Ký ức gọi tên

“Những ngày này, chúng tôi nhớ Bác Hồ, nhớ bác Giáp, nhớ đồng đội...”, rất nhiều lần, trong những cuộc gặp với các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đang sinh sống ở các địa phương, trên diễn đàn hay ngoài hành lang Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” vừa diễn ra tại thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi được nghe lời chia sẻ rất chân thành này từ chứng nhân của chiến thắng vĩ đại ấy.
0:00 / 0:00
0:00
Trường đoạn Toàn dân ra trận của bức tranh panorama.
Trường đoạn Toàn dân ra trận của bức tranh panorama.

Thành phố Điện Biên Phủ những ngày này tất bật, đông đúc bởi sự có mặt của du khách muôn phương. Sức hút của mảnh đất chiến trường xưa, từng có một thời “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, vẫn là điều gây bất ngờ với những người làm văn hóa và lịch sử. Nhìn dòng người tìm đến các địa danh đã đi vào sử sách: Hầm Đờ Cát, Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng, Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ... có thể cảm nhận rõ ràng niềm xúc động, tình yêu và lòng tự hào dân tộc đang được khơi lên, trỗi dậy trong mỗi trái tim. Với các cựu chiến binh của Chiến dịch lịch sử ấy, cảm xúc còn mãnh liệt hơn gấp bội.

Có một nơi đã trở thành địa điểm gần như không thể bỏ qua khi đến Điện Biên Phủ, đó là Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ở đó, thu hút đông du khách ghé thăm nhất là bức tranh panorama tái hiện cuộc chiến 56 ngày đêm bi tráng nơi lòng chảo Điện Biên Phủ 70 năm về trước. Được bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m đường kính 42m, tổng diện tích bức tranh là 3.225 m2 , kết hợp phù điêu và sắp đặt hiện vật, bức tranh hiện được đánh giá là một trong những tác phẩm mỹ thuật lớn nhất về đề tài chiến tranh trên thế giới. 4.500 nhân vật đã được tái hiện từ các tư liệu lịch sử mang tới cho người xem nhiều xúc cảm đặc biệt. Tuy nhiên, nhiều cựu chiến binh và nhà nghiên cứu lịch sử khi đến xem bức tranh này đã bày tỏ sự ngạc nhiên và băn khoăn lớn, khi trên tác phẩm được xây dựng công phu ấy, lại thiếu vắng hình ảnh vị Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Võ Nguyên Giáp- người đã có quyết định lịch sử xoay chuyển cục diện chiến trường, người được toàn quân coi là “linh hồn” của chiến dịch. Những lý giải mang yếu tố kỹ thuật hội họa không thuyết phục được người xem, và điều đó, theo phân tích của nhiều chuyên gia, làm khuyết thiếu thông điệp mà tác phẩm muốn chuyển tải.

Trong tâm trí của những con người từng vào sinh ra tử ở chiến dịch bi hùng 70 năm về trước ấy, hình ảnh Bác Hồ, bác Giáp (hay có người vẫn gọi là anh Văn) chính là nguồn cổ vũ, thôi thúc họ vượt lên lửa, máu để đi được tới ngày chiến thắng. Ký ức ấy không bao giờ phai mờ, dẫu đã bao năm tháng.