Những chuyến trở về

Trong những ngày dịch bệnh hoành hoành, chuyện chu du đây đó trở nên xa xỉ. Quê hương là nơi chốn luôn được hướng về. Từ thành phố về nhà chẳng xa lắm. Cha mẹ, quê nhà, khu vườn và muôn điều giản dị lại đón đứa con mải mê mưu sinh trên phố, vì rất nhiều công việc bận rộn và những chuyến du lịch xa xôi nên đôi khi sao lãng. Hai đứa con được rộn ràng với trẻ hàng xóm, được tập bơi, thả diều, tránh xa màn hình ti-vi, điện thoại. Đứa lớn bảo: “May mà bố mẹ đưa về dịp này, chúng con được trải nghiệm nhiều trò chơi vui, còn được trồng cây, được ông Mách hàng xóm cho đi chăn trâu”. Đứa bé hơn hồn nhiên diễn tả sự quan sát của nó: “Đàn gà cứ chạy và kiếm mồi trên sân, ngoài vườn, ngắm thật thích, chị nhỉ? Nhất là mấy con gà trống mà em từng thấy vẽ trong sách. Nhưng ở ngoài gà đẹp hơn nhiều và em có thể cho gà ăn…”. Mẹ tôi nhìn các cháu rồi quay sang con gái cười và bảo: “Các cháu “đói” chất quê quá, dù rằng chẳng xa quê là mấy. Con nên tạo cơ hội cho bọn trẻ trải nghiệm thật nhiều”.

Mẹ tôi dẫn các cháu ra vườn, chỉ cho chúng các loài cây. Nào là bưởi, na, mít, ổi, sung… Kia là cây vối. Mùa hè mà đun lá và nụ vối, lấy nước uống thì thật thích. Còn góc kia là luống nghệ, luống mồng tơi và cả rau ngót. Những thứ cây, rau ở trong vườn mẹ đều mộc mạc mà ngày nhỏ tôi vẫn thường giúp mẹ trồng, chăm sóc. Mẹ cũng dạy các cháu trồng rau. Từ chuyện làm đất, trồng xuống, tưới nước, chăm sóc, chờ cây lớn lên và thu hái, mẹ giảng cặn kẽ cho hai đứa trẻ tập làm “nông dân” và chỉ cho chúng niềm vui khi bỏ công sức lao động ra, gặt được thành quả. Các con tôi uống từng lời. Tôi tin nhiều đứa trẻ thiếu quê hoặc xa quê đều mang trong mình sự rộn ràng muốn khám phá, trải nghiệm. Những đứa trẻ sẽ có ký ức về quê quán, điều đó giống như mạch nước làm ngọt mát tâm hồn chúng, và không gì bằng chúng được gieo trong đầu những hạt mầm của tình yêu cây, yêu quê.

Còn nhớ khi bé thơ, tôi và bao trai gái trong làng đã uống nước giếng làng, được nuôi trong mình những khát vọng vươn tới sự học hành để có tương lai tốt hơn. Thời gian ra thành phố học, mỗi tháng về quê một lần, tôi vẫn gần gũi quê hương và mừng lòng là mình có một vùng quê bình yên tuyệt diệu, có lòng mẹ ấm áp để sà vào. Rồi khi đi làm, lấy chồng, bao việc bận bịu nên thưa dần những chuyến về quê. Nhưng lần nào về là mẹ lại trao cho bao thứ quà mang lên phố… Để rồi thi thoảng có lúc ở trên những căn chung cư cao chót vót, lại thấy man mác nhớ tiếng ếch nhái, tiếng nước nhỏ vào chum nước mưa và hình ảnh cha hái ổi, hái rau để sớm mai mẹ ra chợ. Đó là vùng ký ức mà tôi ấp iu, như một kho tàng lớn của đời mình.

Về quê những ngày này, bọn trẻ cũng được biết thêm sự hối thúc đến gắt gao của tiếng ve và những cơn mưa mát lành của mùa hạ. Chúng còn đòi tắm mưa và thỏa thích đưa tay ra hứng những giọt nước rớt xuống từ mênh mông trời cao, rồi cười vang cả xóm. Đã bao năm rồi tôi không tắm mưa, ngày xưa gọi là vầy mưa. Xưa trẻ em ở thôn quê, trải qua đằng đẵng mưa nắng thất thường nên quen, chẳng bao giờ bị cảm cúm. Bởi trẻ em thôn quê được tiếp sức bằng chính sự trải nghiệm, điều đó đã tạo ra sức đề kháng tuyệt vời. Người làng tôi vẫn gọi mưa mùa hạ là mưa ngọt, mưa vàng. Bởi sau những trận nắng, mưa trút xuống giống như sự ban phát từ trời xanh cho những ô ruộng khô hạn, những hàng cây đói nước. Cây được mưa nên tốt thêm nhiều, ngô mẩy hạt, bầu bí được dịp kết trái.

Ai cũng có những chuyến trở về theo cách riêng. Nhưng trở về nơi chôn nhau cắt rốn là sà vào sự rộng lượng của quê nhà ân nghĩa. Sẽ thiệt thòi cho chúng ta và nhất là những đứa trẻ, khi cứ phải khép mình trong những căn nhà chật hẹp hay cao ốc vời vợi nơi thành phố. Sao không để mình được sống với ký ức, bằng chuyến trở về để nuôi dưỡng ký ức, chắp mối cho những trải nghiệm cuộc sống trong vòng tay quê nhà?