Yêu cầu cấp bách để phát triển bền vững

Những chuyển động của cả đất nước đang đặt ra nhiều đòi hỏi mới đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chung quanh chủ đề này, báo Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng - Ban Tổ chức Trung ương.
0:00 / 0:00
0:00
Nghiên cứu khoa học là hoạt động được chú trọng tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đạt nhiều kết quả thiết thực trong giảng dạy và ứng dụng trong đời sống. Ảnh: Sơn Anh
Nghiên cứu khoa học là hoạt động được chú trọng tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đạt nhiều kết quả thiết thực trong giảng dạy và ứng dụng trong đời sống. Ảnh: Sơn Anh

- Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, làm thế nào để cán bộ, đảng viên luôn giữ vững ý thức phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết, nhất là khi phải đối mặt với những cám dỗ và áp lực từ nhiều phía?

- Vấn đề phục vụ nhân dân, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, và việc cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, gắn bó với nhân dân là một trong những trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh. Trong các trọng tâm đó, đặc biệt đáng chú ý là yêu cầu củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân.

Thực tế, ngay từ Đại hội VI, Đảng đã xác định rõ: “Dân là gốc, dân vi bản”. Mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân đã trở thành một nguyên tắc tổ chức của Đảng, đòi hỏi Đảng phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Tại Đại

hội XIII, vấn đề này được nhấn mạnh ở một cấp độ mới: Đảng không chỉ gắn bó mà còn phải hành động vì lợi ích của nhân dân.

Điều này được thể hiện qua việc xác định phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”. Đây là những tư tưởng đã có từ trước, nhưng tại Đại hội XIII, một điểm mới được bổ sung là cụm từ “Dân thụ hưởng”. Ba từ này mang ý nghĩa sâu sắc, nhấn mạnh rằng tất cả các hoạt động của hệ thống chính trị, các cơ quan công quyền, và các cán bộ, đảng viên đều phải hướng tới mục tiêu chăm lo lợi ích thiết thực của nhân dân.

Cuối cùng, mục tiêu cao nhất của cả quá trình phấn đấu là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cụm từ “Dân thụ hưởng” nhấn mạnh rằng mọi thành quả đều phải trở về với người dân - người thụ hưởng chính của mọi chính sách và nỗ lực phát triển.

Yêu cầu cấp bách để phát triển bền vững ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Hà

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của sức mạnh nội lực trong việc phát triển đất nước? Theo ông, làm thế nào để khơi dậy và phát huy tối đa sức mạnh của mỗi cá nhân và cả cộng đồng, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay?

- Ta có thể nhìn lại lịch sử trước khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công - một bước ngoặt lớn làm thay đổi cả đất nước. Khi ấy, Đảng ta chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, nhưng thực tế thì chỉ có một phần ba trong số đó là đảng viên hoạt động, phần còn lại đang bị giam giữ. Thế nhưng, chính sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của 25 triệu đồng bào đã giúp chúng ta thực hiện cuộc cách mạng vĩ đại đó. Bây giờ, chúng ta đang thực hiện một cuộc đổi mới mạnh mẽ, với một đất nước như thế này, và hiện tại số đảng viên đã vượt qua con số 5 triệu, tức là gấp hơn 1.000 lần so với thời điểm tháng 8/1945. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào khoảng 5 triệu đảng viên thì không thể thực hiện được cuộc đổi mới này.

Chúng ta cần đến sự tham gia của gần 100 triệu người dân Việt Nam. Vì vậy, vai trò của nhân dân là vô cùng quan trọng, nhân dân chính là động lực, nguồn lực và cũng là nền tảng sức mạnh của Đảng ta. Mọi công cuộc đổi mới, mọi hoạt động của Đảng, tất cả đều hướng đến việc phục vụ lợi ích của nhân dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho họ. Đây chính là phương châm mà Đảng đã đề ra từ buổi đầu thành lập và ngày nay, trong các nghị quyết gần đây, vấn đề này càng được khẳng định mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tất cả các đảng viên, dù ở vị trí nào, từ Trung ương đến địa phương, từ các ngành nghề này đến lĩnh vực khác, đều phải hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Chính nhân dân đã giao phó cho chúng ta nhiệm vụ này, và nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện tốt công việc đó, vì lợi ích và sự phát triển của cộng đồng.

- Đoàn kết là một trong những yếu tố quan trọng để thành công. Vậy theo ông, làm thế nào để xây dựng và củng cố tinh thần đoàn kết trong toàn xã hội, nhất là trong nội bộ Đảng?

- Muốn đoàn kết toàn dân, trước hết phải bắt đầu từ sự đoàn kết trong Đảng. Chúng ta hãy nhớ lại trong Di chúc của Bác Hồ, Người đã nhấn mạnh vấn đề đoàn kết rất nhiều lần. Tuy nhiên, Bác cũng chỉ rõ rằng để đoàn kết thật sự, phải phát huy dân chủ trong Đảng. Chính dân chủ trong Đảng sẽ là cơ sở để xây dựng đoàn kết trong dân, và từ đó sẽ mở rộng ra đoàn kết quốc tế.

Bác đã từng nói “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, trong đó có ba cấp độ: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế. Vì vậy, vấn đề cốt lõi là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, để từ đó xây dựng một Đảng mạnh, lấy dân làm gốc. Đây là điều mà Bác đã nhắc lại nhiều lần trong các bài viết và nghị quyết, nhấn mạnh rằng phải thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng vững mạnh.

- Đổi mới là yêu cầu cấp bách trong mọi lĩnh vực. Theo ông, để đổi mới thành công, chúng ta cần những yếu tố nào? Và làm thế nào để tránh được những rủi ro và hạn chế trong quá trình đổi mới?

- Việc thực hiện cải cách và đổi mới là cấp bách, nhưng chúng ta có thể thực hiện thành công hay không phụ thuộc vào ý chí và nhận thức của mỗi người trong hệ thống chính trị. Nếu có sự quyết liệt và đồng bộ, sẽ không có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hay thiếu sự phối hợp giữa các bên. Mỗi cấp sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình mà không cần chờ đợi từ cấp trên hay cấp dưới.

Để đổi mới thành công, cần tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, từ Trung ương đến các cấp địa phương và người dân. Điều này rất quan trọng vì người dân mong muốn một bộ máy hành chính gọn nhẹ và hiệu quả hơn, thay vì các thủ tục rườm rà. Khi bộ máy hoạt động hiệu quả, người dân sẽ cảm thấy công việc của các cấp lãnh đạo sát thực tế, đáp ứng đúng nhu cầu của họ.

Một thí dụ điển hình là khi một cán bộ được sắp xếp lại công việc, nếu họ hiểu rõ và đồng lòng, họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng, thậm chí có thể làm công việc khác mà không gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu không có sự đồng thuận trong gia đình hoặc xã hội, họ có thể gặp phải sự phản đối, điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyết định. Vì vậy, sự đồng lòng của cả gia đình và xã hội là yếu tố quan trọng giúp thay đổi trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cần có quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo chặt chẽ và nỗ lực từ đội ngũ cán bộ công chức, những người chịu tác động trực tiếp từ thay đổi. Đồng thời, cần giải quyết các vấn đề về cơ chế chính sách, chẳng hạn như chính sách đối với cán bộ và đào tạo nguồn lực. Đào tạo có thể do cá nhân hoặc Nhà nước đảm nhận, và cần có các chính sách rõ ràng để đáp ứng nhu cầu công việc trong tương lai.

Cải cách này không thể thực hiện trong một sớm một chiều, mà cần có lộ trình và các bước đi cụ thể. Vấn đề chế độ chính sách cũng cần được giải quyết dần dần để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả lâu dài.

Tất cả các đảng viên, dù ở vị trí nào, từ Trung ương đến địa phương, từ các ngành nghề này đến lĩnh vực khác, đều phải hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Chính nhân dân đã giao phó cho chúng ta nhiệm vụ này, và nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện tốt công việc đó, vì lợi ích và sự phát triển của cộng đồng.

- Với kinh nghiệm và kiến thức của mình, ông có những dự báo, chia sẻ gì về tương lai của đất nước trong những năm tới?

- Chúng ta đang trong giai đoạn lịch sử mới, với mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đến 2030, Việt Nam sẽ đạt thu nhập bình quân đầu người trên 7.500 USD, và đến 2045, con số này sẽ hơn 12.000 USD. Đây là mục tiêu chung mà toàn Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện.

Tuy nhiên, hiện tại, khoảng 70% ngân sách dành chi thường xuyên, chúng ta còn phải trả nợ nước ngoài nên nguồn chi cho đầu tư phát triển rất ít không thể phát triển nhanh bền vững được.

Vì vậy, cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới đội ngũ cán bộ là yêu cầu cấp bách để phát triển bền vững.

Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan, đơn vị cần hoàn thành kế hoạch cải cách và xử lý các vướng mắc pháp lý trong năm 2025. Việc cải cách tổ chức bộ máy sẽ tác động đến nhiều đối tượng và đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của toàn hệ thống. Mỗi cá nhân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình để góp phần vào thành công chung.

- Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!