Cần cơ chế hỗ trợ nghiên cứu sinh

Trong bối cảnh hội nhập, áp dụng những chuẩn mực quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là việc phải làm. Với yêu cầu nghiên cứu sinh (NCS) phải có ít nhất một bài báo thuộc danh mục ISI/Scopus hoặc hai báo cáo quốc tế thì mới đủ điều kiện tốt nghiệp, cho thấy Bộ GD-ĐT đang siết đầu vào chương trình đào tạo tiến sĩ (TS). Bài viết này thảo luận một số cơ chế nhằm hỗ trợ các NCS trong nước đạt được các yêu cầu trên.

Nghiên cứu sinh cần nâng cao hiệu quả của các nghiên cứu khoa học. Ảnh: KHÁNH AN
Nghiên cứu sinh cần nâng cao hiệu quả của các nghiên cứu khoa học. Ảnh: KHÁNH AN

Về tiêu chuẩn tạp chí quốc tế

Chúng ta đều biết ISI/Scopus là hai danh mục bao gồm hơn 24 nghìn tạp chí khoa học chất lượng, bao phủ tất cả các chuyên ngành hẹp thuộc lĩnh vực từ khoa học tự nhiên, cho đến kỹ thuật - công nghệ, xã hội và nhân văn. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng việc Bộ GD-ĐT để thêm yêu cầu thay thế “hai báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế/tạp chí quốc tế có phản biện” cũng là cách làm hợp lý. Một mặt, nó bảo đảm quyền tự chủ học thuật của các trường/viện trong việc đưa ra các yêu cầu đối với từng chuyên ngành/lĩnh vực đào tạo cụ thể; mặt khác nó cũng bảo đảm không bỏ sót một số tạp chí khoa học có chất lượng tốt nhưng vì nhiều lý do không hoặc chưa nằm trong danh mục của ISI/Scopus (thí dụ: Journal of Vietnamese Studies do NXB Đại học California ấn hành).

Tuy vậy, theo chúng tôi, sẽ trọn vẹn hơn, nếu quy chế đào tạo TS mới yêu cầu các trường/viện phải công khai danh mục các tạp chí/hội thảo khoa học không thuộc danh mục ISI/Scopus được chấp nhận tại chương trình đào tạo. Điều đó cũng thể hiện tính trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo đối với xã hội và cộng đồng khoa học.

Vai trò của các cơ sở đào tạo

Rõ ràng, với yêu cầu khắt khe hơn, sẽ thách thức người học nếu như vẫn phải học tập và nghiên cứu trong điều kiện hiện nay. Trong bối cảnh đó, rất cần sự thay đổi về chính sách, cách làm của các trường/viện có đào tạo TS. Theo quan điểm của chúng tôi, một số biện pháp sau đây có thể áp dụng được ngay mà không quá tốn kém:

Một là, đã đào tạo TS thì các chương trình phải đặt tiêu chuẩn trước tiên và trên hết cho chất lượng nghiên cứu và công bố kết quả. Điều này sẽ dẫn đến nhiều thay đổi, như hạn chế tỷ lệ NCS bán thời gian xuống mức rất thấp. Việc yêu cầu đa số TS học toàn thời gian cũng sẽ giúp loại trừ một cách tự nhiên các NCS đi học chỉ nhằm mục tiêu lấy bằng.

Hai là, chỉ cho phép các thầy nhận NCS nếu có đề tài nghiên cứu khoa học hỗ trợ. Nói cách khác, đây là cách giúp gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo tiến sĩ - là một hoạt động đương nhiên mà cả thế giới từ lâu đã thực hiện. Việc gắn đề tài nghiên cứu với đào tạo NCS cũng sẽ giúp NCS có thêm kinh phí để thực hiện nghiên cứu hoặc có thêm thu nhập trong điều kiện đi học tập trung 100% thời gian. Người hướng dẫn, bên cạnh các yêu cầu theo quy định mới, cần công khai lý lịch khoa học cho NCS và xã hội tìm hiểu.

Ba là, các trường cần sáng tạo và thậm chí cạnh tranh để cung cấp cho NCS các phương tiện hỗ trợ nghiên cứu. Thí dụ, tham gia các seminar chất lượng, hướng dẫn sử dụng phần mềm, chủ động các chương trình điều tra, dữ liệu, hay hỗ trợ tài chính đánh giá và hướng dẫn sửa bản thảo tiếng Anh. Từ kết quả nghiên cứu cho đến một bài báo khoa học hoàn chỉnh là một khoảng cách dài, các nhà nghiên cứu ở trình độ NCS thực tế chưa đủ kinh nghiệm và kỹ năng để lấp đầy khoảng cách này, do đó nhiều nước không nói tiếng Anh như Trung Quốc, Thái-lan, Hàn Quốc… từ nhiều năm nay đã hỗ trợ NCS theo hướng nói trên để cải thiện chất lượng sản phẩm của họ.

Vai trò của cộng đồng chuyên môn

Hiện ở Việt Nam, các cộng đồng chuyên môn đã phổ biến, nhưng lại chưa tồn tại rõ trong từng phạm vi nghiên cứu hẹp, mà dường như chỉ tồn tại trong các nhóm lớn và đơn ngành (thí dụ Hội Toán học, Hội Vật lý, Hội Sử học…). Trong bối cảnh đó, yêu cầu mới về nghiên cứu trong đào tạo TS có thể là cú huých để phát triển mạng lưới cộng đồng nghề nghiên cứu hẹp, đi vào các hoạt động hỗ trợ nhau hiệu quả và cụ thể hơn: từ đề tài, dữ liệu, phương pháp, thậm chí cả quan hệ/thông tin/đầu mối tổ chức công việc. Việc tham gia và đóng góp cho các cộng đồng nghề “nghiên cứu” giúp ích rất tốt cho cả giảng viên hướng dẫn lẫn NCS.

Ý nghĩa khác của cộng đồng nghiên cứu hẹp là sự hình thành tự nhiên và thông qua hợp tác các nhóm nhà khoa học (thậm chí từ nhiều ngành khác nhau), liên kết và cộng tác (từng dự án hoặc dài hạn). Ở góc độ quản trị, các nhà làm chính sách rất cần tìm hiểu về sự tương tác đang tồn tại trong xã hội trên phương diện nghề nghiên cứu. Trong đó, một số trung tâm mạnh có thể đóng vai trò dẫn dắt một cách tự nhiên.

Trong hình minh họa là “mạng lưới” khoa học xã hội thực tế của Việt Nam, cho thấy sự kết nối giữa 410 nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước đã có công bố quốc tế (lấy từ dữ liệu Scopus) trong giai đoạn 10 năm từ 2008 đến 2017. Có thể thấy, đã xuất hiện các nhóm tuy nhỏ, trong đó một số đang mạnh lên nhanh chóng, và có độ lan tỏa tốt (thí dụ điểm 1,2,3). Các nhóm mạnh thường liên kết hay tạo ra các cá nhân mạnh, và/hoặc liên kết với các nhóm mạnh khác. Cũng thấy được vai trò quan trọng của nữ giới trong nghiên cứu khoa học xã hội. Tuy nhiên, cũng thấy tiềm năng để kết nối hiệu quả và tạo hiệu ứng cải thiện năng suất nói chung trên quy mô xã hội còn rất lớn, ủng hộ lập luận về giá trị của cộng đồng.

Cần cơ chế hỗ trợ nghiên cứu sinh ảnh 1

* Kích cỡ từng điểm càng lớn thể hiện tác giả có càng nhiều công trình công bố.

* Đường nối giữa các tác giả thể hiện mối quan hệ cộng tác cùng công bố bài báo khoa học.

(Hình trích từ kết quả của nhóm nghiên cứu mà những người viết bài này là thành viên).