Bắt đầu là tình yêu!

Ghi dấu ấn cá nhân với nhiều dự án nhận được sự quan tâm của cả trong nước và quốc tế, ba cô gái trẻ, ba "thủ lĩnh xanh" đến từ ba miền Tổ quốc, cùng chia sẻ những trăn trở, tâm huyết với Nhân Dân cuối tuần.
0:00 / 0:00
0:00

- Cả ba đều có "sơ yếu lý lịch" hết sức ấn tượng, với những "dự án xanh" đã thu hút thành công cả sự quan tâm lẫn các nguồn tài trợ trong và ngoài nước. Đâu là động lực cho hướng đi này?

- Bùi Mẫn Nghi (sinh viên ngành Kiến trúc, Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh): Khi bắt đầu theo học kiến trúc, tôi được biết khối ngành xây dựng phát thải gần 40% lượng khí thải carbon trên toàn cầu. Trong khi đó, lĩnh vực kiến trúc năng lượng lại chỉ mới được nhắc đến vài năm gần đây. Do đó, tôi mong muốn có thể tìm thêm những mối liên kết giữa ngành kiến trúc với môi trường, góp phần hướng đến xây dựng nền "kiến trúc xanh" bền vững. Tôi cũng đang phấn đấu trở thành giảng viên, vì với tôi, giáo dục là yếu tố tiên phong và bền vững nhất để giải quyết mọi vấn đề.

Bắt đầu là tình yêu! ảnh 1

Bùi Mẫn Nghi vinh dự tham gia Hội nghị cấp cao dành cho thanh niên về Chuyển dịch năng lượng tại Abu Dhabi tháng 11/2023. Giải nhất phần thi Tranh biện trong Chương trình Green Youth Labs 2023, Top 30 phần thi "Sáng kiến thanh niên về chuyển dịch năng lượng" cũng trong Chương trình này do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân và Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu CHLB Đức hỗ trợ.

- Phạm Thu Trang (sinh viên Khoa Môi trường, ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường): Ngôi trường đang theo học là mục tiêu duy nhất của tôi, từ thời học sinh. Do đó, ngay từ những ngày đầu "đời sinh viên", tôi đã luôn duy trì lối sống xanh, và tham gia tất cả mọi hoạt động bảo vệ môi trường với vai trò là tình nguyện viên hay cộng tác viên, nếu phù hợp với mục tiêu và thời gian cá nhân. Mục tiêu "dài hơi" nhất, đáp ứng tình yêu môi trường của tôi, là ứng tuyển vào một vị trí công việc "xanh".

- Trần Phụng Nghi (người sáng lập Dự án môi trường phi lợi nhuận Recycle Đà Lạt): Tôi sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, nên tôi yêu nơi này vô cùng. Trước đây, biến đổi khí hậu là một khái niệm khá xa vời đối với tôi. Nhưng gần đây, những hiện tượng thiên tai mà Đà Lạt ít khi phải gánh chịu (như những cơn lũ lớn chưa từng có) xuất hiện đột ngột và ngày càng nhiều. Do đó, tôi bắt đầu tìm hiểu và phải thừa nhận: Đà Lạt dành ít sự quan tâm đến biến đổi khí hậu.

Sau quá trình tìm hiểu và tích lũy kiến thức, tôi quyết định triển khai Recycle Đà Lạt theo hướng giải quyết vấn đề rác thải nhựa, nhắm đến đối tượng chủ yếu là học sinh và thanh niên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các buổi workshop (cả trực tuyến và trực tiếp) về các chủ đề sống xanh, phân loại và tái chế rác thải nhựa. Đặc biệt, với hình thức online, chúng tôi có thể tiếp cận, kết nối với nhiều bạn trẻ trong khu vực Đông Nam Á, để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng.

- Với những gì đã và đang thực hiện, các bạn có cho rằng bản thân đã tiệm cận với danh xưng "công dân toàn cầu"?

- Bùi Mẫn Nghi: Đối với tôi, chân dung của một công dân toàn cầu cần được khắc họa bởi nhiều yếu tố: có tinh thần dấn thân, không ngừng học hỏi và khám phá. Không những thế, phải luôn trau dồi kiến thức, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ đó, mới có thể giải quyết các vấn đề, tạo nên giá trị hữu ích.

Đồng thời, chúng ta phải chấp nhận được những sự thay đổi, những điều mới mẻ và có khả năng thích ứng tốt, nhằm học hỏi để hoàn thiện kỹ năng (cả kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm), bổ sung kiến thức, trở nên tự tin, cởi mở và năng động hơn. Nhất quán trong định hướng và xác định được mục tiêu cho bản thân cũng là điều hết sức quan trọng. Và với những hình dung đó, tôi nhận thấy bản thân vẫn đang trên con đường tự hoàn thiện, để trở thành một công dân toàn cầu.

Bắt đầu là tình yêu! ảnh 2

Phạm Thu Trang - "Thủ lĩnh xanh" (Green Leader) tại dự án Keep Vietnam Clean - Tổ chức Phi lợi nhuận hoạt động với mục tiêu xử lý, dọn dẹp các bãi tập kết rác tự phát vào mỗi cuối tuần tại Hà Nội. Chủ nhiệm thường trực, Trưởng ban khảo sát tại Câu lạc bộ Bảo vệ động vật hoang dã, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường.

- Phạm Thu Trang: Theo quan điểm cá nhân tôi, một công dân toàn cầu cần đáp ứng hai tiêu chí: Kỹ năng và sức khỏe.

Kỹ năng tiên quyết là kỹ năng nhận diện bản thân, xác định được nguyện vọng cũng như thế mạnh và hạn chế. Bởi vì, chỉ khi hiểu rõ được bản thân mới có thể học hỏi các kỹ năng cơ bản khác: quản lý bản thân, giao tiếp, làm việc độc lập-làm việc nhóm, quản lý thời gian, thuyết trình-đàm phán-phản biện, tổ chức-giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, lắng nghe, lãnh đạo… Và đương nhiên, "thái độ hơn trình độ", cầu tiến, khiêm tốn, tích cực là chìa khóa cho mọi thành công. Điều quan trọng nữa mà chúng ta vẫn hay bỏ qua, đó là yếu tố sức khỏe (cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần). Một cơ thể dẻo dai khỏe mạnh, một tinh thần sảng khoái, là cánh cửa dẫn đến mọi mục tiêu.

- Trần Phụng Nghi: Tôi hoàn toàn đồng ý với điều mà Trang vừa nói, sức khỏe là một yếu tố rất quan trọng. Có thể nhận thấy, Gen Z hiện nay rất năng động, có thể thường xuyên làm nhiều việc cùng một lúc.

Bản thân tôi chưa dám tự nhận là một công dân toàn cầu. Nhưng tôi tin chắc thế hệ trẻ hơn đang đến rất gần khái niệm ấy. Tôi cũng muốn bổ sung một yếu tố quen thuộc: ngoại ngữ. Đây là một kỹ năng rất quan trọng. Bởi suy ra từ chính câu chuyện của mình, nếu tôi không có thế mạnh là tiếng Anh thì chắc chắn không thể tiếp cận bạn bè quốc tế, đến các hội thảo, tọa đàm trên thế giới, và càng khó khăn trong việc bổ sung kho kiến thức về môi trường hạn hẹp của mình.

- Vậy, quan điểm của các bạn về trách nhiệm của một công dân toàn cầu là như thế nào?

- Bùi Mẫn Nghi: Theo tôi, công dân toàn cầu trước hết phải hoàn thành được trách nhiệm trở thành một cầu nối của cộng đồng, để khiến mọi người đoàn kết thực hiện. Bởi, mỗi vấn đề toàn cầu đều cần cả thế giới chung tay giải quyết.

Riêng mình, tôi lựa chọn quay về yếu tố cốt lõi: Rèn luyện bản thân trên cả ba phương diện Đức-Trí-Tài. Bên cạnh đó, cũng thiết lập cho bản thân một bộ lọc để chắt chiu kiến thức, mà vẫn có thể gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Tôi nghĩ, chỉ khi bản thân tôi tốt hơn, gia đình mới tốt hơn, đất nước mới phát triển.

- Phạm Thu Trang: Những vấn đề toàn cầu đang chờ đợi những công dân toàn cầu, đặc biệt là những công dân trẻ, vốn được thụ hưởng nhiều quyền lợi nhất (từ tri thức, giáo dục đến cơ sở vật chất)… đóng góp công sức, cống hiến, giải quyết.

Trong khi đó, nền tảng của một công dân toàn cầu, theo tôi, là ý thức về bản thân, dân tộc và đất nước mình. Từ điều cơ bản này, chúng ta mới có thể hướng đến mức hành động cao hơn.

Bắt đầu là tình yêu! ảnh 3

Trần Phụng Nghi sáng lập dự án phi lợi nhuận Recycle Ðà Lạt- dự án đã chiến thắng ở nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế. Mới đây, sáng kiến giảm ô nhiễm môi trường của Nghi đã nhận được 15.000 USD từ chương trình Young Southeast Asian Leaders Initiative (Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á).

- Trần Phụng Nghi: Cuối năm 2022 vừa qua, tôi tham dự một khóa trao đổi tại Hawaii (Mỹ), và học được từ người dân nơi đây: Bảo vệ môi trường có thể thực hiện từ những điều nhỏ nhất. Họ khuyến cáo khách du lịch hãy sử dụng kem chống nắng thân thiện với môi trường, đặc biệt là với san hô. Tôi chợt nhận ra, mỗi người trong số họ đều là một nhà hoạt động môi trường, và họ làm điều đó đều xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất: Tình yêu với nơi mình đang sống. Nhờ hành động nhỏ ấy, họ không chỉ bảo vệ quê hương, mà còn vỗ về Mẹ Trái đất. Rồi một lần khác, trong một buổi workshop online, tôi được nghe chia sẻ từ một bạn trẻ Myanmar. Dù đất nước đang có nhiều biến động, bạn ấy ngày ngày vẫn thực hiện các hoạt động vì môi trường, bảo vệ thiên nhiên.

Chính từ những câu chuyện đó, tôi cảm nhận: Thật ra, trách nhiệm toàn cầu, hay công dân toàn cầu cũng đều phải xuất phát từ tình yêu của bạn với nơi bạn đang sống, với chính bạn!

- Xin cảm ơn những chia sẻ cởi mở của các bạn!