Sự minh bạch vẫn... ở thì tương lai

Cuộc trò chuyện lần đầu tiên tại Việt Nam của nhà đấu giá quốc tế A, phiên đấu giá quan trọng của nhà đấu giá nội địa uy tín B, sự công khai định danh bộ sưu tập mỹ thuật C, bảo tàng nghệ thuật tư nhân E... Hàng loạt thông tin kiểu như vậy được công bố chính thức trên báo chí và nhất là mạng xã hội trong thời gian gần đây, thoạt tiên, có thể làm nức lòng người đang tham gia thị trường mỹ thuật sơ khai ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Bức tranh sơn dầu Portrait de Mademoiselle Phuong (tạm dịch: Chân dung cô Phương) của họa sĩ Mai Trung Thứ có giá gõ búa 3,1 triệu USD trong một phiên đấu của nhà đấu giá Sotheby’s năm 2021, hiện là bức tranh Việt Nam có giá cao nhất. Nguồn: Sotheby’s
Bức tranh sơn dầu Portrait de Mademoiselle Phuong (tạm dịch: Chân dung cô Phương) của họa sĩ Mai Trung Thứ có giá gõ búa 3,1 triệu USD trong một phiên đấu của nhà đấu giá Sotheby’s năm 2021, hiện là bức tranh Việt Nam có giá cao nhất. Nguồn: Sotheby’s

Những dấu hiệu hồi phục

Năm 2016 đánh dấu sự xuất hiện công khai của các cuộc đấu giá tranh và tác phẩm mỹ thuật, đồ cổ có yếu tố mỹ thuật ở Việt Nam do các nhà đấu giá trong nước tổ chức. Đây được xem như điều đương nhiên, là diễn tiến thông thường của sự phát triển thương mại trong địa hạt mỹ thuật.

Mặc dù vậy, các phiên đấu giá mỹ thuật thương mại chỉ diễn ra được một thời gian nhất định rồi lặng lẽ mất bóng. Nguyên do có nhiều. Nơi bị người đấu giá thành công "tháo chạy", từ chối chính thức mua. Nơi khác rơi vào cảnh bị chính tác giả tranh loan tin trên truyền thông xã hội là tranh đã giao mà 5 tháng sau vẫn chưa nhận được tiền từ nhà đấu giá. Nơi lại vướng đủ những đồn thổi về giá ảo, tranh giả, mất đoàn kết nội bộ...

Sau những trầm lắng thương mại do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, từ hai năm qua, việc mua-bán tác phẩm mỹ thuật trong nước đang có dấu hiệu hồi phục. Biểu hiện cụ thể nhất là sự hiện diện chính thức của nhà đấu giá quốc tế Sotheby’s tại Việt Nam, tập trung vào dòng tranh thời kỳ mỹ thuật Đông Dương với hai phiên triển lãm phi thương mại, mở cửa tự do cho công chúng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hồn xưa bến lạ (năm 2022) và Mộng Viễn Đông (năm 2023). Cùng với đó, gần đây, một số tư nhân trong nước cũng đã công bố sự ra đời của bảo tàng mỹ thuật hoặc bộ sưu tập vốn trước kia chỉ âm thầm được biết đến trong giới mỹ thuật. Từ khi công khai, họ chính thức có các hoạt động liên tục, triển lãm, workshop, trò chuyện nghệ thuật, với nhiều "thủ thuật truyền thông" nhằm mục đích sớm khẳng định tên tuổi, vị trí trong đời sống mỹ thuật. Tháng 1/2024, chuyên viên về mỹ thuật châu Á của một nhà đấu giá tại Pháp còn xuất bản sách "nghiên cứu" về thời kỳ mỹ thuật Đông Dương của Việt Nam mà nhà đấu giá này tập trung khai thác thương mại, có bản dịch tiếng Việt và cất công sang Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu. Hoạt động này đã cho thấy tiềm năng kinh doanh mỹ thuật Việt Nam với đối tượng khách hàng được hướng đến chính là người Việt.

Hoạt động đấu giá mỹ thuật trong nước cũng không chịu lép vế khi xuất hiện nhà đấu giá được cho là "hợp danh" với một hãng đấu giá của Pháp (hãng Millon, thành lập năm 1928) từ năm 2023. Mới đây nhất, trong nửa đầu tháng 3 vừa qua, có một nhà đấu giá hoàn toàn nội địa còn thuê cả người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng làm điều hành phiên đấu giá (!).

Vẫn cam kết minh bạch... bằng niềm tin

Thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết, nếu không muốn nói tất cả các phiên đấu giá mỹ thuật trong nước tuy được diễn ra công khai nhưng vẫn dừng ở dạng hoạt động tự phát do chưa có đầy đủ điều kiện bảo đảm nếu chiểu theo các quy định trong luật liên quan nhất đến dạng hoạt động này là Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực từ tháng 7/2017.

Điều 6 về "Nguyên tắc đấu giá tài sản" trong Luật Đấu giá tài sản ghi rõ: "Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan" (mục 2) và "Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên" (mục 3). Nhưng để thực hiện theo quy định này, từng tác phẩm mỹ thuật được đưa vào đấu giá phải có một bộ hồ sơ xác thực nguồn gốc của tác phẩm. Điều này dường như là bất khả, đặc biệt với nhiều tác phẩm thuộc thời kỳ mỹ thuật đã xa cả trăm năm như Mỹ thuật Đông Dương - vốn là giai đoạn "ăn khách" hơn cả trên thị trường.

Một số bài viết đã đăng tải trên báo Nhân Dân cuối tuần thời gian qua đã phản ánh thực tế "hầu như không có khách hàng" của Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật, trực thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sau hơn 5 năm kể từ khi chính thức được thành lập. Bên cạnh đó là thực trạng có những bức tranh của tác giả nổi tiếng được treo thường xuyên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhưng một bảo tàng tư nhân khác cũng "công khai" trưng bày tác phẩm y hệt cả về tên tranh, tên tác giả, kích thước, chất liệu, năm sáng tác… Cũng vì tính chất tự phát, hoàn toàn là giao dịch giữa cá nhân với cá nhân, cho dù dưới hình thức "đấu giá" hay "sưu tập" có vẻ chuyên nghiệp, nên rất nhiều người đã "dính" phải tranh giả dù chi trả hàng tỷ đồng, và đành hoặc "ngậm bồ hòn làm ngọt" hoặc lại tìm cách âm thầm "đẩy hậu quả sang kẻ khác".

Những chuyển động nhanh chóng, sự tham gia của nhiều nhân lực mới trong lĩnh vực thương mại mỹ thuật, sự hiện diện của các nhân vật thuộc nhà đấu giá quốc tế lớn nhỏ ở Việt Nam thời gian gần đây tiếp tục được coi là chỉ dấu tích cực cho bước phát triển của thị trường sơ khai và đầy tiềm năng này. Những bức tranh của họa sĩ Việt Nam được chốt giá từ 500.000-700.000 USD đến hơn một triệu USD tại các phiên đấu giá quốc tế không còn là điều quá hiếm hoi. Nhưng để thị trường ấy thật sự thoát khỏi tình trạng sơ khai, tự phát, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp lý liên quan thị trường mỹ thuật. Đã đến lúc cần nhấn mạnh/chuyển hướng vào việc coi trọng sự xác tín, minh bạch và chức năng/vị trí xã hội của một tài sản-tác phẩm mỹ thuật bên cạnh các vai trò, chức năng vốn có về thẩm mỹ, tuyên truyền, giáo dục. Chỉ khi có các công cụ pháp lý trong việc định giá tài sản đối với tác phẩm mỹ thuật, thị trường, các phiên đấu giá sẽ tự điều tiết, dịch chuyển theo hướng minh bạch.