Cánh cửa rộng cho một đề tài hẹp

Gần đây, trong một cuộc thăm dò ý kiến khán giả tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, 90% số phiếu có bày tỏ sự yêu thích và nguyện vọng được tiếp tục xem phim hoạt hình Việt Nam tại rạp, trong đó có mong muốn xem nhiều phim về đề tài lịch sử. Điều đó phần nào cho thấy, thị trường nội địa cho phim hoạt hình nói chung và phim hoạt hình lịch sử nói riêng khá rộng mở nhưng chưa được khai thác tối ưu.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong bộ phim cắt giấy "Chiếc xe thồ Điện Biên", dự kiến công chiếu vào đầu tháng 5/2024. Nguồn: Hãng phim Hoạt hình Việt Nam
Cảnh trong bộ phim cắt giấy "Chiếc xe thồ Điện Biên", dự kiến công chiếu vào đầu tháng 5/2024. Nguồn: Hãng phim Hoạt hình Việt Nam

Số lượng phim ít vì "khó đủ đường"

Hiện nay, hầu hết các phim hoạt hình có nội dung về lịch sử dân tộc do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất đều là tác phẩm sử dụng nguồn kinh phí của Nhà nước. Trung bình, mỗi năm, Hãng sản xuất 16-20 phim với đa dạng chủ đề nội dung. Tùy vào định mức hằng năm, số lượng phim hoạt hình lịch sử nhiều hơn hoặc ít đi, có năm làm ba phim, có năm chỉ một phim. Riêng trong hai năm 2024-2025, Hãng còn có tám bộ phim lịch sử được một số đơn vị ngoài nhà nước đặt hàng.

Bên cạnh Hãng phim Hoạt hình Việt Nam còn có một số đơn vị sản xuất tư nhân tham gia sản xuất phim hoạt hình lịch sử như Công ty cổ phần Dịch vụ văn hóa truyền thông Sáng Ý (Dee Dee Animation Studio) có serie bảy tập phim Trưng Vương, nói về các nữ tướng thời Hai Bà Trưng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Truyền thông Colory (Colory Animation Studio) với phim Con rồng cháu tiên, Tản Viên Phong Châu...

Như vậy, có thể nói, phim hoạt hình nói chung, phim hoạt hình về đề tài lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc vẫn được sản xuất đều đặn ở trong nước, thậm chí nhận được sự quan tâm của các công ty tư nhân, cho thấy tiềm năng kinh doanh trong địa hạt này. Tuy nhiên, số lượng phim hoạt hình về đề tài lịch sử nói riêng được sản xuất hằng năm vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Thông thường, một bộ phim hoạt hình dài 10 phút cần một đội ngũ nhân sự thực hiện lên tới 30-40 người, hoàn thành trong tám tháng. Theo bà Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Kịch bản, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, một bộ phim lịch sử thường có thời lượng khá dài, có thể 20-30 phút hoặc nhiều hơn nữa. Chính vì vậy, đội ngũ làm phim phải "gánh" khối lượng công việc khổng lồ. Ngoài ra, việc tìm hiểu trang phục, bối cảnh, đạo cụ phù hợp và đúng với thời kỳ lịch sử cũng là một thách thức đối với người làm phim hôm nay. Chỉ một câu nói, một danh xưng, một cách xưng hô cũng khiến họ phải mất công tìm hiểu, tra cứu, xin tư vấn từ các nhà nghiên cứu lịch sử qua nhiều ngày…

Nhìn chung, để làm tốt bộ phim hoạt hình lịch sử, các nhà làm phim không chỉ nắm vững chuyên môn hoạt hình mà còn phải là những người có kiến thức, có vốn hiểu biết sâu về lịch sử. Không phải người làm phim nào cũng hợp với việc làm phim lịch sử nên lâu nay, việc đào tạo đội ngũ có đủ chuyên môn để thể hiện phim hoạt hình lịch sử gặp rất nhiều khó khăn.

Còn một khó khăn để sản xuất phim hoạt hình lịch sử là chi phí tốn kém và dễ bị "mặc định" có nội dung khô khan, ít tính giải trí hơn các bộ phim hoạt hình thông thường. Ngoài Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, đơn vị phim của Nhà nước thực hiện các bộ phim đặt hàng, đều đặn hằng năm đều sản xuất phim hoạt hình lịch sử, thì các công ty phim tư nhân không mặn mà với dòng phim này; họ chỉ làm khi tìm được nguồn kinh phí đủ mạnh và kịch bản thật hấp dẫn.

Vẫn vướng mắc "đầu ra"

Ông Bùi Mạnh Quang, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết: "Nếu là phim nhà nước đặt hàng thì sau khi sản xuất xong, Hãng sẽ bàn giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Hãng chỉ đóng vai trò là đơn vị sản xuất. Còn khâu ra rạp, phát hành ở đâu, vào thời gian nào do Cục Điện ảnh quyết định".

Ở một góc quan sát khác, trên hệ thống truyền hình cáp của Đài Truyền hình Việt Nam, những kênh phim hoạt hình thiếu nhi hầu như chỉ dành để chiếu phim hoạt hình quốc tế còn phim hoạt hình Việt Nam hoàn toàn lép vế ngay tại "sân nhà".

Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có các bộ phim hoạt hình lịch sử của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam là có cơ may được ra rạp. Các công ty tư nhân sản xuất phim hoạt hình lịch sử đều lựa chọn "đầu ra" cho sản phẩm là nền tảng số, như kênh YouTube riêng của công ty. Lý do thì có nhiều, song theo tiết lộ của một đơn vị sản xuất phim hoạt hình tư nhân, nếu làm phim ra rạp thì cũng mất thời gian tính theo năm kèm rất nhiều công sức để xin cấp phép chiếu rạp, rồi tìm cách liên kết với các hệ thống rạp chiếu, thêm chi phí quảng bá phim. Trong khi đó, việc phát hành phim trên nền tảng số lại khá dễ dàng.

Trong thời đại công nghệ số, phim hoạt hình với nhiều thế mạnh thị giác hoàn toàn là một thể loại phim phù hợp để kể chuyện lịch sử, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mà vẫn hấp dẫn mọi lứa tuổi. Thiết nghĩ, để khai thác tối đa tiềm năng từ các công ty tư nhân tham gia sản xuất dòng phim này, cần có chiến lược đầu tư với tầm nhìn dài hạn, như kết hợp công-tư. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý các sản phẩm phim được Nhà nước đặt hàng cũng cần xem xét linh hoạt và thấu đáo việc phát hành rộng rãi hơn nữa, trên nhiều nền tảng ngoài hệ thống rạp chiếu, tránh để lãng phí nguồn tiền đầu tư từ Nhà nước và chất xám của đội ngũ làm phim như hiện nay.