Xao xác một vườn thơ

Tôi gọi tập thơ vừa ra mắt của Phạm Duy Nghĩa (“Cho vĩnh cửu mùa thu” - NXB Văn học, 2021) là một vườn thơ. Một khu vườn nhỏ xinh và xao xác gió. Tập thơ mang đến một giai điệu nhẹ nhàng giản dị, khơi gợi miền ký ức trong trẻo, với nỗi nhớ và tình yêu cuộc sống ngập tràn trong kỷ niệm những ngày xanh. 

Xao xác một vườn thơ

Trong một bài viết về thơ Việt đương đại, với tư cách một nhà nghiên cứu, Phạm Duy Nghĩa cho rằng “đi quá xa vào việc làm mới, làm lạ về mặt hình thức mà bỏ qua tính ổn định, bền vững của thể loại cũng đồng nghĩa với việc bỏ quên người đọc”. Quan điểm này cũng chi phối anh trong sáng tác thơ, khi anh không hướng đến sự cách tân đổi mới thể loại mà dừng lại nhiều hơn ở việc khơi gợi cảm xúc. Anh quan niệm, thơ Việt phải tận dụng tính đơn âm và đa thanh của tiếng Việt; thơ phải gần gũi với âm nhạc và có hồn. 

Có thể nói thơ Phạm Duy Nghĩa giàu nhạc tính. Anh ưa dùng điệp ngữ, vần lưng và vần ở ngay trong một dòng thơ. Nhờ thế, thơ anh xao xác và có độ ngân như khi gõ lên một chiếc bình pha lê vậy. “Kỷ niệm lại về, ào ạt, đu đưa/Nhàn nhạt cành thưa chiều xưa đồi vắng” (Kỷ niệm) là câu hiệp vần ở dạng này. Việc sử dụng nhiều từ láy và từ đồng âm cũng mang lại những bất ngờ thú vị: “Hạt nắng li ti hạt buồn chiu chắt/Hắt vàng lên hiu hắt bức tranh đông” (Nỗi buồn hoa cải). 

Thơ anh giàu thi ảnh. Đây đó có những hình ảnh trong vắt, đẹp lung linh. “Những thu vàng chín rực ngàn cây” (Tiếng biển), “những hoàng hôn xanh lam” (Lá thư từ Ukraine) “khi trăng nhú mầm trên tuyết trắng đồng hoang” (Tâm hồn) hay “trăng ngất lịm miên man màu đỏ” (Cánh buồm đỏ thắm)… cho thấy người thơ rất chuộng sắc màu. Thơ anh thường xuất hiện cảnh đồi, cảnh vườn, cảnh rừng chiều; và mặc dù đặc biệt ưa thích hai mầu đỏ thắm và xanh lam (như thú nhận của chính anh trong một tản văn), trong thơ anh mầu vàng có thể coi là màu chủ đạo. Và cũng như truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa ở thời kỳ đầu sáng tác, thơ anh phảng phất âm hưởng trữ tình Nga, mang “dấu ấn của một thế hệ lớn lên trong từ trường của văn hóa, văn học Xô-viết”.  

“Cho vĩnh cửu mùa thu” không có những cách tân về mặt hình thức, không có những khám phá mới lạ về cuộc sống đương đại. Tập thơ được viết theo lối truyền thống, hướng tới sự giản dị, có hồn. Bài “Nỗi buồn hoa cải”, ra đời hai chục năm trước, được nhiều cô cậu học trò thuở ấy chép vào sổ tay, có thể coi là tiêu biểu cho thứ thơ giàu cảm xúc này. Tuy nhiên, không chỉ chạy theo xúc cảm trong sự mê hoặc của sắc màu hay tiếng gọi của nhạc tính, qua những bài như “Tâm hồn”, “Cảm hứng”, “Ngọn nến”, “Thời gian”, “Tiếng biển”… có thể thấy thơ Phạm Duy Nghĩa còn lắng đọng trong những suy tưởng có chiều sâu. 

Giữa vườn thơ náo nhiệt hôm nay, việc lắng nghe một thanh âm không mới nhưng trong trẻo, với nhiều người hẳn là một lựa chọn. Điều đó cũng giống như đôi khi ta muốn chạy trốn khỏi thị thành bức bối, để tìm đến một miền quê thuần khiết trong lành.