Cái tình giữ theo năm tháng

Tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú vừa ra mắt cuốn sách “Nhà văn và chữ tình gởi lại” (NXB Hội Nhà văn) nhân dịp sinh nhật lần thứ 82.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Trình Quang Phú (áo comple đen) cùng các đồng nghiệp trong cuộc ra mắt sách.
Nhà văn Trình Quang Phú (áo comple đen) cùng các đồng nghiệp trong cuộc ra mắt sách.

Sách kể 25 câu chuyện về những kỷ niệm đời thường và suy ngẫm của tác giả với các “cây đại thụ” trong nền văn học nước nhà, được tác giả chắt chiu qua hơn nửa thế kỷ sáng tác. Trong đó có thể kể đến nhà văn Nguyễn Tuân với lối hành văn độc lạ. Trong con mắt của nhà văn Trình Quang Phú, ông là một người ý nhị, nhẹ nhàng, tếu táo mà vẫn sâu sắc. Hay độc giả có thể thấy một Xuân Diệu trầm lắng và cần mẫn, khác những vần thơ mãnh liệt, táo bạo của ông.

Đã qua hàng chục năm, nhưng ký ức vẫn như in hằn trong tâm trí nhà văn Trình Quang Phú. Gấp sách lại, không khó để độc giả nhận thấy sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm là cái “tình”. Từng dòng chữ gửi gắm trong trang sách đều thấm đẫm tình cảm, cho thấy một góc nhìn khác về các tác giả, không cao siêu, không hào nhoáng bóng bẩy, mà là những nét giản dị, gần gũi, chân thực. Và, tuy không chủ đích, nhưng từ đầu chí cuối, có một nhân vật luôn hiện hữu trong cuốn sách, ấy chính là tác giả Trình Quang Phú và những cái “tình” của ông đối với các nhân vật trong cuốn sách.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà văn Trình Quang Phú đã giữ lại những hình ảnh, phần đời sống động, đặc biệt là tấm gương cho thế hệ sau. Ông vừa là nhân chứng, vừa là nhà văn, vừa là nhân vật gián tiếp trong cuốn sách này. Cuốn sách trọn vẹn với tất cả những nghĩa tình của nó. Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đề nghị: “Nếu quỹ văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam cho phép, tôi rất mong muốn mình có thể giới thiệu cuốn sách này ra thế giới, để bạn bè thấy được thế hệ những nhà văn Việt Nam đồng hành cùng công cuộc kháng chiến. Các nhà văn Việt Nam thời chiến có những cái rất khác biệt ở chỗ họ tận hiến cho cuộc sống, tiếp đó là những hy sinh vô cùng lớn lao”.

Đọc “Nhà văn và chữ tình gởi lại,” nhà thơ Hữu Thỉnh rất ngạc nhiên với vốn sống cũng như cái duyên được gặp gỡ với rất nhiều nhà văn của nhà văn Trình Quang Phú. Ông nói: “Tôi cho rằng tác phẩm của anh Trình Quang Phú rất đặc biệt, bởi nó đã làm sống lại một thời kỳ văn học vô cùng vẻ vang, thông qua kỷ niệm với các văn sĩ, một giai thoại khi mà đất nước xẻ mình ra trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do, khi các nhà văn cuốn vào dòng chảy cách mạng, kháng chiến. Có thể nói rằng, mọi tình cảm dành cho họ đều được trút hết lên những trang viết ấy. Bút ký của anh Trình Quang Phú rất chân thực, đến nỗi chân dung của các nhà văn như hiện lên khi tôi đọc tác phẩm này”.