Bóng đổ đường dài

Hai đại thụ của hai lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật nước nhà vừa lặng lẽ nằm xuống: GS, TSKH Tô Ngọc Thanh và GS, NSND Tạ Bôn.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh đã có nhiều cống hiến cho văn hóa đất nước, nhất là đối với lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh đã có nhiều cống hiến cho văn hóa đất nước, nhất là đối với lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian.

Khó có thể nói hết những cống hiến của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh cho văn hóa đất nước, nhất là đối với lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian- với nhiều công trình nghiên cứu công phu, đồ sộ như Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969), tác phẩm Âm nhạc dân gian Mường (1971), tư liệu Âm nhạc Cung đình Việt Nam (2000), ghi chép về văn hóa và âm nhạc - công trình đồ sộ, dày hơn 900 trang sách.

Ông còn nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao, đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 12 tập dân ca phổ biến tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số và 30 tập dân ca chuyên đề từng dân tộc. Trên cương vị Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, ông đã có công thúc đẩy việc lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa nhiều giá trị, công trình nghiên cứu đặc sắc về văn hóa các tộc người. Với sự yêu mến và tinh thần làm khoa học đặc biệt nghiêm túc, ông là một trong số rất ít các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam đã dành hàng chục năm lăn lộn khắp các bản làng vùng Tây Bắc, Tây Nguyên... và đã nhiệt tình truyền thụ kiến thức, phương pháp nghiên cứu khoa học đến nhiều thế hệ học trò, góp phần đào tạo nên nhiều nhà khoa học uy tín của đất nước.

GIÁO sư, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn từng là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được tham dự một concours âm nhạc quốc tế (Concours cho violon tại Romania, năm 1958), từng nhận Huy chương bạc tại Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới tổ chức tại Phần Lan, năm 1962, và đã đi biểu diễn tại nhiều quốc gia, như: Nga, Trung Quốc, Cuba, Phần Lan, Hungary, Bungary...; nhiều lần được mời làm giám khảo cuộc thi âm nhạc quốc tế uy tín như cuộc thi P.I Tchaikosky của Liên Xô (trước đây) các năm 1978, 1982, 1986 và từng là khách mời danh dự cuộc thi quốc tế J.S Bach của Cộng hòa Dân chủ Đức các năm 1980, 1984. Ông là giảng viên rồi Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), từng hoạt động nghệ thuật ở Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh và giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.

Bóng đổ đường dài ảnh 1

Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn luôn đề cao, trân trọng những giá trị thuần khiết của nghệ thuật.

Trong cuộc đời hoạt động đầy vinh quang và tự hào của mình, nghệ sĩ Tạ Bôn luôn đề cao, trân trọng những giá trị thuần khiết của nghệ thuật, tiếp nối và trao truyền truyền thống nghệ thuật đáng quý của gia đình (cha ông là nhạc sĩ Tạ Phước - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam- tiền thân của Nhạc viện Hà Nội); các em ruột của ông đều là những nghệ sĩ tên tuổi: Tạ Tuấn (violon), Tạ Đôn (violon), Tạ Huấn (cello); vợ ông là Nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân Kim Dung (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh); con gái ông là nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi, con trai là nghệ sĩ violon Tạ Tôn.

Không chỉ để lại khoảng trống lớn về học thuật, cách mà hai con người, hai nhân cách lớn ấy đã sống và cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước, tin rằng, sẽ còn phủ bóng tới nhiều thế hệ.