Chẳng mấy chốc khu sinh thái văn hóa Miền châu thổ đã dần trổ sắc, tươi mởn. Hồi chưa chính thức khánh thành, khách đã đến nườm nượp. Nhưng sau sáu tháng hoạt động, đại dịch xảy ra, xã hội giãn cách, rồi phong tỏa, hạn chế, lại giãn cách, Miền châu thổ cũng đóng băng... Khi được phép hoạt động, Miền châu thổ đã ở tâm thế đón khách.
Đoàn khách ba mươi người đến từ khu đô thị mới mở ở phía tây thành phố. Sau khi nghe tôi giới thiệu về khu du lịch, thì tản ra xem theo ý thích. Khánh dẫn một số người đi xem các món đồ cổ trong ngôi nhà Ngói. Vài người đến lầu Vườn Văn xem sách uống trà, có người ra sân đình ngắm hoa sen. Mấy bà mấy chị đi qua dãy nhà Tranh ngắm nghía các vật dụng nhớ lại thuở hàn vi. Các cô cậu trẻ thì thuê đồ, nhờ người chèo thuyền ra giữa hồ sen chụp ảnh.
Khoảng chừng một tiếng, đoàn khách hẹn nhau ở sân đình để tiếp tục cuộc hành trình. Người đàn ông to béo, khuôn mặt đầy trồi trội ra bắt tay vợ chồng tôi. Sau vài câu trò chuyện kiểu giã bạn, người đàn ông, giọng bỗng trầm lại: "Có cảnh, có vật, có người nhưng tôi vẫn thấy thiếu". Đôi mắt ông nhìn ra thủy đình, mấy cô cậu đang từ thuyền dắt nhau lên, tà áo tứ thân bay phấp phới, chiếc nón quai thao nghiêng nghiêng trước gió.
Đến chiều muộn, vãn khách, Khánh gọi tôi ra Vườn Văn: "Em thấy ý kiến ông khách sáng nay được chứ?". Tôi gật đầu: "Hay ta sang làng An một chuyến?".
Tôi đi ngay trưa hôm sau. Ngày mới ra trường, tôi từng dạy tập sự ở bên đấy hai năm. Làng An đón tôi bằng nụ cười và lời mời của bà lão bán hàng nước dưới gốc đa cổ thụ. Tôi hỏi thăm về cô gái có giọng hát chèo hay nhất làng. Bà cụ vỗ hai tay vào nhau thích thú: "Cái Nhung con ông Bắc phải không? Con bé vừa đạp xe qua, hỏi thì nó bảo đi sang bên Chằm gì đó".
Đường làng vẫn lát gạch nghiêng. Bờ rào là những giậu găng, giậu cúc tần, râm bụt. Tôi đi giữa mầu xanh nhuần nhị ấy nhìn mấy cánh chuồn chuồn bay chấp chới phía ao bèo mà nhớ lại kỷ niệm hồi đi dạy học. Một tối, tôi cùng cô giáo Mây vào nhà mấy em học trò ở làng An kiểm tra học tập, tới cái ao làng đầy bèo tây gặp bầy đom đóm bay lên. Sau đó là cái bóng trắng toát trồi lên từ hàng rào, cả hai hoảng sợ, ù té chạy. Giờ, hoa bèo nhuộm tím một góc ao. Vài gốc dành dành, hoa trắng từng mảng to như thúng cái nghiêng xuống mặt ao. Sau ao là mái đình cổ kính. Một người đàn ông đang quăng dây xuống ao vớt bèo. Tôi đỗ xe, bắt chuyện. Thì ra ông chính là ông Bắc. Ông vớt bớt bèo lên cho thoáng ao, trong nước. Sắp có hội đình, ao sẽ là nơi bắt vịt, là nơi đi thuyền biểu diễn văn nghệ. Lúc tôi bỏ khẩu trang ra, ông ồ lên: "Trông cô quen quen, cô có phải là cô giáo Thu không? Cô từng chủ nhiệm con Nhung nhà tôi hồi lớp sáu?". Tôi còn đang nheo mày nghĩ lại dù lòng đã vui mừng xôn xao như mặt nước ao dậy sóng. Ông Bắc tiếp: "Cái bữa cô đi kiểm tra học tối ấy. Lũ trẻ con nấp trong bụi cây, thả đom đóm, đội khăn trắng chạy ra dọa ma ấy, các cô bỏ chạy vào cổng nhà tôi. Tôi chạy ra tóm được cả ba đứa, có cả con Nhung, đám lười học dám bày trò trêu cô giáo". "Ồ, tôi nhớ ra rồi". "Mời cô vào nhà tôi chơi".
Tôi bước theo ông về nhà. Thấy khách tới, vợ ông Bắc, bà Kim đang khâu lại mớ quần áo biểu diễn đon đả mời khách. Nhận ra tôi là cô giáo cũ của con, bà mời tôi ở lại ăn cơm chiều, tối ra đình làng xem hát. Chiều nay gia đình cậu con trai lớn trên phố cũng đưa con nhỏ về quê chơi.
Ngắm những bức ảnh Nhung đứng trước sân khấu nhận cờ, giấy khen, có lẽ chẳng ai nghĩ hồi mới học lớp sáu, con bé đã bỏ bê học hành, lêu lổng với đám trẻ trong xóm. Nhớ chiều ấy, tôi và Mây rủ nhau thuê chiếc thuyền đi ra đảo Tre ngắm chim về tổ. Bác Bộ chèo thuyền đang đều tay khua mái chèo cho chúng tôi tới gần những lùm cây để ngắm bầy chim bay về thì phát hiện ra ba đứa lau nhau đang gỡ bẫy chim. Chiếc thuyền lẹ làng lách vào dải đất. Bác lên bờ, ra hiệu chúng tôi im lặng, đoạn tiến lên sâu vào trong bãi, đến đàn chim cũng chỉ chập chờn vỗ cánh chuyền cành. Lần lượt ba đứa trẻ bị tóm sống. Tôi nhận ra Nhung, Hiếu, Toản, học sinh cá biệt của lớp mình. Nghe bác Bộ bảo dẫn lên công an để giải quyết vì ba đứa đã vi phạm việc bảo tồn thiên nhiên khu đảo Tre, ba đứa sợ xanh mắt. Nhung òa khóc mong tôi xin cho. Hai thằng kia cũng lắp bắp theo. Nghe chúng hối lỗi, nhìn những giọt nước mắt nhòe nhoẹt trên má chúng, tôi mủi lòng, đành mở lời xin bác Bộ. Ba đứa không phải tới gặp công an ngay tối đó nhưng sáng hôm sau một công an viên đến tận phòng Đoàn Đội nhà trường làm việc, đó cũng là một cách để giáo dục những học sinh khác. Hôm sau, đến lớp thấy mắt chúng đỏ mọng, sưng húp, hỏi, ba đứa kể, bị đánh một roi cảnh cáo, nhưng đau hơn cả chục roi cộng lại.
Ông Bắc mở tủ lấy một túi hồ sơ trong đó có giấy khen, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm khoa âm nhạc của Nhung cho tôi xem và kể chặng đường của cô bé sau khi tôi rời ngôi trường ở làng An: Nhà đã bán đi ba sào ruộng khoán chạy cho anh trai thứ hai của Nhung là Tiến du học Nhật Bản. Lúc em gái học xong cấp ba, Tiến vừa ra trường được hai năm, có thể lo cho em đi theo anh, nhưng Nhung thích đi học sư phạm âm nhạc. Ra trường, đã ba năm dạy hợp đồng thời vụ, mỗi tháng ba triệu, nghỉ hè không lương. Ông Bắc thắc mắc: "Dạy học cũng thời vụ, giống nông dân cấy lúa vậy là sao?". Nhung bảo: "Ba tháng nghỉ hè, dạy ai mà đòi lương". Nhung đi hát các đám cưới, đám tân gia, hội đình chùa. Phòng văn hóa huyện mời phụ trách lớp dạy hát chèo cho cánh trẻ trong vùng. Nhung đi suốt, tối có khi cũng chẳng kịp ăn cơm với bố mẹ.
Ông Bắc hỏi tôi bây giờ dạy ở đâu. Tôi lưỡng lự một lúc rồi cũng đành nói thật: "Sau khi thôi chủ nhiệm lớp em Nhung, em lấy chồng nên xin về gần nhà dạy, được thêm 5 năm thì trường thừa giáo viên, là chân hợp đồng nên em bị chấm chuyển đi xa. Lương thì thấp, con thì nhỏ. Chồng mở công ty may mặc, thế là nghỉ ở nhà giúp việc cho chồng. Nhà em vừa mở thêm khu du lịch sinh thái Miền châu thổ". Ông Bắc gật gù: "Ồ! Tôi nghe nhiều người khen Miền châu thổ lắm. Con Nhung từng gạ sẽ đưa bố mẹ sang đó chơi nhưng rồi bận bịu mãi mà chưa sang được". "Em hân hạnh được đón gia đình mình và em Nhung sang thăm". Tôi vẫn kịp dừng lại chưa nói ra ý định mời Nhung làm ở đó. Vẫn còn cả buổi tối nay cho tôi quyết định. Với mức lương khởi điểm mười triệu, có đóng bảo hiểm, chắc chắn Nhung sẽ đồng ý tới với chúng tôi.
Trở vào nhà, bà Kim đã dọn mâm cơm lên. Cậu con trai lớn là Trường cùng vợ con đã chạy xe máy về. Giục đám trẻ rửa chân tay để vào ăn cơm còn ra đình xem hát, cô cháu gái Vy, năm tuổi, cứ đòi đợi cô Nhung về. Nhung về ngay sau khi mọi người đã ngồi vào mâm. Nhận ra tôi, Nhung vui tới ngỡ ngàng.
Ông Bắc rót rượu: "Rượu này, ngâm củ đinh lăng trồng 5 năm trong vườn định đợi con Nhung lấy chồng, nhưng nó bảo lấy sớm cho khổ ra đấy cô ạ". Chúng tôi chạm ly. Bà Kim gắp miếng ức gà mời khách, rồi gắp cho chồng, cho con. Nhung nhón nắm xôi chim chim cho cháu gái. Câu chuyện rôm rả, từ chuyện nhà, đến chuyện xóm, rồi đến chuyện hội đình, hội hát. Uống đến chén thứ ba, ông Bắc đã cao hứng hát điệu chèo "Sa lệch chênh". Cậu Trường vừa rót rượu cho cha vừa dùng bát gõ phách. Nhung khẽ hát theo cha. Bà Kim nhìn chồng, nét mặt bà hồng hào hẳn lên. Chợt tiếng trống ngoài đình vang lên một hồi báo hiệu sắp đến giờ điểm quân văn nghệ hội đình, cả nhà mới giục Nhung ăn nhanh còn ra với đội.
Trăng lên chênh chếch mái đình. Người làng ra xem diễn tập văn nghệ đứng ngồi rải rác sân đình, dọc bờ ao, dưới gốc đa. Chiếu chèo đã bắt đầu ở phương đình phía đông gần ao Cả. Nhung trong bộ áo tứ thân, tóc vấn vành khăn nhung đen đang hát điệu chèo "Đào liễu": Đi đâu đào liễu một mình i í ì, hai vai gánh nặng í ì nhật trình đường xa i í ì. Đào liễu có một í mình, em đi đâu hỡi cô nàng ơi!... Giọng ca ngọt ngào mê đắm như lực hút nam châm, những tiếng nói chuyện thưa dần, người ta vây quanh phương đình, có người múa ngẫu hứng theo điệu nhạc. Tôi vẫn ngồi từ đằng xa nghe Nhung hát, lòng nhẹ bâng như những buổi sáng đi lên lớp dưới bóng phượng vĩ chớm đỏ. Người ta có thể quên đi những lo toan, bộn bề của cuộc sống khi ngồi dưới sân đình, trong đêm trăng thanh. Những gương mặt nhàu đi bởi nếp gấp thời gian bỗng giãn ra, tươi trẻ lạ lùng. Trong phương đình, Nhung đang song ca với một người con trai làn điệu chèo "Dâng mẹ kính yêu". Bà Kim vừa nhai trầu vừa hỏi tôi có nhận ra ai không. Chưa thấy tôi trả lời, bà cười: "Thằng Hiếu đấy". Bà lại chỉ về dãy ao cá nối ao Cả: "Nó đổi ruộng đào ao, đến cả hai mẫu ao. Ngày tất bật mà đêm vẫn hát hò thong dong lắm". Tôi cười, lòng nhẹ bâng. Tôi nhận ra Nhung hợp với chốn làng quê này hơn cả. Mái đình này, ao làng kia đích thực là sân khấu của em. Còn bục giảng đang đợi Nhung mỗi ngày lên lớp cho học trò nữa. Đó mới là miền của Nhung. Tất cả với Nhung đều đang đẹp như một giấc mơ. Trong tôi, dự định mời Nhung về Miền châu thổ bỗng tan biến. Chỉ còn tiếng hát đang hòa vào ánh trăng trong ngần.