Tôi thường băn khoăn rằng, tại sao nhiều nhà trí thức của chúng ta lại có thể khẳng định một cách ráo hoảnh rằng người Việt không có (hoặc rất yếu) về tư duy triết học, không có hệ tư tưởng. Cái sự cao siêu ấy, cái sự sáng tạo và nắm bắt được cái hình nhi thượng học kia phải là người Đức, người Pháp, người Trung Hoa, người Mỹ… kia.
Ngày 24/11/1946, tại Hà Nội, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ các nội dung: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam.
Thế nào là thuần túy Việt Nam? Đương nhiên là có sự tiếp thu tinh hoa văn hóa bên ngoài, nhưng căn cốt nhất vẫn là yếu tố nội sinh.
Vậy thì yếu tố nội sinh ở đâu?
Chúng ta hãy bắt đầu từ một tiền đề: Nguyễn Trãi là một nhà bác học, những điều ông nói ra là có cơ sở, đáng tin.
Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu…
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương.
Sách An Nam chí lược của Lê Tắc được viết và in ở Trung Quốc thế kỷ 14 có chép, ngay từ thời An Dương Vương, đã "làm ra cái nỏ thần, bắn một phát giết được muôn người". "Nước An Nam xưa… Đàn ông lo làm ruộng, đi buôn, đàn bà lo nuôi tằm, dệt vải, cách nói phô hiền hòa, ít lòng ham muốn… Người sinh ra ở Giao Châu và Ái Châu thì rộng rãi, có mưu trí; người ở Châu Hoan, Châu Diễn thì thuần tú, ham học" (NXB Thuận Hóa, 2001, tr.70). Sách này cũng chép bức thư của vua Hán Lưu Hằng, hiệu Văn đế gửi Việt vương Triệu Đà coi như lời công nhận độc lập đối với nước ta: "Hoàng đế có lời kính hỏi vua Nam Việt… nay từ ranh giới Ngũ Lĩnh trở về Nam, giao quyền cho Vương tự trị. Tuy nhiên, Vương xưng là Hoàng đế, ngang hàng với ta, tức là hai vị Hoàng đế đối lập; không có một cỗ xe của sứ thần để thông đường qua lại, là có ý tranh giành, tranh giành mà không kính nhường, người nhân từ không làm như vậy. Ta muốn cùng Vương bỏ hẳn điều dữ trước, kể từ nay về sau, cứ thông sứ như cũ" (Sđd, tr.86-87).
Ta tạm khép lại sách vở, trở về thực chứng.
Văn hóa Việt Nam để lại nhiều dấu vết trong ngôn ngữ, trong văn học truyền miệng. Tại sao cha ông ta lại chọn truyền miệng làm phương thức trao truyền văn hóa? Một mặt, ta có chữ viết chậm; mặt khác, truyền miệng là thứ mà giặc không thể đốt được, không giết được.
Minh triết Việt Nam là đơn giản, quy nhất, thực chứng.
Người Việt thích "nói một câu cho nhanh", muốn sớm đi tới chân lý, giải pháp; chân lý nào cũng phải được kiểm nghiệm bằng thực tế, thực tiễn.
Bác Hồ là người hay nói thẳng, trực tiếp vào vấn đề. Khi phong hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, Bác nói: "...thắng đại tướng phong đại tướng". Khi nói về chân lý, Bác nói: Cái gì có lợi cho nhân dân, cho Tổ quốc thì đó là chân lý! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!...
Chẳng cần dẫn sách vở, dẫn ông này, ông nọ… mà đúc kết, mà đỉnh cao lý luận!
★★★
Ở bài trước, chúng tôi đã nói về truyền thuyết Âu Cơ. Nay qua truyện Thánh Gióng, tìm thấy những thông điệp gì mà cha ông muốn gửi gắm?
Một là, trong dân luôn có anh hùng, dân luôn giải quyết được vấn đề lịch sử của mình, của đất nước mà quan tướng triều đình nhiều khi không thể giải quyết được.
Hai là, yêu nước, có bổn phận với đất nước là chất người Việt Nam có từ trong máu, được đòi hỏi và giáo dục từ trẻ thơ. Câu nói đầu tiên của đứa trẻ lên ba là câu nói cứu nước. Thật đẹp đẽ và đáng tự hào khi một dân tộc mà Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Trăm con sông đều muốn hóa Bạch Đằng. Vì hiểu rõ sức dân, vai trò của dân mà triều đại nào, thể chế chính trị nào cũng dồn sức chăm lo cho dân, khoan thư sức dân, trừ những người cầm quyền tồi, những thời đoạn chính trị hà khắc, đàn áp dân, bóp nặn của dân từng xảy ra trong lịch sử!
Tình nghĩa đậm đà; yêu nước thiết tha; khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng chính là những phẩm chất, những truyền thống cốt lõi, quý báu nhất của đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Ngoài việc tiếp thu, sử dụng những yếu tố tích cực, người Việt nghìn đời nay còn phải gồng mình lên chống lại những yếu tố tiêu cực, phản động trong các triết thuyết được du nhập và phát triển ở Việt Nam.
Nho giáo Trung Hoa phát ngôn "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Nhiều người Việt Nam cũng nói như vậy. Và đời trước, chỉ đặt tên con gái là thị Tam, thị Tứ… theo thứ tự, không có tên. Nhưng trong thực tế gia đình và những quan sát trong cả cuộc đời của mình, tôi thấy trong gia đình Việt, kể cả thời phong kiến, người phụ nữ, tuy không ở nhà trên, vẫn giữ vị trí là linh hồn của cả gia đình, tham gia bàn bạc và quyết định mọi chuyện. Câu "Lệnh ông không bằng cồng bà" là câu của thời xưa, không phải chỉ của thời nay. Phổ biến hơn là "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn". "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" với người Việt chỉ có ý nghĩa trong việc họ tộc, duy trì nòi giống, thờ tự ở chế độ phụ hệ, lấy họ theo họ nội, tìm "thằng chống gậy", thắp hương khi cha mẹ chết; hoàn toàn không phải là việc trọng nam khinh nữ. Cũng không phải bây giờ, mà từ xưa cha ông đã tổng kết Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng. Ca dao cũng có câu nói hơi quá lên nhưng đúng: Ba đồng một mớ đàn ông/Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha/Ba trăm một ả đàn bà/Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi.
★★★
Giáo sư Cao Xuân Huy (1900-1983) đã phát hiện ra tính cách người Việt là tính cách nước. Nước thì dễ dung hợp, mềm mại, uyển chuyển, biết lắng trong. Dịu dàng mà mạnh mẽ, không gì thắng nổi. So sánh với nước, Bác Hồ viết về lòng yêu nước của dân ta: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
Nhưng từ tư tưởng dân chủ, thấy được sức mạnh của dân, vai trò lịch sử của dân; từ tinh thần nhân văn cao cả như đã chứng minh; ta thấy có một tư tưởng, một hành động xuyên suốt các thời đại, thấu triệt trong mọi giai tầng là vì dân, chăm dân, mỗi người đều chăm lo bổn phận của mình.
"Ông" dân thì chăm chỉ làm ăn, yêu nước một cách máu thịt tự nhiên.
Ông quan thì lo cho yên vui cuộc sống của dân Bui một tấc lòng ưu ái cũ/Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông (Nguyễn Trãi).
Ông vua thì Lòng vì thiên hạ những sơ âu (Lê Thánh Tông). Vua Trần Thái Tông nhớ câu nói của quốc sư Phù Vân "Phàm đã làm vua của thiên hạ phải lấy ý muốn của thiên hạ (dân) làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình" đến câu nói của Bác Hồ "Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác" cách nhau 700 năm mà vẫn như là một!
Bền vững thay, vĩ đại thay, một tinh thần Vì Dân, Vì Nước, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc! Các ông vua tốt thường lấy vương hiệu của mình là Nhân Tông, nhằm đề cao chữ Nhân, tuân theo chữ Nhân, đó đều là những truyền thống tốt đẹp, mà con người, nhất là người cán bộ ngày nay, phải học tập.
Để học tập được cha ông, cần biết nhận diện, giải mã các thông điệp từ quá khứ!
(Còn nữa)
★ Xem Báo Nhân Dân cuối tuần từ số 21, ngày 21/5/2023 hoặc truy cập link: