- Xin ông cho biết ý kiến về diễn biến mới đây có ấn phẩm báo in vừa tự đình bản tạm thời?
- Việc báo Thanh Niên tạm ngừng xuất bản báo in từ ngày 23/8 đến 15/9 là một tin không vui đối với giới báo chí và bạn đọc cả nước. Tôi rất chia sẻ việc đặng chẳng đừng này của báo.
Thời điểm này, báo chí cả nước đã, đang và sẽ tiếp tục phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do dịch bệnh, cũng như phải đối mặt nhiều khó khăn không dễ vượt qua, đòi hỏi tất cả phải bền lòng cố gắng ở mức cao nhất. Mong rằng, chúng ta không chỉ tiếp tục cầm cự, mà phải nỗ lực tiến về phía trước, tiếp tục hiện diện như một vũ khí chiến đấu sắc bén, hiệu quả hằng ngày trên mặt trận văn hóa - thông tin, dù phải giảm bớt lượng phát hành, giảm kỳ. Vấn đề cần kíp là phải tìm ra lời giải cho bài toán tự chủ tài chính, cân đối thu chi, bảo đảm an toàn đội ngũ… và tiếp tục kề vai sát cánh với các lực lượng chống dịch để kịp thời chuyển tải thông tin đến xã hội.
Với tinh thần tiên phong và trách nhiệm xã hội, chúng ta không chấp nhận bất cứ lý do gì làm suy giảm tinh thần chiến đấu của người làm báo cách mạng. Hơn lúc nào hết, chúng ta không ai được phép đứng ngoài cuộc, chần chừ hay thoái thác nhiệm vụ.
- Dịch dã và giãn cách đã cho thấy tính hai mặt của việc các nhà báo gia tăng các hoạt động trên mạng xã hội, thưa ông?
- Mạng xã hội với độ phủ lớn trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát cùng với nạn tin giả, tin xấu độc liên quan cũng là một thứ dịch bệnh trên mạng mà báo chí phải đương đầu. Đáng tiếc, đã có một số nhà báo lâu năm trong nghề, lăn xả chống dịch và làm thiện nguyện, tuy nhiên khi tham gia sử dụng mạng xã hội do một thời điểm nóng vội đã có những sơ suất trong thẩm định, lan truyền thông tin và phải nghiêm túc chịu phạt.
Thực tế, báo chí chúng ta đang phải chống dịch trên nhiều vị trí, có người ở tòa soạn, có người trực tiếp trong tâm dịch. Đó là những người đang thay mặt cho cả một tập thể, một cơ quan báo chí ra trận và họ không đơn độc. Tòa soạn, cơ quan phải luôn ở phía sau họ, tạo những điều kiện tốt nhất cho người đang xung trận, quan tâm chỉ đạo, giữ mối liên hệ chặt chẽ, động viên, khích lệ, nhắc nhở, lưu ý từng hội viên, nhà báo và luôn đề cao ý thức và tinh thần của người làm báo cách mạng, kể cả khi tham gia mạng xã hội, đấu tranh với những “dịch bệnh” trên đó. Ở đâu cũng vẫn con người đó, lý tưởng đó, đạo đức hành nghề đó. Tôi tin, chỉ như vậy, thắng lợi trong cuộc chiến cam go này mới thuộc về báo chí chính thống và những người làm báo chân chính.
- Năm 2019, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam được ban hành. Ông nhìn nhận thế nào về việc thực thi quy tắc này trong đời sống hôm nay?
- Quy tắc nói trên đã nêu rõ những điều cần làm, nên làm và những điều không được làm. Nhà báo có trách nhiệm chủ động đấu tranh, tích cực chống lại những thông tin sai trái, bác bỏ những quan điểm lệch lạc trên trang báo chính thống và cả trên mạng xã hội khi phát hiện có tin giả, tin xấu độc. Thậm chí đó là những thông tin sai trái, lệch lạc của chính đồng nghiệp trên mạng. Các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, cơ quản quản lý báo chí nếu thấy có hiện tượng vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, cần phải nhanh chóng nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý một cách thỏa đáng, trong bất cứ trường hợp nào cũng không cho phép tin giả lộng hành, cản trở công cuộc chiến đấu vì tiến bộ xã hội và lợi ích chung của đất nước.
Thiết nghĩ, kỹ năng làm báo rất quan trọng, nhưng không đủ nếu thiếu tư tưởng, ý thức của một nhà báo cách mạng. Hiện thực đời sống hôm nay đang đòi hỏi ở các nhà báo sự quả cảm, cống hiến và hy sinh. Nhiệm vụ càng khó khăn càng phải giỏi nghề. Tờ báo sẽ thành công khi có phóng viên giỏi, và có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ, sáng suốt của tòa soạn.
- Trân trọng cảm ơn ông!