Bản lĩnh đến từ sự cởi mở

Làm thế nào để tạo ra thêm những công dân toàn cầu đến từ Việt Nam? Câu trả lời đã tồn tại ở đâu đó: Rất nhiều bạn trẻ giờ đang tư duy bằng ngôn ngữ toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Ngôi nhà Xanh Liên hợp quốc tại Hà Nội đã chào đón hơn 50 nhà lãnh đạo trẻ nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Thanh niên. Ảnh: UNDP
Ngôi nhà Xanh Liên hợp quốc tại Hà Nội đã chào đón hơn 50 nhà lãnh đạo trẻ nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Thanh niên. Ảnh: UNDP

HÃY bắt đầu bằng việc theo dõi hành vi của những người trẻ Việt Nam trên một mạng xã hội toàn cầu.

Mạng xã hội Reddit được nhiều nhà quan sát gọi là "tiền đồn của internet". Reddit chấp nhận hầu hết mọi ý tưởng. Đó là nơi mà chủ nền tảng ban hành khá ít biện pháp kiểm soát, rất ít sự cấm kỵ (trừ một số hành vi trái pháp luật phổ quát, như ma túy, phân biệt chủng tộc hay ấu dâm). Mỗi cộng đồng tự tụ họp và ban hành các luật lệ của riêng mình.

Trong một môi trường như thế, những người trẻ Việt Nam sẽ hành xử thế nào?

Cộng đồng "Vietnam" trên Reddit được tập hợp bởi bất kỳ ai quan tâm đến Việt Nam, dù là người Việt hay người nước ngoài, sống trong nước hay hải ngoại. Mặc dù diễn đàn cho phép sử dụng tiếng Việt, hầu hết thành viên trao đổi bằng tiếng Anh.

Đó là một bức tranh rất phong phú, nhưng có thể gây ngạc nhiên với nhiều người mang định kiến về giới trẻ. Không thấy những sự cực đoan, hay lố lăng. Họ có thể đùa cợt về những chủ đề văn hóa, nhưng rồi vô cùng nghiêm túc với những vấn đề kinh tế. Họ có thể chỉ ra những thói quen xấu trong cộng đồng, thuộc về các thế hệ trước; nhưng rồi lại cực kỳ kiêu hãnh khi bảo vệ các bản sắc Việt Nam. Đó là nơi không hề có chỗ cho tư duy nhị nguyên.

Họ bông lơn. Một chủ đề được một "bạn Tây" nào đó khởi xướng: "Cái này là cái gì vậy?", kèm theo bức ảnh về hai chiếc xe của lực lượng chức năng bằng vàng mã. Các bạn Việt Nam bắt đầu giải thích một cách trào phúng: "Đây là biện pháp bảo đảm trật tự giao thông dưới âm phủ"; "Các sếp cũng cần xe hộ tống ở thế giới bên kia chứ!"; "Có nhớ ông Mexico hôm nọ mua con ngựa vàng mã về nước làm quà lưu niệm không? Hai bác này đuổi theo bắt lại ngựa đó!".

Họ nghiêm túc. Một bạn nước ngoài khác vào và than phiền rằng tại sao "Huế không có được vị thế như các thành phố khác". Ngay lập tức ở dưới là các phân tích sâu (bằng tiếng Anh) về chính sách, tập quán, vị thế địa lý và cả những tự sự của người kinh doanh ở Huế, về việc thành phố chưa thể khởi sắc.

Đó là một môi trường rất dễ nhìn ra sự cởi mở. Một người Việt ở Mỹ, xuất thân từ một cộng đồng vẫn còn những tư tưởng chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, chia sẻ rằng anh ta "bắt đầu nghi ngờ quan điểm của cha mẹ mình", và đang bắt đầu đọc về lịch sử để có thêm những góc nhìn mới. Những người Việt trong nước cũng không vì thế mà cổ xúy hay bài xích. Họ viết những phân tích dài về lịch sử, họ chia sẻ sự cảm thông dành cho những người Việt Nam thế hệ trước trên đất Mỹ, và chúc các bạn trẻ gốc Việt "có thể tìm thấy góc nhìn cho riêng mình". Nhiều chủ đề về lịch sử, chúng ta có thể dùng từ "cao thượng" để mô tả. Cho dù, ở đó, hầu như không có rào cản hay định hướng nào.

CHỈ cần ngồi quan sát một diễn đàn toàn cầu trong chốc lát theo cách ấy, chăm chú và không thiên kiến, bạn sẽ nhận ra chân dung của những công dân toàn cầu đến từ Việt Nam, và làm thế nào để tạo ra thêm những đại sứ của thương hiệu Việt Nam trên thế giới.

Ngoại ngữ đã tốt lên cùng với sự đầu tư cho giáo dục nhiều thế hệ qua, rào cản lớn nhất của thế hệ trước đã được gỡ bỏ. Các phương thức giao tiếp cũng muôn dạng, khi thế giới phẳng đi với tốc độ của internet. Vấn đề quan trọng nhất của một cộng đồng Việt Nam mạnh mẽ, rạng rỡ và biết phát huy các giá trị dân tộc trên trường thế giới, chỉ còn là thái độ.

Những công dân toàn cầu phải mang thái độ cởi mở. Tư duy nhị nguyên, có lẽ, đã và vẫn đang giày vò quan điểm của nhiều người Việt. Bạn có thể bắt gặp nó ở nhiều diễn đàn khác nhau, cơ bản là sự "phân định trắng đen" cứng nhắc: Cái này là tốt - cái kia là xấu. Yêu nước phải thế này; biết ơn phải thế kia; tôn trọng truyền thống là…, và không thể là… Nếu đi lệch ra khỏi trạng thái này, dường như chúng ta chỉ còn có thể thuộc về trạng thái còn lại.

Ngay cả hệ thống giáo dục đôi khi cũng bị câu thúc bởi tư duy nhị nguyên. Phải chăng người ta không tin vào khả năng tự phản biện và tiếp nhận của người học, đến mức từng vật vã với việc giữ hay bỏ cái kết của truyện Tấm Cám trong sách giáo khoa? Nhu cầu tuyệt đối hóa cái xấu và cái tốt đưa người ta vào vòng luẩn quẩn.

SỰ cởi mở, năng lực tiếp nhận những luồng văn hóa mới của thế giới, khả năng nói một ngôn ngữ toàn cầu, biết phản biện cái xấu trong cộng đồng nhưng vẫn yêu thương các giá trị làm nên con người mình… có lẽ là những phẩm chất quan trọng nhất của một công dân toàn cầu từ Việt Nam.

Và đó không phải là một chân dung dễ tạo dựng. Trong thế giới phẳng, cần phải có một tư duy vừa thay đổi vừa bảo tồn, vừa tiếp nhận vừa chọn lọc, để làm nên những người Việt bản lĩnh, làm nên một hình ảnh Việt Nam hùng cường.

Việt Nam may mắn, vì đang có rất nhiều người trẻ làm được điều đó.