Bảo vệ "bức tường xanh" ven biển

Rừng ven biển có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tuyến đê, hạn chế xói lở, bảo vệ xóm ấp và tạo sinh kế cho người dân… Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân những năm gần đây diện tích rừng ngày càng giảm mạnh, vì vậy, việc phục hồi rừng ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long được coi là một việc khẩn cấp.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng rừng bên trong bờ kè đê Biển Tây. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng
Trồng rừng bên trong bờ kè đê Biển Tây. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng

Sinh kế dưới tán rừng

Sóc Trăng có bờ biển dài 72 km với gần 10.300 ha rừng, trong đó diện tích rừng phòng hộ ven biển khoảng 6.815 ha, tập trung chủ yếu tại các địa phương: Cù Lao Dung, Long Phú, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Tác động của các đợt sóng biển, giông bão khiến đai rừng phòng hộ tại Sóc Trăng ngày càng mỏng dần, đe dọa đến hệ thống đê biển và sản xuất nông nghiệp vùng ven biển.

Huyện Cù Lao Dung có khoảng 1.700 ha diện tích rừng ngập mặn ven biển, với nhiều loại thủy, hải sản đã tạo điều kiện cho người dân tại các xã An Thạnh 3, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông, Đại Ân 1… mưu sinh. Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác, nguồn lợi này đang dần cạn kiệt, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Nhằm bảo vệ rừng hiệu quả, tránh các trường hợp chặt phá cây rừng và ngăn chặn việc săn bắt các loài thủy, hải sản sinh sống dưới tán rừng, thời gian qua huyện Cù Lao Dung đã thành lập nhiều tổ trồng, bảo vệ rừng và các nhóm nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.

Ông Đinh Văn Mới, Tổ trưởng Hợp tác nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ở xã Am Thạnh 3, là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi thủy sản kết hợp dưới tán rừng ngập mặn, với sự hỗ trợ từ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL). Hộ ông Mới đã thả nuôi hơn 840 kg con giống vọp và hơn 161 kg con giống ốc len trên diện tích 2.000 m2 dưới tán rừng ngập mặn. Sau khoảng bốn tháng, ông bắt đầu thu hoạch những lứa ốc đầu tiên. Giá vọp từ 35.000-40.000 đồng/kg, ốc len dao động 80.000-100.000 đồng/kg đã mang đến thu nhập cao hơn so với trồng cây mía cho thu nhập bấp bênh trước đây. "Từ ngày thành lập tổ hợp tác, tham gia mô hình, người dân sinh sống ổn định và giữ được rừng. Bà con nuôi ốc, vọp tương đối nhàn, đỡ chi phí thức ăn vì tận dụng được nguồn trong tự nhiên, mỗi tháng thu nhập thêm vài triệu đồng trở lên tùy quy mô nuôi", ông Mới nói.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, mô hình hộ dân nuôi trồng thủy sản đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở bãi bồi trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.

Tăng dày rừng ngập mặn

Nhiều thống kê và nghiên cứu cho thấy, diện tích rừng ngập mặn tại châu thổ Cửu Long mất đi trong 20 năm qua chủ yếu là do xói mòn bờ biển và hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng một phần là do tấm lá chắn bảo vệ đồng bằng - rừng ngập mặn ngày càng suy giảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này, từ tác động tiêu cực của các yếu tố tự nhiên như sóng, gió, bão... đến tác động của con người với các hoạt động xây dựng, khai thác, nuôi trồng thủy sản... Trong đó, nguyên nhân chính là yếu tố con người.

Dẫn việc nuôi trồng thủy sản của người dân ven biển làm thí dụ, Giáo sư Huỳnh cho biết, việc khai thác, nuôi trồng thủy sản là cần thiết để duy trì cuộc sống của người dân, nhưng chặt phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, nuôi cá là điều không thể được.

"Phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, cá chỉ là chạy theo lợi ích trước mắt trong khi để có được diện tích rừng ngập mặn vài ba chục tuổi, phát huy tác dụng của nó không phải là chuyện đơn giản. Hoạt động nuôi trồng thủy sản ở ven biển cần phải có quy hoạch cụ thể, chỗ nào nuôi được, chỗ nào không nên nuôi. Ai cũng biết rừng ngập mặn có tác dụng điều hòa, ngăn nước mặn xâm nhập vào sâu bên trong đất liền. Vậy nên, khi rừng bị phá càng nhiều thì nước mặn không còn gì cản trở nữa, dễ dàng vào sâu bên trong, ảnh hưởng đến cây lúa, nguồn nước... của người dân", Giáo sư Huỳnh nói và nhấn mạnh về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên chính là mối quan hệ cộng sinh.

Chính vì vậy, để tránh mất rừng, trong những năm gần đây, nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi sang các mô hình sinh kế trong rừng ngập mặn sao cho vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa thích ứng với hiện tượng xâm nhập mặn trong vùng. Tương tự như các mô hình tại tỉnh Sóc Trăng, ở tỉnh Trà Vinh - nơi có tổng diện tích rừng hơn 9.000 ha, hiện có hơn 4.000 ha rừng được người dân tự trồng và bảo vệ để kết hợp nuôi tôm sinh thái (quảng canh). Đây là loại hình sinh kế đem lại hiệu quả bền vững, bảo vệ được môi trường trước tình hình biến đổi khí hậu đang được các địa phương và người dân vùng ven biển tích cực nhân rộng.

Theo các chuyên gia, để phát triển rừng ngập mặn tại châu thổ Cửu Long cần thiết hình thành cách tiếp cận thuận thiên. Một vành đai rừng ngập mặn-được trồng mới hoàn toàn hoặc một phần - sẽ góp phần giảm những thách thức xói lở bờ biển. Cùng đó, cần phải có một cách tiếp cận tổng thể để tạo ra các điều kiện thích hợp và dài hạn cho cơ sở hạ tầng mầu xanh-xám bảo vệ vùng ven biển. Trong đó, các vấn đề về trầm tích, khai thác cát, sụt lún đất, tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản cũng như quản lý rừng ngập mặn đều cần phải có cách tiếp cận lâu dài, thống nhất và kiên trì. Điều này phù hợp với định hướng phát triển bền vững tại Nghị quyết 120 (ban hành năm 2017) và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng như trong các quy hoạch tổng thể của các địa phương.