- Thưa ông, dù đã có rất nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đã được quyết liệt triển khai, nhưng đến nay có nhiều ý kiến cho rằng quy trình và thủ tục hành chính vẫn chưa thật sự thông thoáng; người dân và doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi làm việc với bộ máy hành chính. Ông có thể chia sẻ góc nhìn về nội dung này?
- Trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, những nỗ lực cải thiện chất lượng của hệ thống hành chính ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chẳng hạn, phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh đã giúp cho cách thức tổ chức, hoạt động của các cơ quan công quyền ngày càng chuyên nghiệp, linh hoạt hơn. Rất nhiều các quy định hành chính rườm rà, các loại “giấy phép con” gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đã được loại bỏ. Về cơ bản, ý thức, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn.
TS Nguyễn Văn Đáng |
Tuy nhiên, cũng phải khách quan nhìn nhận là những chuyển biến như vậy vẫn chưa theo kịp với nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới hiện nay. Trong công việc và cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn có thể dễ dàng chứng kiến những vụ việc, tình huống mà người dân vẫn chưa hài lòng về cách thức, thái độ phục vụ, đâu đó vẫn còn tình trạng máy móc, chậm trễ, tạo cảm giác “hành là chính”, khiến người dân, doanh nghiệp phải vất vả, tốn nhiều thời gian.
Những bất cập của nền hành chính ở nước ta bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, không chỉ bởi những biến động lịch sử, mà quan trọng nhất là trình độ của một nước đang phát triển. Trước năm 1945, nền hành chính thuộc địa chủ yếu phục vụ chế độ thực dân. Từ sau năm 1954 ở miền bắc và từ năm 1975 trên phạm vi cả nước, nền hành chính trong mô hình Nhà nước tập trung, bao cấp trở thành phương tiện để thực hiện vai trò kiểm soát của Nhà nước đối với hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội.
Từ năm 1986, tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế khiến hệ thống hành chính ở nước ta ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Đáng chú ý nhất là tình trạng cồng kềnh về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành chưa linh hoạt, chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ, rườm rà về thủ tục, quy định, kể cả trình độ, ý thức, thái độ, phong cách làm việc của đội ngũ thực thi công vụ… Những vấn đề này đang là một thực tế, đã được nhận thức rõ, thúc đẩy nhu cầu cải cách mạnh mẽ hơn nữa với hệ thống hành chính.
- Năm 2023, Bộ Nội vụ công bố chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Theo đó, có tới 82,6% số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng, ông có thể lý giải điều này?
- Cần khẳng định rằng những kết quả khảo sát, thăm dò xã hội như vậy là cần thiết với một nền hành chính hiện đại. Nhìn vào các chỉ số cao hay thấp, chúng ta có thể cảm nhận phần nào về chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính. Những ưu điểm thì có thể phát huy, hạn chế thì tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, theo tôi, kết quả của một cuộc khảo sát chỉ có giá trị tham khảo chứ không thể phản ánh hoàn toàn chính xác chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính. Các chỉ số ấy có đáng tin cậy hay không thì phải xem xét thiết kế và quy trình khảo sát thế nào, thu thập dữ liệu ra sao, có bảo đảm tính đại diện hay không… Nhìn chung, các cơ quan hay địa phương cần tham khảo nhưng không nên vội vàng coi các chỉ số cao đồng nghĩa với chất lượng tốt hay chỉ số thấp thì nghiễm nhiên khẳng định chất lượng kém. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cần sự thẩm định cẩn trọng và toàn diện thì mới có thể khẳng định về kết quả nào đó.
Chính quyền cần luôn ý thức về sứ mệnh phục vụ lợi ích công để duy trì sự gắn kết xã hội, từ đó tránh sa đà vào phục vụ các lợi ích riêng lẻ, dễ gây bất đồng xã hội.
- Hiện nay, ở một số địa phương đã triển khai việc “chấm điểm” cán bộ, công chức. Theo ông, làm sao để việc này đi vào thực chất, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn?
- Tôi thấy việc “chấm điểm” cán bộ, công chức là cần thiết, không chỉ để thu thập phản hồi của người dân, mà quan trọng hơn còn cho thấy sự đổi mới tư duy theo hướng “vì nhân dân và phục vụ nhân dân” của hệ thống hành chính, công vụ ở nước ta. Trên thực tế, việc “chấm điểm” là công cụ có thể tạo áp lực cho mỗi đơn vị và những người thực thi công vụ, hướng đến cải thiện chất lượng thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ý thức rằng kết quả “chấm điểm” có thể phản ánh những trải nghiệm, ý chí rất chủ quan của mỗi người. Vì thế, vẫn có thể xảy ra tình huống cán bộ làm tốt nhưng vẫn bị chấm điểm chưa tốt vì những lý do ngoài công việc. Do đó, khi nhìn vào các điểm số, người đứng đầu cơ quan phải bình tĩnh, thận trọng với cả những nhân viên bị chấm điểm kém. Thủ trưởng đơn vị cần hiểu rằng điểm số chỉ là một tiêu chí, một kênh để đánh giá cán bộ, công chức. Với những người nhận điểm kém thì cần xác định chính xác lỗi thuộc về năng lực của công chức, hay quy trình xử lý công việc, hay yếu tố nào khác. Chúng ta cần tránh vội vàng, cứ nhận điểm kém thì nghiễm nhiên coi cán bộ, công chức nào đó làm việc yếu kém.
Để giảm sự chi phối của những yếu tố cảm tính cá nhân, tránh hình thức trong việc chấm điểm cán bộ, công chức thì việc “chấm điểm” chỉ nên được thực hiện sau khi cá nhân, tổ chức đã hoàn thành các dịch vụ hành chính. Khi đó, người dân hay doanh nghiệp mới có đủ trải nghiệm tổng thể để nhận xét, đánh giá, và chấm điểm về chất lượng phục vụ.
- Hiện nay, việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số là một trong những giải pháp để cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống hành chính. Thế nhưng, hiệu quả của việc triển khai và sử dụng các công nghệ hiện đại lại phụ thuộc không nhỏ vào năng lực của cán bộ, công chức và người dân. Ông có thể đề xuất giải pháp nào cải thiện tình hình này?
- Chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức cung ứng các dịch vụ công là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, cũng đang được thực hiện rất mạnh mẽ ở nước ta. Việc giảm bớt sự tương tác và can thiệp trực tiếp của con người giúp giảm chi phí, thời gian cho người dân cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, dễ thấy một vấn đề là năng lực áp dụng công nghệ ở nước ta có thể không đồng đều. Cán bộ, người dân ở các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với người dân ở các đô thị miền xuôi. Các nhóm người cao tuổi cũng sẽ khó thích nghi hơn so với các nhóm trẻ. Đầu tư về công nghệ thì rất nhanh, rất dễ nhưng để thay đổi thói quen, chuyển biến về kỹ năng của con người thì có khi mất hàng thập kỷ. Mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải kiên trì triển khai các chương trình áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi số để từng bước cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống hành chính.
- Có quan điểm cho rằng cần coi người dân là “khách hàng” của chính quyền, đó sẽ là một trong những phương thức hướng tới xây dựng chính quyền phục vụ?
- Tư duy ấy khá phổ biến ở nhiều nước phát triển từ những năm 80 của thế kỷ trước, kỳ vọng chính quyền vận hành như doanh nghiệp, cung cấp hàng hóa công, còn người dân là khách hàng. Cách tiếp cận này coi trọng việc vận dụng cách thức làm việc của khu vực tư nhân vào khu vực công, thúc đẩy hợp tác công-tư, thậm chí chuyển giao cho các chủ thể tư nhân một số nhiệm vụ của bộ máy hành chính. Nhờ đó, hệ thống hành chính, công vụ có thể hoạt động linh hoạt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu ngày càng đa dạng trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, chúng ta cũng cần ý thức rõ về những hạn chế của quan điểm coi người dân là khách hàng. Chính quyền cần luôn ý thức về sứ mệnh phục vụ lợi ích công để duy trì sự gắn kết xã hội, từ đó tránh sa đà vào phục vụ các lợi ích riêng lẻ, dễ gây bất đồng xã hội. Quan điểm coi người dân, doanh nghiệp như khách hàng phù hợp xu hướng vận động của xã hội hiện đại cho nên chúng ta có thể áp dụng ở một số lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là các dịch vụ hành chính đơn giản nhưng xã hội có nhu cầu cao thì Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện, có thể chuyển cho các chủ thể tư nhân.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!