Tôi sinh trong một gia đình dân tộc Tày và lớn lên từ vùng đất Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Năm 2013, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tôi nhận thấy người nông dân quê mình quá vất vả với câu chuyện "được mùa thì mất giá, được giá thì lại mất mùa". Khi ấy, tôi đau đáu muốn tìm ra phương cách để giúp đưa nông sản của gia đình và bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, bảo đảm chất lượng và chi phí hợp lý. Để tìm được nguồn tiêu thụ ổn định, tôi bắt đầu tìm kiếm những đối tác ở khắp các vùng, miền trên cả nước. Sau nhiều chuyến khảo sát thị trường, tôi quyết định khởi nghiệp bằng việc xây dựng tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Khi đã kết nối được đầu ra, tôi tập trung vào việc chuẩn bị quỹ đất, nghiên cứu quy trình, tiêu chuẩn… phục vụ cho việc sản xuất, sơ chế, đóng gói vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, xây dựng một nơi tạm gọi là trung tâm, để hướng dẫn cho các hộ liên kết sản xuất thống nhất quy trình và là nơi tập kết sản phẩm.
Tiêu chí mà tôi luôn đề nghị các hộ liên kết sản xuất phải bảo đảm, chính là "chất lượng và sự chuyên nghiệp chắc chắn sẽ tạo niềm tin vững chắc cho khách hàng". Nhờ đó, từ năm 2015 đến 2019, thị trường của chúng tôi từng bước được mở rộng. Nông sản của tổ liên kết được đưa vào hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, Big C, Co.op Mart… tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía nam.
Với mong muốn mở rộng thị trường, tôi vận động thêm các hộ tham gia tổ liên kết, đồng thời thay đổi phương thức sản xuất mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Nhờ đó, bạn hàng tăng theo cấp số nhân. Bình quân mỗi ngày, chúng tôi cung cấp từ 7-10 tấn rau các loại. Đó chính là tiền đề để năm 2019, chúng tôi quyết định thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Agri Đức Tiến. Hiện tại, công ty của tôi có hơn 60 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ, diện tích sản xuất gần 10 ha; cùng 20 hộ liên kết, phân nửa là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Bình quân mỗi hộ có khoảng 1,5 đến 2 ha đất sản xuất; sản lượng rau xuất ra thị trường mỗi ngày hơn 15 tấn, chủ yếu thị trường trong nước và xuất khẩu qua trung gian. Tuy nhiên, để nâng tầm từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, chúng tôi cần sự phát triển đồng đều từ các hộ liên kết sản xuất để tạo nên những trang trại lớn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trước đây, tại các trang trại của công ty và hộ liên kết, phần lớn diện tích đã được áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo bộ tiêu chuẩn VietGAP. Những năm gần đây, nắm bắt xu thế chuyển đổi số nói chung và trong ngành nông nghiệp nói riêng, nhằm giúp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh và mở rộng cơ hội phát triển; chúng tôi đã có những bước tiếp cận phù hợp. Phần lớn diện tích ở các trang trại của công ty đã được ứng dụng hiệu quả công nghệ IoT, kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất; canh tác rau thủy canh. Từ những kết quả bước đầu đó, chúng tôi khuyến khích, hỗ trợ và từng bước chuyển giao công nghệ đến các trang trại, nhà vườn của hộ liên kết sản xuất. Nhờ đó, từ công ty cho đến các hộ đều đã thu nhận được hiệu quả thiết thực.
Tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Đức Trọng nói riêng có tiềm năng, lợi thế lớn về đất đai, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại. Nông nghiệp cũng là một trong những trụ cột của nền kinh tế địa phương. Từ những trải nghiệm trên chặng đường khởi nghiệp, tôi luôn đồng hành cùng tổ chức đoàn địa phương và Tỉnh đoàn Lâm Đồng hỗ trợ thanh niên địa phương qua các hoạt động hướng dẫn các bạn trẻ chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp; kết nối bạn trẻ khởi nghiệp trong tỉnh để hỗ trợ liên kết, giúp đỡ nhau; tài trợ giải thưởng cho các ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ…
Tôi mong rằng, phong trào khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng sẽ lớn mạnh hơn nữa, lan tỏa hơn nữa trong thời gian tới. UBND tỉnh Lâm Đồng, các cơ quan, tổ chức, các hội đoàn sẽ có thêm nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương nói chung và khởi nghiệp trong nông nghiệp. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, tài trợ vốn, chuyển giao khoa học-công nghệ linh hoạt, phù hợp cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp 4.0, hoạt động chuyển đổi số trong canh tác, sản xuất nông nghiệp ở địa phương