NSND NGUYỄN HỮU TUẤN:

“Ảnh của tôi luôn thật”

“Mỗi người cầm máy ảnh đều có mục đích khác nhau, do vậy cách mà họ chụp ảnh cũng rất khác nhau. Ai cũng trải qua thời kỳ tay cầm máy ảnh mà đầu óc vô định. Sau này, tôi rút ra kinh nghiệm: cứ chụp bằng cảm xúc của mình là dễ dàng nhất”, NSND Nguyễn Hữu Tuấn giản dị chia sẻ như thế, khi gửi gắm những cảm xúc sâu lắng mà ông đã thu lượm. Về đất và người nơi địa đầu cao nguyên đá. Qua triển lãm ảnh mới nhất Thư Đồng Văn, diễn ra từ ngày 15-9 đến 15-10-2018, tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm.

“Không gì tự nhiên, đẹp đẽ bằng chính sự sống đang diễn ra quanh ta…” .
“Không gì tự nhiên, đẹp đẽ bằng chính sự sống đang diễn ra quanh ta…” .

Thư Đồng Văn là triển lãm ảnh cá nhân thứ tư của nhà quay phim, nhiếp ảnh gia, NSND Nguyễn Hữu Tuấn. Sau những sự kiện gây được tiếng vang với công chúng và giới làm nghề diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp - Hà Nội (1993), Đan Mạch (1994) và Paris (Pháp) vào năm 2015. Gần 50 bức ảnh (đều đen trắng, đều chụp bằng máy phim) là thứ ngôn ngữ hiệu quả nhất mà ông lựa chọn, để gửi tới công chúng yêu nhiếp ảnh Thủ đô “một lá thư”, kể lại bằng thứ ngôn ngữ sinh động nhưng cũng giản dị nhất những điều đã thấy - đã gặp - đã cảm - đã yêu. Về một địa danh thuộc vùng núi phía bắc mà nói như ông, “đi mãi mà chưa bao giờ thấy chán”.

Chụp theo kiểu kể chuyện

- Với cá nhân tôi, đây là một triển lãm lạ. Lạ vì được xem một bộ phim tài liệu cùng tên sử dụng khá nhiều hình ảnh tĩnh - chính là các tác phẩm nhiếp ảnh được trưng bày ngay trong buổi khai mạc. Lạ vì các bức ảnh được tin tưởng trao gửi toàn bộ trọng trách kể chuyện, đơn thuần nhờ bố cục - ánh sáng - thần thái của nhân vật và những sắc độ đậm nhạt, đầy biến ảo của đen và trắng. Không một dòng chú thích, một tựa đề được đính kèm theo. Như thể ông chủ ý gợi mở một miền đất, để mời mỗi người xem bước vào và cảm nhận đầy tự do, theo cách của riêng mình?

- Tôi đến với Đồng Văn lần đầu vì tình cờ. Nhưng sau đó, những xúc cảm nguyên sơ, những chiêm nghiệm mới mẻ gom nhặt được sau từng cú bấm máy đã khiến tôi nảy ra ý định kể lại cho ai đó, về những điều mình đã gặp, trên vùng núi đá khắc nghiệt này. Tôi trở đi trở lại miền đất này nhiều lần, cùng chiếc máy ảnh, đương nhiên.

Rồi có lần tôi mang theo chiếc máy quay. Không đắt tiền, không hiện đại. Chất lượng hình ảnh cũng vừa phải. Để bắc nhịp cầu giúp mạch cảm xúc của tôi đến được với số đông, tôi chọn làm phim. Nét bút nắn nót trên những trang thư của cô giáo trẻ gửi về cho bố đã giúp tôi chuyển tải những gì tôi muốn kể, bằng ngôn ngữ và xúc cảm của chính tôi. Chỗ nào không có hình động, tôi đưa ảnh của mình vào. Vậy là có một bộ phim tài liệu, với cái tên Nguyễn Hữu Tuấn miệt mài chạy trên generique. Từ giám đốc sản xuất đến biên kịch, đạo diễn. Từ quay phim đến viết lời bình… Nhờ phim, tôi có cơ hội trò chuyện với sinh viên của nhiều trường đại học tại Mỹ. Để trao đổi với họ về một kiểu làm phim có thể coi là lạ, chủ động và hiệu quả. Để có thể tung tẩy sáng tạo, theo cách thức tự do tuyệt đối của cá nhân người nghệ sĩ. Mà không tốn nhiều tiền, không đòi hỏi những thiết bị làm phim đắt đỏ.

Trong triển lãm lần này, tất cả các tác phẩm đều được chụp bằng máy phim, đều là ảnh đen trắng. Được trưng bày trên tầng hai, phân nửa trong số đó được in - tráng - rọi hoàn toàn thủ công, trong buồng tối. Phần còn lại, trưng bày tại tầng một và không gian bên ngoài của triển lãm, “ra lò” từ phòng Lab. Tôi không đặt tên, không chú thích bất kỳ tấm hình nào - đúng như bạn hỏi, vì thấy không cần thiết. Tôi chỉ chụp, theo kiểu kể chuyện Đồng Văn. Nôm na, đơn giản giống như Hà Nội có cầu Long Biên/Vừa dài, vừa rộng bắc trên sông Hồng thôi mà.

- Nói như NSND Đặng Nhật Minh, “Nguyễn Hữu Tuấn là một nghệ sĩ luôn săn tìm những vẻ đẹp bình dị, mộc mạc trong đời thường. Cái đẹp trong những bức ảnh của ông là cái đẹp của sự từ chối những gì hào nhoáng mầu mè, tước bỏ những gì gọi là thừa thãi bên ngoài để đi sâu vào cốt lõi của hiện thực”. Vì thế, công chúng rất dễ nhận thấy một giọng điệu riêng, không thể trộn lẫn trong Thư Đồng Văn?

- Không chỉ riêng Thư Đồng Văn, tôi luôn chủ định chụp những hình ảnh bình thường nhất, vào những khoảnh khắc bình thường nhất. Không gay cấn, không nóng bỏng tính thời sự. Ảnh của tôi không có cao trào, thậm chí không có cả những động tác sống động. Nhưng ảnh của tôi luôn thật. Tôi không ngu dại gì mà sắp đặt lại cuộc sống để bấm máy. Vì đơn giản là không gì tự nhiên, đẹp đẽ bằng chính sự sống đang diễn ra quanh ta.

Xem triển lãm, bạn sẽ thấy tôi xúc động trước vẻ tĩnh tâm của một người đàn bà ngồi nghỉ ven đường, những em bé bình thản chăn bò trên cánh đồng ngô hay niềm vui của một gia đình nghèo đang chăm chút một nhành mai… Tôi nâng niu, trân trọng từng khoảnh khắc ấy, bởi thấy họ bình thản, tự tin và yêu cuộc sống.

Người Mông vốn ít nói nên ảnh của tôi cũng không ồn ào. Tôi cũng không tò mò, cố lục tìm cái sự lạ trong phong tục tập quán của họ nhằm thỏa mãn thói hiếu kỳ của người thành thị, khi đến với dải đất xa xôi này. Trái với nhiều người, tôi coi thái độ đó làm tổn thương đến bản sắc dân tộc, gây ra sự kỳ thị vô lối.

Tôi nghĩ, ai cũng thích người tốt nên tôi chỉ chụp những gương mặt hiền lành, biểu cảm dễ thương cùng ánh mắt trong veo của những đứa trẻ. Những việc làm xấu, những điều ác độc là thứ tôi không bao giờ muốn lưu giữ. Ảnh của tôi, nhất quán từ trước tới nay, không phản kháng hay tố cáo điều gì. Tôi thấy không cần thiết, vì yêu cái đẹp thì trong nội hàm của nó đã là ghét cái xấu rồi.

May mắn không tới với người vô tình

- Cả một đời cầm máy ảnh đang được ông ngoái đầu nhìn lại, khi đã gần chạm ngưỡng “xưa nay hiếm”. Để cân nhắc, chắt lọc những tác phẩm ưng ý nhất và cho ra đời một số cuốn sách ảnh, theo từng chủ đề mà “người đi qua làng” Nguyễn Hữu Tuấn ấp ủ nhiều năm. Trong khối lượng đồ sộ những tác phẩm thành công ấy có tồn tại chút may mắn nào không, thưa ông?

- Tôi luôn kiên định chụp máy phim, luôn chụp rất ít. Mỗi cú bấm máy đều có ý đồ cụ thể, có sử dụng công kỹ lưỡng. Để có một vài tấm ảnh, tôi phải chờ đợi rất lâu, để bắt được thần thái tĩnh tâm nhất của nhân vật, để đạt được bố cục - độ đậm nhạt của sắc độ đen trắng như mình đã định. Chụp xong là thấy mệt nhoài. Đó là còn chưa kể nỗi hồi hộp kéo dài nhiều ngày sau, khi không biết hiệu quả ảnh ra sao, chất lượng ảnh thế nào, rất khổ sở. Yếu tố mạo hiểm, thậm chí rủi ro (phim in tráng hỏng, chất lượng hình ảnh không như tưởng tượng) luôn tiềm ẩn sức hấp dẫn, với riêng tôi. Để rồi sau những giờ tỉ mẩn trong buồng tối, phần thưởng lớn nhất mà tôi nhận được từ tác phẩm của mình là cảm giác ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Luôn thế.

Yếu tố may mắn chắc cũng có, nhưng không bao giờ tới với những người vô tình. Nó chỉ đến với người chịu kiếm tìm. Tôi nghĩ vậy.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ trong lễ khai mạc Triển lãm Thư Đồng Văn: “Trước khi cầm máy quay phim, anh Tuấn đã cầm máy ảnh từ rất sớm. Tôi muốn nói rằng, Nguyễn Hữu Tuấn là một nghệ sĩ hàng đầu trong nghệ thuật hình ảnh, bao gồm cả hình ảnh tĩnh (nhiếp ảnh) và hình ảnh động (điện ảnh)… Việc trung thành với phim đen trắng cũng xuất phát từ quan điểm thẩm mỹ của riêng anh trong nghệ thuật. Cho đến triển lãm này, ta có thể khẳng định anh đã có một giọng điệu riêng không lẫn với ai khác trong nghệ thuật. Đó là một giọng điệu lặng lẽ, khiêm nhường, ẩn mình sau hiện thực mà anh quan sát và ghi nhận được, bằng ống kính của mình”.