Bước chuyển lớn về nhận thức

Để hàng hóa, sản phẩm Việt tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, bên cạnh bao bì đẹp, chất lượng, giá cả phải chăng, rất cần sự "bắt tay" giữa doanh nghiệp sản xuất với nhà bán lẻ, các vùng nguyên liệu tại các địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp đã chủ động đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Hải Nam
Các doanh nghiệp đã chủ động đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Hải Nam

CUỘC vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Việc giao Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai cuộc vận động dựa trên những nguyên lý vận hành của thị trường, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các tầng lớp nhân dân, đã tạo thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, xây dựng thương hiệu hàng Việt trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Cụ thể, quá trình triển khai Cuộc vận động tại các địa phương đã góp phần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp cung ứng cũng như của người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước.

Kết quả đáng ghi nhận là hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ hơn 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm khoảng 60-96%. Tại kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.

Doanh nghiệp phân phối và bán lẻ nội địa đã có ý thức tham gia Cuộc vận động ngay từ đầu với mong muốn tôn vinh, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam. Cũng nhờ đó, sức mua của người tiêu dùng với hàng Việt ngày càng tăng cao; có tới hơn 90% số người tiêu dùng tự xác định, khi mua hàng hóa, sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 75% số người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt.

Với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, việc tham gia Cuộc vận động thúc đẩy sự liên tục thay đổi, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, xây dựng vị trí vững chắc trong lòng khách hàng. Đây là một lựa chọn phát triển tương đối bền vững vì chính doanh nghiệp Việt Nam mới hiểu được nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam.

Với cơ quan quản lý, cần có sự phân chia chặt chẽ trong quy hoạch tổng thể các nguồn nguyên liệu quốc gia, tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương và doanh nghiệp, thậm chí cạnh tranh cả ở những mặt hàng, sản phẩm không phải thế mạnh vốn có của mình. Hoạt động này hỗ trợ đắc lực việc quy hoạch vùng nguồn, phát huy thế mạnh địa phương theo quy hoạch kinh tế chung, phát triển đặc sản vùng miền, nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ, nâng cao chuẩn mực hàng hóa, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

TRÊN thực tế, vận động chỉ là bước ban đầu, quá trình vận động cần tạo tác động lan tỏa, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm để cuộc vận động thật sự hiệu quả, thiết thực.

Một nét tích cực là qua quá trình vận động, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trong nước cũng được nâng cấp, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Người Việt Nam hiện đã có cảm nhận là việc dùng hàng Việt Nam không chỉ vì lòng yêu nước mà hàng Việt thật sự đáp ứng nhu cầu của họ. Như vậy, từ mong muốn ban đầu là vận động, phổ biến để người tiêu dùng trong nước biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, tới nay, Cuộc vận động đã tạo tác động lan tỏa, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước.