Những tiềm năng chờ đánh thức

Tuyến du lịch “Con đường di sản nam Thăng Long - Hà Nội” vừa được chính thức công bố tại Lễ khai hội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) đầu tháng tư này. Cơ quan chức năng kỳ vọng, thời gian tới có thể lan tỏa, phát triển các tour du lịch di sản làng nghề - “mỏ vàng” của du lịch văn hóa Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Làng nghề Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) đang thu hút khách du lịch. Ảnh: HOÀI NGUYỄN
Làng nghề Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) đang thu hút khách du lịch. Ảnh: HOÀI NGUYỄN

Khởi đầu cho những mục tiêu

Tuyến du lịch “Con đường di sản nam Thăng Long - Hà Nội” đầu tiên kết nối Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, bám theo trục Quốc lộ 21B, tập trung khai thác các khu di tích lịch sử và làng nghề, như đình Nội, thôn Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), làng nghề dệt Phùng Xá (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức).

Trước đó, cuối năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp khảo sát để xây dựng tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên, gồm làng Ngâu (huyện Thanh Trì), làng Phúc Am (huyện Thường Tín) và làng Cựu (huyện Phú Xuyên) bám trục giao thông Quốc lộ 1A, cùng thuộc “Con đường di sản nam Thăng Long - Hà Nội”. Tuy nhiên, tuyến du lịch bám Quốc lộ 21B được lựa chọn trước, do có nhiều điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn xây dựng tour du lịch phục vụ khách quốc tế, như thuận tiện đường giao thông, quang cảnh thiên nhiên đẹp, con người thân thiện,… Thêm nữa, tuyến này còn có “điểm cộng” là gần danh thắng chùa Hương, vốn đã được đông đảo du khách quốc tế biết đến.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức được xây dựng là cơ sở để từng bước đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với di sản, di tích, làng nghề, góp phần tạo điểm đến du lịch chất lượng cao; phát huy tính liên kết, hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch theo hướng bảo tồn và phát triển bền vững.

Còn nhiều việc phải làm

Hà Nội là nơi có mật độ làng nghề truyền thống cao nhất cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, tập trung nhiều nhất ở sáu huyện phía nam thành phố. Trong khi đó, Hà Nội mới chỉ thu hút khách du lịch tại một số quận trung tâm, dẫn đến quá tải cho hạ tầng dịch vụ. Các cơ quan chức năng đang đặt mục tiêu kéo giãn du khách về phía nam Hà Nội. Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, sáu huyện phía nam Hà Nội có lợi thế nhưng du lịch làng nghề những năm qua chưa phát triển đúng như tiềm năng. Ở các làng nghề thiếu lao động chuyên sâu, am hiểu về du lịch, mạnh ai nấy làm và chủ yếu vẫn đặt mục tiêu bán sản phẩm làng nghề là chính. “Thành phố xây dựng, kết nối du lịch các điểm làng nghề truyền thống là rất tốt. Nhưng để triển khai hiệu quả, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Thứ nhất, phải lựa chọn các điểm phù hợp, xây dựng các tuyến mà khách cần chứ không chỉ kết nối cơ học. Tiếp đó là đánh giá về hạ tầng cơ sở và khả năng phục vụ du khách của mỗi làng để có quy hoạch hạ tầng và đào tạo nhân lực phù hợp”, ông Thắng phân tích.

Cũng theo ông Phùng Quang Thắng, để chinh phục được du khách, nhất là khách quốc tế, ở mỗi làng nghề phải có các dịch vụ đi kèm, như khu giới thiệu sản phẩm, nơi dừng chân, khu ẩm thực, bãi đỗ xe. Chưa kể đến việc phải đầu tư chất xám để thuyết phục được du khách, làm sao họ cảm nhận được các giá trị của mỗi làng nghề, di sản, di tích là điều chẳng hề dễ dàng.

Thực tế, hai làng nghề truyền thống: gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là những điển hình, khi mỗi ngày đón nhiều lượt khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm sản phẩm. Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, sở dĩ Bát Tràng và Vạn Phúc thu hút khách du lịch là vì có nhiều lợi thế về quy hoạch, sản phẩm đa dạng, thiết thực với đời sống thường nhật. Làng gốm Bát Tràng được xem như là một “bảo tàng sống” về nghệ thuật gốm, chứa đựng một giá trị văn hóa và niềm tự hào của người dân Hà thành nói riêng và Việt Nam nói chung. Làng lụa Vạn Phúc là cái nôi của nghề dệt lụa truyền thống, trở thành một sản phẩm của văn hóa, biểu tượng của cái đẹp, của Thủ đô Hà Nội.

Là người dân làng nghề khảm trai truyền thống, ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Chuyên (huyện Phú Xuyên) chia sẻ: “Nhờ nghề, đời sống của người dân được nâng lên, nông thôn đổi mới. Làng tôi có thể phát triển du lịch văn hóa giống như Bát Tràng, thế nhưng lại bị hạn chế về giao thông cũng như các điều kiện cơ sở vật chất khác. Tình trạng này chỉ có thể khắc phục được khi có sự hỗ trợ từ các cấp của thành phố”.

Để các tuyến du lịch “Con đường di sản nam Thăng Long - Hà Nội” phát triển bền vững, lan tỏa, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ từ các cơ quan chức năng của thành phố cũng như sự thay đổi nhận thức của chính người dân các làng nghề. Đối với di sản thiên nhiên, du khách dễ dàng cảm nhận vẻ đẹp từ cảnh quan thực tế, còn với du lịch văn hóa làng nghề, người dân phải học làm dịch vụ, giúp du khách cảm nhận được những giá trị của làng nghề, sản phẩm và muốn tìm hiểu, khám phá sâu hơn nữa