Vậy mà nhờ rước Loan về làm vợ, Thổ tự dưng biết buồn. Buồn như chuồn chuồn đậu trên nhánh cỏ, đùng đưa đùng đưa. Rồi nỗi buồn đó càng ngày càng sáng tỏ hơn khi anh thấy vợ mình mặt mày ủ ê như bún thiu cuối ngày. Thổ ứ hự nhìn Loan, buông một câu thõng thượt:
Hay là, mình thôi…
Thôi à? Nói như mình… dễ quá! Rồi hai đứa nhỏ, trôi đi đâu?
Tui nuôi!
Thổ nói vậy rồi lặng lẽ xách cặp lồng đi khỏi ngõ. Chân anh nặng trĩu dù nguyên ngày nay không hề bước ra ruộng, chưa đạp phải một vũng sình nào. Tiếng Loan với theo phía sau:
Mình chưa ăn cơm mà đi đâu?
Thổ đi một mạch ra mé biền, khúc có mấy rặng lau sậy cao hút đầu người còn trải ngút ngàn theo triền sông Cái. Phía trên lau sậy, phía dưới mé sông là ô rô, chuối nước mọc um tùm. Mấy lùm chuối nước đó, giáp Tết là trổ bông vàng rực, xòe ra như những chùm pháo bông vui mắt. Thổ dễ vui. Hễ thấy một triền sông vàng rực bông chuối nước là anh vui, nghe khúc nào có tiếng bìm bịp tấu lên bời bời là vui. Nhưng có lẽ Loan chưa bao giờ dễ vui như Thổ. Chưa khi nào anh thấy Loan nhìn một bông hoa nào, dù là chuối nước vàng rực, hay lục bình tím xòe như đuôi công sặc sỡ, hoặc mấy bụi bông hồng nhung đỏ kiêu hãnh trong sân nhà, hay khi nghe tiếng bìm bịp kêu nước lớn nước ròng, tiếng con sáo sậu líu lo trên cành mít… mà vui.
Khúc sông này, bữa nào nước lớn quá, lục bình kéo nhau trôi dề dề tảng tảng trên sông, rồi mắc cạn trong mớ ô rô đầy gai. Nó thành ra một bãi hỗn độn những rễ, lá, bông, cành, chĩa vô nhau mà gặp nước là bươn bả bứt rời nhau không dứt. Thổ nhìn mớ ô rô đâm xước mấy dề lục bình, không dưng cay mắt. Thì đời mình, đời Loan có khác gì tụi nó đâu. Đời đẩy xô hai vợ chồng vướng mắc nhau lâu lắc lơ. Anh thương Loan không hết, có đâu mà đâm chỉa cho vợ mình tả tơi như cổ nói. Nhưng có lẽ một con người lớn lên cùng với cái xù xì gai góc, dù có gọt đẽo cỡ nào, sự thô mộc thật thà vẫn hiển hiện trong từng lời ăn tiếng nói của Thổ. Như chiều nay, ngó bộ Loan lơ đễnh mơ màng thả hồn theo lời ca ngọt như mía lùi của anh kép chánh trong cái tuồng cải lương sướt mướt, để cá kho cháy sém. Thổ giận ra mặt.
Cá kho mà cứng như khúc củi vậy sao ăn!
Vậy thôi đó! Mà Loan thẫn người ngồi miết trong gian bếp, ngó ra giàn mướp đang trổ bông vàng rực. Cái mầu vàng chói chang kia cũng không ngăn nổi nỗi buồn tuôn ra khỏi miệng Loan.
- Xứ gì buồn quá!
Thổ nín lặng xách cặp lồng đi bẫy bìm bịp. Thổ ít học nhưng bụng dạ anh biết rõ Loan đang ám chỉ điều gì. Giờ mà anh có giang tay bắt hết bìm bịp xứ này nhốt lại, không cho nó kêu thì Loan vẫn buồn. Xứ này không buồn. Chỉ có lòng người nay vui mai buồn bữa kia hờn mát, thì can cớ gì phải mượn xứ để bóng gió xa xôi!
★★★
Thật ra thì Thổ nổi quạu với vợ không phải vì cái ơ cá kho. Đây đã là lần thứ chín vợ anh làm sẩy mất con chim mồi. Nếu một, hai lần thì không sao. Qua khỏi lần thứ ba thì không thể đổ thừa sự chểnh mảng. Thổ biết chính cô đã tháo lồng thả con bìm bịp bay đi. Cô không ưa tiếng kêu của bìm bịp. Một tiếng kêu như ai oán, phẫn uất rã rời. Mùa bìm bịp hứng tình mà tiếng kêu vẫn ai hoài ngang trái, không một chút hân hoan. Loan nói:
Mình biết tại sao mắt con bìm bịp lúc nào cũng đỏ rực như có lửa không?
Thổ phì phà điếu thuốc, cười khà:
Trời sinh nó vậy, chứ biết sao!
Lần nọ, Thổ hào hứng xách một xô bìm bịp non mà anh đã kỳ công núp lùm núp bụi, căng mắt canh đám bìm bịp cha hăng máu đang đánh nhau giành lãnh thổ thì rón rén trộm nguyên ổ chim non. Mấy con bìm bịp non này, anh đã bẻ gãy chân chúng trước đó mấy ngày. Chúng được cha mẹ bón cho thứ lá cây bìm bịp, xương nhanh chóng lành lặn. Thứ lá cây thần kỳ đó, lạ lùng thay chỉ có loài bìm bịp biết chỗ để tìm. Những con chim non này sau khi lành lặn được đem đi ngâm rượu thành một thứ rượu thuốc, trị đau nhức xương khớp rất hiệu quả. Ai gãy xương kiên trì uống rượu bìm bịp cũng mau lành. Những ông già xứ này hầu như ai cũng thủ sẵn một bình rượu bìm bịp ngâm ngũ xà. Hồi Thổ còn tuổi ăn tuổi chơi, một bữa vô tình tung chưởng làm sập kệ gỗ cũ kỹ trong nhà. Bình rượu ngũ xà của ông già tía bể tan tành. Có vậy thôi mà Thổ hứng một trận đòn nhừ tử.
Má vừa dọn đống bừa bộn, vừa van lơn ông tha cho Thổ. Thổ không giận mấy lằn roi mây in lên da thịt đau điếng, mà hờn tím ruột gan khi ông già tía khề khà khoe với mấy ông bạn nhậu trong xóm. Với ông, tài sản quý nhất là cái bình rượu bìm bịp ngũ xà. Ủa, chớ hồi nào tía má còn tự hào khoe Thổ là tài sản, là kim cương hột xoàn, là cành vàng lá ngọc gì đó sao! Má kéo Thổ ra sau hè, cắt nghĩa cho anh rõ.
Đó không chỉ là bình rượu thuốc, mà là cái "cần câu cơm", là cái nghề để ba má nuôi con lớn tới chừng này đó Thổ!
Sau lần anh lỡ làm bể bình rượu đó, ông già tía bắt anh đi theo ông bẫy bìm bịp về ngâm rượu bán để anh "biết tía nuôi mày cực khổ ra sao". Trưa nắng, hai cha con núp trong lùm sậy, nín thinh theo dõi con chim mồi giương cặp mắt đỏ rực kêu những tiếng kêu khiêu khích đồng loại đang ẩn nấp. Khi nắp lồng sụp xuống, tiếng bìm bịp mắc bẫy gào lên chói lói một khúc sông. Ông già tía có tay "sát" bìm bịp, đi một buổi là đầy ắp hai, ba lồng tre. Ngón nghề bẻ chân bìm bịp non để dụ bìm bịp mẹ đi tìm lá thuốc cũng là ông truyền lại cho Thổ. Mới đầu, anh run tay, không biết khớp nằm chỗ nào mà ấn cho gãy. Sau, anh dạn dĩ hẳn. Có lúc ông già tía chỉ ngồi im hút thuốc, mọi việc một mình anh lo chu đáo. Nhưng cũng có lần Thổ bị rắn cắn trong lúc ngồi rình bìm bịp. Ông già tía lật đật băng đồng đưa anh đi cấp cứu. Bác sĩ nhíu mày, trễ chừng vài phút thôi, nọc chạy khắp cơ thể là Thổ có thể "trào đờm", đứt bóng!
Lớn lên, Thổ không theo nghề bẫy bìm bịp của ông nữa. Anh theo thanh niên trai tráng trong xóm nhảy xe lên thành phố, theo nghề thợ hồ rày đây mai đó. Làm cái nghề nặng nhọc vậy mà có thể kiếm được tiền để cất nhà cho ba má, còn dư một mớ để cưới vợ, còn hơn cái nghề của ông, bao nhiêu năm rồi mà không giàu lên được. Nếu giàu, anh đã không phải chịu cảnh ít học, cực khổ kiếm sống như ông từ lâu rồi. Nghề này nó bạc, bạc lắm! Thổ từng thở dài nói vậy khi ông già tía ngỏ ý muốn anh giữ nghề. Cưới vợ, có với nhau hai mặt con, vợ chồng anh phải gửi con ở nhà ông bà, tiếp tục lên thành phố mưu sinh. Cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng. Năm đại dịch ập tới, mọi công trình đều ngừng lại, xưởng giày chỗ Loan làm công nhân cũng phá sản. Hai vợ chồng đùm túm nhau về quê với hai bàn tay trắng. Còn sống, bình an trở về đã là may rồi. Loan động viên chồng.
Sau dịch, hai vợ chồng cũng không thể quay trở lại thành phố vì không tìm được việc. Thổ loay hoay đi làm lúa thuê cho người trong xóm, xoay vần trong vòng một, hai tháng là hết việc. Loan cắp rổ ra chợ, bán mớ rau trái trồng được trong nhà, đắp đổi qua ngày.
Mấy ngày rỗi rãi sau vụ lúa, tiếng bìm bịp kêu vọng về, Thổ mới sực nhớ ra còn cái nghề có thể giúp anh nuôi sống cả gia đình. Loan cản, đừng anh, nghề đó… ác! Phàm bất cứ con gì đã mở mắt nhìn đời thì đều mong cầu được sống một đời trọn vẹn. Huống chi nó chỉ là một con bìm bịp, tội tình gì! Nhưng Thổ vẫn xách lồng đi.
- Mình nói hay quá! Rồi cả nhà mình không mong cầu được sống à? Tui không làm, rồi cho mình với hai con chết đói sao?
Tiếng Loan nấc lên ứ hự sau lưng Thổ. Vài ba bữa hai vợ chồng lại gây nhau. Thổ bực. Mà Thổ bực rồi thì ngồi rình bìm bịp, nghe tiếng nó kêu dưng mà khó chịu vô cùng. Khó chịu như khi nghe vợ mình càm ràm "xứ gì buồn quá!".
★★★
Thổ tưởng mình hù chuyện thôi nhau là Loan sẽ sợ. Nhưng không, khi anh xách mấy lồng bìm bịp non đầy ắp trở về, Loan đã đi mất dạng. Cô không nói mình đi đâu, chỉ nhắn lại vỏn vẹn ba chữ "Đừng tìm em".
Loan đi chừng mấy bữa thì ba Thổ nhập viện. Chứng ung thư xương của ông già đã ở giai đoạn cuối. Những trận đau khiến ông gần như phát điên. Nhiều đêm, tiếng ông rên rỉ lạ lùng khiến Thổ sởn gai ốc. Thổ nghe trong tiếng rên thống thiết của ông già pha lẫn tiếng bìm bịp kêu khan khi mất con.
Thổ buồn quá. Nỗi buồn dâng lên nghẹn họng. Anh cần phải tống khứ nỗi buồn này bằng hơi men. Có rượu, vô thức, anh chép miệng đắng cay.
- Xứ gì buồn!
Chỉ tội thằng con trai phải tìm hết quán này tới quán khác, è ạch xốc Thổ lên xe, đèo về nhà. Rồi bữa nọ, trên đường đi tìm ba, ánh đèn pha của một chiếc xe máy vô tình rọi thẳng mặt làm nó té rầm giữa lộ, lọi tay, mẻ đầu.
Tỉnh rượu, Thổ khóc không thành tiếng. Bằng cách nào đó, Loan đã hiện ra bằng xương bằng thịt trước mắt Thổ.
- Em có thể bỏ mọi thứ. Nhưng không bỏ con được!
Thổ xấu hổ không dám nhìn mặt vợ khi cô hỏi:
- Mình đã biết tại sao mắt con bìm bịp lúc nào cũng đỏ rực chưa?
Thổ chỉ biết lẳng lặng xách lồng bìm bịp non quay trở ra lùm lau sậy. Giờ, anh biết tại sao lúc nào vợ cũng kêu "xứ gì buồn!". Chừng nào bìm bịp còn cất tiếng kêu khan cổ tìm con, xứ này còn buồn, buồn mải miết!