nữa những lỗ hổng trong công tác quản lý, tuân thủ nguyên tắc kỹ thuật trồng mới, bảo dưỡng và chăm sóc cây xanh đô thị được bộc lộ với cái giá quá đắt. Trong số những cây bị gãy đổ, có hàng nghìn cổ thụ, cây trồng từ 40-50 năm, gắn liền với đời sống thường nhật, với ký ức cộng đồng của người dân, với cảnh quan tại nhiều di sản kiến trúc, văn hóa lịch sử tại từng địa phương. Đây là điều rất đau xót!
Trong quy hoạch đô thị, các mảng xanh, diện tích trồng cây xanh là yếu tố bắt buộc. Mấy thập niên qua, cùng với tốc độ đô thị hóa, hạ tầng giao thông đô thị nước ta cũng được cải tạo và nâng cấp. Mặc dầu vậy, hệ thống cây xanh đô thị, nhìn chung, vẫn trong tình trạng yếu kém về số lượng, chủng loại và chất lượng cây trồng.
Tính đến nay, tại hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam, tỷ lệ cây xanh mới đạt mức 2-3m2/người. Trong khi đó, chỉ tiêu cây xanh tối thiểu theo quy định của Liên hợp quốc là 10m2/người, nhiều đô thị hiện đại trên thế giới đã đạt mức 20-25m2/người. Hệ thống cây xanh tại các đô thị cũng chưa phù hợp cảnh quan kiến trúc, chưa thật sự tạo dựng nét đặc trưng mới, đóng góp vào bản sắc của từng đô thị.
Nhìn rộng ra, hiện trạng cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại nhiều địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, chưa thiết lập được vành đai xanh để bảo vệ môi trường. Hệ thống cây xanh mới chỉ được hình thành, tập trung tại các thành phố lớn trực thuộc trung ương và một số thành phố trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể.
Bảo đảm sự phù hợp hệ sinh thái và bản sắc đô thị
Đã đến lúc các đô thị lớn cần đổi mới biện pháp quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật chuyên ngành về quy hoạch, trồng, chăm sóc cây xanh đô thị. Không chỉ tăng số lượng cây xanh theo tiêu chuẩn quy định, mà còn phải bảo đảm chất lượng mỗi loại cây phù hợp trong đô thị với hệ sinh thái, điều kiện tự nhiên, đặc điểm thổ nhưỡng, bản sắc từng đô thị.
Để khắc phục bất cập trong việc trồng cây xanh đô thị đã kéo dài nhiều năm, chính quyền các đô thị cần lắng nghe ý kiến của giới chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp và thiết kế cảnh quan kiến trúc. Cây trồng trên hè phố khác với cây trồng trong công viên, lâm viên hay các dải không gian xanh quanh thành phố.
Việc trồng, chăm sóc cây xanh, cắt tỉa cành phải được thực hiện thường xuyên, quanh năm với những tính toán kỹ thuật phù hợp, thay vì chặt hạ cành tùy tiện. Cây xanh như đời người, có trưởng thành, bệnh tật, già cỗi. Vì thế, cây, nhất là cây lưu niên, cần được quan tâm chăm sóc, tăng cường vi dưỡng, chống sâu đục thân và trong trường hợp nếu cây quá già cỗi, không có khả năng hồi phục thì cương quyết loại bỏ, trồng cây mới cùng chủng loại để bảo đảm an toàn cho cư dân, người qua đường.
Đơn cử câu chuyện của thành phố Hà Nội. Tuy có nhiều cố gắng phát triển cây xanh đô thị, thể hiện qua các chương trình "Trồng một triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020", "Trồng 500 nghìn cây xanh đô thị giai đoạn 2021-2025", song vì nhiều lý do, mục tiêu trên chưa thể hoàn thành.
Nhìn lại lịch sử, sau khi bắt đầu quy hoạch xây dựng Hà Nội theo kiểu đô thị châu Âu vào năm 1886, chỉ bốn năm sau, năm 1890, người Pháp đã thành lập vườn Bách Thảo, nơi ươm, trồng các loại cây bản địa bên cạnh giống cây du nhập từ châu Phi, châu Âu. Từ đó, các nhà quy hoạch người Pháp đã lựa chọn loại cây phù hợp thổ nhưỡng để trồng trên từng đường phố của Hà Nội, vừa lấy bóng mát vừa tạo cảnh quan đặc thù. Có thể kể đến những hàng cây xà cừ trên các đường phố Hoàng Diệu, Phó Đức Chính, Hoàng Hoa Thám; cây sấu trên các phố Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, một số đoạn phố Bà Triệu, đường Đinh Tiên Hoàng; cây sao đen trên phố Lò Đúc; cây phượng vĩ, cây cơm nguội trên phố Lý Thường Kiệt… Việc quản lý trồng cây trong đô thị cũng được quy định chặt chẽ, chẳng hạn như chỉ các phố có vỉa hè rộng từ 3m trở lên mới được trồng cây và cây phải có bóng mát.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển về cư dân và xây dựng mới như hiện nay, tính chất đô thị ở Việt Nam đã khác nhiều so thời thuộc Pháp, đòi hỏi một sự nghiên cứu và áp dụng phương pháp quản lý hiện đại và bài bản, nhằm thúc đẩy phát triển diện tích cây xanh đô thị nói chung, cây xanh ở Thủ đô Hà Nội nói riêng một cách hiệu quả. Chỉ tiếc rằng, như nhận định của ông Fumihisa Miyoshi, một chuyên gia cao cấp về phát triển đô thị của tổ chức JICA, tình trạng thiếu cây xanh tại các đô thị Việt Nam có nguyên nhân từ ý thức con người, bao gồm từ công tác quy hoạch/quản lý cho đến ý thức của cá nhân từng người dân trong việc gìn giữ môi trường.
Đối với Việt Nam, nếu thực hiện được mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8-10 m2/người thì cũng vẫn còn một khoảng cách khá xa so chỉ tiêu cây xanh đô thị của nhiều nước hiện đại trên thế giới.
Quy hoạch và quản lý đô thị ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng của tư duy bao cấp, chủ yếu dựa vào các nguyên tắc thiết kế tĩnh, thiếu linh hoạt, thiếu sự bén nhạy trước các biến đổi khí hậu và nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, trong thời kỳ phát triển mới với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, đô thị xanh, việc phát triển hệ thống cây xanh trong đô thị không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước, mà rất cần sự hỗ trợ, tham gia, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân, theo tinh thần mọi người, mỗi người hành động vì lá phổi xanh của đô thị và vì an toàn cuộc sống của chính mình.
Thiết nghĩ, Bộ Xây dựng nên sớm ban hành danh mục cây trồng đường phố trong đô thị; quy định cụ thể về việc lựa chọn loại cây trồng trong đô thị phù hợp điều kiện địa phương, có khả năng chống chịu thiên tai và tạo bản sắc đô thị. Cần bổ sung hướng dẫn quy định về quản lý, chăm sóc, bảo vệ và xử lý đốn hạ, di dời đối với cây được bảo tồn. Mặt khác, chính quyền các đô thị có thể tham khảo, áp dụng chế tài phân cấp quản lý cho chính quyền cơ sở trong lĩnh vực đặc thù này nhằm điều chỉnh phạm vi bảo vệ cây xanh cho kịp thời, phù hợp thực tế, giảm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của cây xanh trong mọi trường hợp, hoặc có sự can thiệp của con người đến môi cảnh sống của cây xanh hoặc do thiên tai.
Đối với Việt Nam, nếu thực hiện được mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8-10 m2/người thì cũng vẫn còn một khoảng cách khá xa so chỉ tiêu cây xanh đô thị của nhiều nước hiện đại trên thế giới.