Bước chuyển mang đến nhiều trải nghiệm

Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú trong suốt tháng 4/2024, ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. Sự kiện năm nay còn đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng gắn liền với ứng dụng công nghệ số trong nhiều khía cạnh hoạt động của lĩnh vực xuất bản và thư viện, góp phần tạo thuận lợi nhiều hơn cho bạn đọc.
0:00 / 0:00
0:00
Con đường văn sĩ của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là ấn phẩm mới nhất của Nhà xuất bản Kim Đồng, ra mắt đúng dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay. Nguồn: NXB Kim Đồng
Con đường văn sĩ của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là ấn phẩm mới nhất của Nhà xuất bản Kim Đồng, ra mắt đúng dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay. Nguồn: NXB Kim Đồng

Sách hay cần bạn đọc

Thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay gắn với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng: "Sách hay cần bạn đọc"; "Sách quý tặng bạn"; "Tặng sách hay - Mua sách thật"; "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe". Có thể thấy từ thông điệp, một điều được nhấn mạnh là việc thúc đẩy, chấn hưng văn hóa đọc phải gắn liền với vấn đề bản quyền sách, chất lượng sách, giảm dần những hành vi kinh doanh sách giả, sách lậu trên thị trường.

Nhiều hoạt động trong ngành thư viện nhân dịp này thể hiện sự "cần bạn đọc". Có thể kể đến Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) với chủ đề "Điện Biên-Vang mãi bản hùng ca", diễn ra từ ngày 22/4 đến 26/4 tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Điện Biên. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phối hợp chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia của 42 đoàn, gần 1.200 cán bộ thư viện, đại diện cho hơn 10.000 người làm công tác thư viện của 63 tỉnh, thành phố, thư viện lực lượng vũ trang, thư viện đại học trong cả nước. Những cuốn sách được các đoàn đem đến giới thiệu tại Liên hoan là nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, cung cấp tới bạn đọc thông tin toàn diện về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lịch sử vẻ vang qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thư viện quốc gia Việt Nam lựa chọn chủ đề Thế giới tôi đọc khi tổ chức cùng lúc hàng chục sự kiện nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay. Định hướng chung nhất của loạt sự kiện diễn ra tại đây là hướng đến bạn đọc nhỏ tuổi, từ tiểu học đến bậc trung học phổ thông. Vì vậy, tính chất tương tác, khuyến khích bạn đọc quan tâm đến sách trong các hoạt động được chú trọng. Có thể kể đến triển lãm "Sách - Cánh cửa mở ra thế giới" trưng bày 1.000 cuốn sách theo bốn nội dung: Sách - Thay đổi tư duy; Sách - Mở rộng tầm nhìn; Sách - Khám phá thế giới; Từ trang sách tới thành công. Khi tham gia hoạt động "Đọc sách sáng tạo", gần 200 học sinh tiểu học đã thích thú với hoạt cảnh diễn lại phần kết truyện cổ tích "Tấm Cám" có sự sáng tạo các tình huống, tạo nhiều phiên bản. Chuyên đề "Gieo mầm tri thức" là sự kết hợp giữa đọc sách với các hoạt động văn hóa như thực hành âm nhạc, xem phim, phát triển năng khiếu cá nhân dành cho các bé học mẫu giáo, thu hút được sự tham gia của gần 100 em nhỏ và 25 cô giáo đến từ các trường mầm non.

Với vị thế như là "anh cả đỏ" trong ngành thư viện, những sáng tạo trong hoạt động hướng đến bạn đọc nhỏ tuổi của Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ tạo nên tác động lan tỏa tích cực đến hệ thống thư viện địa phương trong cả nước, góp phần quan trọng khuyến khích văn hóa đọc trong các thế hệ công dân tương lai.

Chuyển đổi số thực chất để thúc đẩy văn hóa đọc

Từ đầu năm 2021, Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã đưa vào hoạt động kênh YouTube Sách và Trí tuệ Việt. Mục đích của kênh này là hướng đến cộng đồng, giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách hay, bổ ích.

Đến nay, kênh Sách và Trí tuệ Việt đã có khoảng 118.000 người đăng ký theo dõi, 4.500 video được phát hành với đa dạng nội dung, từ các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc hằng năm, Liên hoan cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền giới thiệu sách đến các cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến giàu ý nghĩa, có sức lan tỏa cộng đồng cao. Đây là thí dụ sinh động về sự chuyển biến trong cách thức hoạt động của một đơn vị quản lý nhà nước về thư viện, bám sát xu hướng chuyển đổi số với tinh thần phục vụ xã hội.

Theo Kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hai trong số sáu nội dung hoạt động trong thời gian diễn ra Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đều gắn liền với chuyển đổi số. Đó là: Tổ chức các buổi hội thảo, thảo luận, trao đổi kiến thức, chia sẻ các thông tin về cách sử dụng công nghệ và nền tảng số đọc điện tử mới để khuyến khích việc đọc sách như xu hướng đọc sách số, sách âm thanh, sách tương tác và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo…; Tổ chức các câu lạc bộ đọc sách trực tuyến, tạo ra các nhóm đọc sách trực tuyến để thảo luận về tác phẩm thông qua các nền tảng trực tuyến như Zoom, Skype, Google Meet… Bước đi này là hoàn toàn phù hợp để tận dụng tối đa chuyển đổi số cho phát triển và kết nối cộng đồng đọc sách trên cả nước và kiều bào ở nước ngoài.

Dẫu vậy, đối với một người đọc "cổ điển", không gì hơn là cầm trên tay một cuốn sách của tác giả mà mình yêu thích, hoặc về chủ đề mà mình quan tâm với chất lượng tốt từ thiết kế dàn trang tới kỹ thuật in ấn, đóng quyển, đóng bìa. Mối quan hệ 1-1 giữa sách và người đọc còn được ví như là tình bạn thâm giao, bởi có cuốn sách đã đi theo người đọc suốt cuộc đời. Cảm nhận này khác hoàn toàn việc nghe sách nói hay đọc sách điện tử trong thời đại công nghệ hiện nay. Nhưng ít nhất, công nghệ số đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc khơi dậy nhiều hơn tình cảm dành cho sách của bạn đọc hôm nay.