Theo dặm dài ĐẤT NƯỚC

Bước trên sống Đá Voi

Ngỡ không cao, mà không phải ai cũng lên được đến đỉnh phiến đá đen kỳ lạ ấy. Tưởng "cũng chẳng có gì lạ lắm", mà khi ngoảnh nhìn vẫy tay chào Đắk Lắk, lại thấy may mắn khi đã dành một chút thời gian để tạt vào đây.
0:00 / 0:00
0:00
Xanh thẳm đại ngàn trải dài trước mắt...
Xanh thẳm đại ngàn trải dài trước mắt...

Nằm nép dưới bóng đại ngàn nam Trường Sơn, trong một cái nhìn thoáng qua, Đá Voi Mẹ quả thật vô cùng bé nhỏ. Đường từ trung tâm thành phố ra Hồ Lắk, nếu không có người đồng nghiệp hiếu khách "hoa tiêu", có khi cả xe lại cứ thế mà thúc bác tài nhấn ga, bỏ qua mất cái khung cảnh độc đáo ấy.

Vài trăm mét độ cao từ mặt đất lên đến đỉnh, dốc đá chênh chếch 45 độ, khi bóng người song song bóng núi dưới ánh mặt trời Tây Nguyên bắt đầu gay gắt, đó hoàn toàn không phải là một cuộc dạo chơi, nhất là cho "đám thị dân chân yếu tay mềm".

Đá gồ ghề, nhưng có chỗ lại trơn tuột. Đá mang sắc xám lạnh lẽo, nhưng lại bỏng rẫy, mỗi khi vô tình để chạm chân trần. Đá bề thế, nhưng mỗi phía bên rìa đều là một không gian bấp bênh, đủ làm chùn chân bất cứ ai không quen với độ cao. Không một bóng cây. "Sống voi" hun hút. Và ánh nắng mùa hè tạo cho từng bước chân cái cảm giác chênh vênh, như thể đang đi qua mô hình thu nhỏ của "sống khủng long" ngoài Đông Triều (Quảng Ninh). Mồ hôi tứa vào khóe mắt, cay xè.

Nhưng, phần thưởng cho chặng nỗ lực không lấy gì làm dài ấy cũng sẽ đến ngay thôi, khi ta đặt chân đến điểm cuối cùng. Nắng vẫn chói chang, nhưng gió dường như lại cũng thênh thang hào sảng hơn, khi một bức trường thành xanh thăm thẳm đại ngàn trải dài trước mắt. Quay trọn một vòng 360 độ, thu hết dáng núi mầu trời tám hướng bốn phương, nhìn xuống những bóng người bé tẹo nơi chân đá, thế có lẽ cũng đủ để tự hài lòng rằng mình đã không bỏ cuộc. Đã đi đến tận cùng của hành trình.

Mà, điểm "về đích" nào chẳng có vẻ đẹp riêng?

Nói đến Đá Voi Mẹ, là phải nói đến cả Đá Voi Cha. Câu chuyện thần thoại cổ xưa, cố giải thích cách những phiến đá vô tri dịch chuyển trên sơn nguyên này, thực tình, cũng gợi lên những dư vị ít nhiều chua xót. Bởi, đi thêm một chặng đường nữa trên quốc lộ 27, cái hình bóng lẻ loi của Đá Voi Cha nhô lên giữa cánh đồng sao mà lầm lũi, tội nghiệp.

Bước trên đỉnh Đá Voi Mẹ, bạn sẽ không nhìn thấy Đá Voi Cha, dù khoảng cách chỉ chừng 5km. Đấy là, như cổ tích, Voi Mẹ và Voi Cha đã tiến dần về phía nhau rồi.

Nhưng, khi bước trên đỉnh Đá Voi nào ở Yang-tao, bạn cũng sẽ không có nhiều thời gian để suy tư như thế. Bạn cần phải chìm đắm, và chắc chắn sẽ chìm đắm trong niềm hân hoan của chính mình cũng như sự phóng khoáng vô bờ của cảnh sắc, giữa "cái nắng" và "cái gió" huy hoàng của đất Ban Mê này.

Nếu có nghĩ ngợi, thì chi bằng ta hãy nghĩ: "Lạnh lùng như đá, cuối cùng, cũng vẫn đi tìm nhau"…