1. Từ sau khi có chính sách Đổi mới, đời sống kinh tế đất nước nói chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng phát triển, việc thiết kế và xây dựng các công trình dân dụng cũng như công trình công cộng mới được chú trọng. Kiến trúc và nghề kiến trúc sư được người dân và các cấp chính quyền quan tâm, biết đến. Hội Kiến trúc sư các tỉnh cũng bắt đầu được thành lập. Đến đầu năm 2023, tất cả 13 tỉnh, thành phố trong vùng đã có tổ chức Hội Kiến trúc sư, với 800 thành viên. Hầu hết các Hội đã khẳng định vai trò tư vấn, phản biện, góp ý kiến các chương trình, dự án của địa phương với tiếng nói trung thực, trách nhiệm, đúng nơi, đúng lúc vì sự phát triển của xã hội.
Đến nay, không chỉ có Phân hiệu của Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tại Cần Thơ, trong toàn vùng đã có thêm nhiều trường đại học ở Cần Thơ và một vài tỉnh khác như Tiền Giang, Vĩnh Long cũng tham gia đào tạo kiến trúc sư. Qua đó, có thể thấy Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội đã có sự nhận thức đúng hơn về kiến trúc cũng như nghề nghiệp, chức năng, vai trò xã hội của kiến trúc sư.
Kể từ năm 2000, chương trình xóa nhà tạm, xây dựng cụm tuyến dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long qua các đồ án quy hoạch chi tiết các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, thiết kế các công trình công cộng, nhà ở nông thôn vùng ngập sâu đã góp phần hình thành những điều kiện cơ bản cho cuộc sống ổn định, từng bước phát triển của người dân vùng đồng bằng vốn bao đời chịu cảnh "nhà đá, nhà đạp", lũ lụt hằng năm,…
Đặc biệt, nhu cầu xây dựng các công trình công cộng như bệnh viện, chợ, trường học, thư viện, nhà văn hóa, công viên văn hóa, vừa là cơ hội, nhưng cũng vừa thách thức vai trò của kiến trúc và kiến trúc sư về quy hoạch, thiết kế, phát triển đô thị và xây dựng, trong bối cảnh diễn ra những ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với đồng bằng sông Cửu Long.
2. Với giải pháp kiến trúc phù hợp điều kiện địa chất, nắng, gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm, quy luật lũ lụt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều công trình đã đáp ứng tốt yêu cầu của người dân, chủ sở hữu, sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo đảm yêu cầu nâng cấp, chuyển đổi trang thiết bị theo công nghệ mới trong điều kiện khoa học, công nghệ ngày càng phát triển.
Tiêu biểu, phải kể đến Bệnh viện đa khoa Long An, được khởi công từ năm 1995, khánh thành năm 2000. Công trình sử dụng giải pháp chiếu sáng, thông gió tự nhiên rất tốt; hệ thống điện vận hành liên tục không gián đoạn, máy phát điện dự phòng đủ công suất tiêu thụ, với thiết bị ATS phát điện tức thời khi điện lưới bị cúp; hệ thống nước uống nóng lạnh cho bệnh nhân sử dụng miễn phí; hệ thống khí y tế, chuông báo gọi đến đầu giường bệnh… Từ những kinh nghiệm quản lý lập dự án, thiết kế, xây dựng do Hội Kiến trúc sư tỉnh thực hiện, ngành y tế tỉnh đã tổ chức xây dựng thành công các công trình y tế tuyến huyện. Kiến trúc công trình Bệnh viện đa khoa Long An đã được nhận giải Ba Giải thưởng kiến trúc quốc gia (năm 2002), Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2000-2003), được công nhận là Bệnh viện bạn hữu của trẻ em (Baby Friendly Hospital) theo tiêu chuẩn toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF trao tặng, tháng 8/2000…
Theo thời gian, ngày càng có nhiều công viên mới, các công trình quy hoạch và xây dựng khu di tích lịch sử, văn hóa, các khu hành chính tập trung cấp tỉnh, huyện đều được tổ chức thi tuyển từ thiết kế tổng thể đến chi tiết, hoặc lựa chọn các tác giả đã có kinh nghiệm, uy tín thực hiện, giúp địa phương có nhiều công trình tương đối đặc sắc, được xã hội, cộng đồng dân cư tin tưởng, đánh giá cao. Nhiều quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, chương trình phát triển đô thị đã được thiết kế trong giai đoạn này.
3. Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thử thách khắc nghiệt của cả hoàn cảnh tự nhiên và xã hội. Trong bối cảnh ấy, trào lưu kiến trúc nào sẽ "lên ngôi": hiện đại, hậu hiện đại, high-tech, sinh thái, xanh, bền vững, thân thiện…? Có lẽ nào kiến trúc đặc trưng đồng bằng sông Cửu Long chỉ là những ngôi nhà trăm tuổi thời Pháp thuộc, hay nhà 1-2-3-5-7-9 gian truyền thống ở làng quê, phố thị "miệt vườn"?
Hy vọng, lãnh đạo các chính quyền địa phương sẽ tiếp tục thúc đẩy tích cực công việc sáng tác, thiết kế, xây dựng nông thôn mới, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị, quản lý kiến trúc, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, phát triển đô thị. Đó là tiền đề để ngành kiến trúc và đội ngũ kiến trúc sư vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể đóng góp tốt nhất, thể hiện rõ nhất vai trò xã hội của mình và tìm kiếm câu trả lời rành mạch cho những câu hỏi lớn về bản sắc và diện mạo tương lai của châu thổ Cửu Long.