Anh bí thư xã xây “miền cổ tích”

Hai năm trước, trong một lần lên với xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) khi chúng tôi vào trụ sở xã, chỉ có vài nhân viên văn phòng đang bận bịu làm việc. Chỉ duy nhất người cán bộ dáng nho nhã thư sinh đón chúng tôi trong căn phòng có gắn biển “Bí thư Đảng ủy Bùi Tiến Sỹ”. Câu hỏi đầu tiên chúng tôi bật ra: “Sao hôm nay trụ sở lại vắng thế anh ?”. “Tại vì các anh điện thoại hẹn trước nên em mới ở trụ sở đón các anh chứ không giờ này em cũng đang ở dưới bản”, Sỹ vừa cười vừa trả lời.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư xã Bùi Tiến Sỹ trong lễ khởi công một công trình giúp Ngọc Chiến khắc phục hậu quả bão số 3 vừa qua.
Bí thư xã Bùi Tiến Sỹ trong lễ khởi công một công trình giúp Ngọc Chiến khắc phục hậu quả bão số 3 vừa qua.

“Muốn dân tin phải về cùng dân”

Dường như sợ chúng tôi không hiểu anh giải thích thêm: Ở Ngọc Chiến, cán bộ xã chúng tôi chỉ gặp nhau đầu buổi sáng, giao ban nhanh công việc rồi anh em đi về với bà con hết, trừ những lúc hội nghị, quán triệt nghị quyết thì đông đủ, còn thì ngày nào cũng thế. Thôi bây giờ chúng ta vừa về bản vừa trao đổi công việc luôn nhỉ? “Chà, ông bí thư xã này có vẻ thú vị đây” vừa nghĩ thầm chúng tôi vừa theo chân Bí thư Sỹ về bản. “Đây là bản Phày, bà con đang tích cực mở rộng lối đi trong bản, tiến tới làm bản du lịch thì đường sá phải sạch sẽ, thoáng rộng”, Bí thư Sỹ chỉ tay về phía trước. “Đấy, anh áo xanh kia là Lò Văn Thoa, Phó Chủ tịch xã đang bám sát cùng anh em cán bộ bản theo dõi việc thi công, có khó khăn gì phát sinh là Phó Chủ tịch trực tiếp giải quyết luôn. Đã phân công cụ thể như thế rồi”.

Buổi gặp Sỹ lần đầu hai năm trước là như thế. Chúng tôi đã cùng anh Bí thư xã trẻ trung, năng động đi qua khá nhiều bản làng của xã Ngọc Chiến và anh Bí thư trẻ ấy đã cho chúng tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Hỏi ra, Sỹ kể: Trước đây tôi là Chánh Văn phòng Huyện ủy Mường La, sau đó, khi thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ về cơ sở, năm 2019, Sỹ viết đơn xung phong về đây, Ngọc Chiến khi đó vẫn là xã rất khó khăn của huyện vì ở rất xa trung tâm. “Như vậy cũng mới về hơn ba năm thôi, sao Bí thư có vẻ rất hiểu vùng đất này?”, chúng tôi hỏi. Sỹ cười: “Nếu tính như thế thì phải 20 năm các anh ạ”. Hóa ra từ năm 2004, sau khi tốt nghiệp khoa Văn Sử, Trường đại học Tây Bắc, Sỹ đã về làm thầy giáo ở Trường trung học cơ sở xã Ngọc Chiến. Vùng đất Ngọc Chiến xa xôi heo hút khó khăn vây bủa này không ngờ lại là môi trường để người thầy giáo trẻ tôi luyện và thể hiện năng lực, bản lĩnh. Sau ba năm về trường, năm 2007, thầy giáo Bùi Tiến Sỹ được vinh dự trở thành đảng viên. Cấp trên cũng nhìn ra năng lực công tác ở thầy giáo trẻ này, cho nên năm 2009, Bùi Tiến Sỹ chuyển về Liên đoàn Lao động huyện và năm 2011 trở thành Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, sau đó một thời gian được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng huyện ủy, đến năm 2019 thì “đi cơ sở”. Nói là đi, nhưng thật ra với Sỹ đây là cuộc trở về với Ngọc Chiến, vùng đất mà khi vừa bước vào tuổi 20 anh đã chọn là quê hương thứ hai trong vị trí một nhà giáo. Rồi dài theo hành trình cống hiến và phấn đấu, anh lại thể hiện vai trò đứng đầu của một Bí thư Đảng ủy xã.

Cổ tích từ từng câu chuyện cụ thể…

Sẽ rất khó để kể hết những gì mà Bí thư Sỹ đã làm cho Ngọc Chiến, nhưng nếu phải kể điều lớn nhất thì điều đó gói gọn lại trong mấy chữ “tận tụy vì dân”. Ngay khi vừa nhận nhiệm vụ Bí thư xã, Sỹ đã lập ngay 15 tổ công tác, thành viên mỗi tổ chính là những đảng viên trong bộ máy đảng ủy, chính quyền và đoàn thể. Ngọc Chiến có 15 bản, mỗi tổ sẽ phụ trách một bản với mục tiêu cụ thể: “Ngày thứ 7 về với dân”. Hằng tháng, vào ngày thứ 7 tuần cuối tháng, các thành viên tổ công tác đến bản được phân công phụ trách. Những đảng viên trong tổ sẽ trực tiếp làm việc, ăn, ở cùng với dân. Trong câu chuyện bản làng, các tổ viên chính là những “tuyên truyền viên” phổ cập đến tận người dân chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Về với dân cũng là nắm bắt tình hình ở mỗi bản, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân rồi cùng dân thảo luận, tìm hướng giải quyết hợp tình hợp lý. Cũng từ thực tế mỗi bản, mỗi hộ dân, tổ công tác sẽ cùng cán bộ thôn bản xây dựng kế hoạch nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cho tháng sau, cho từng quý.

Nhờ cách làm cụ thể, rốt ráo và đặc biệt rất gần dân nên người dân ở Ngọc Chiến rất tin tưởng cán bộ, tự nguyện và tích cực trong các dự án làm sạch đẹp thôn bản.

Như chuyện mở rộng đường qua bản, từ chỗ chưa tới 2 mét mặt đường lên tới 6-8 mét, chắc chắn đất của các hộ dân phải bị ảnh hưởng. Mà đây là dự án tự phát nên làm gì có kinh phí đền bù? Vậy thì phải nhờ dân tình nguyện hiến đất. Muốn dân hiến đất, cán bộ đảng viên phải làm gương. Thế rồi đường đi lối lại được mở rộng phong quang, có đèn điện chạy bằng năng lượng mặt trời đêm đêm tỏa sáng cả bản, tệ nạn giảm đi, trật tự trị an được ổn định, bà con yên tâm. Cứ như thế, từng bước, từng bước, khi “ý Đảng hợp lòng dân” thì câu chuyện phát triển kinh tế-xã hội của Ngọc Chiến là tất yếu.

Cứ mỗi lần trở lại với Ngọc Chiến, càng nhận ra ở anh Bí thư xã nguồn năng lượng sáng tạo quá dồi dào. Tôi ấn tượng mãi với bản báo cáo kinh tế-xã hội của địa phương mà Bí thư Sỹ đưa cho. Mấy trang giấy không có những câu chữ hành chính như thường thấy mà đó là những gạch đầu dòng cụ thể đến từng chi tiết, ví như chủ trương về giao thông, báo cáo ghi: “Thành lập các tổ tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất, giải tỏa hành lang giao thông, làm đường bê-tông…” kèm theo đó là số km đường đã làm. Cách thực hiện từng tuyến như thế nào. Như nhóm chủ trương về lĩnh vực kinh tế: “Một: Giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã huy động xóa nhà tạm, mỗi năm xóa ít nhất 5 nhà (nhưng thực tế số nhà tạm được xóa lên đến gần 20 hộ/năm-PV). Hai: Tuyên truyền vận động nuôi đại gia súc, để đáp ứng việc này phải đạt diện tích cỏ voi (để chăn nuôi) có diện tích tăng cụ thể mỗi năm…”. Rồi các chỉ tiêu về văn hóa, du lịch với 20 đầu việc, về môi trường với 5 đầu việc… Rõ ràng, mạch lạc, chi tiết, khi đi kiểm tra cứ lấy số liệu được giao ra để đối chiếu thực tế, cụ thể đến từng đoạn tường, bờ rào gắn đá cuội lấy từ suối thay cho tường xây bằng bờ lô khô cứng thiếu mỹ quan. Cụ thể tới từng khóm hoa mầu gì để hợp với mầu đá trên bồn hoa, cụ thể tới từng việc nhỏ như khi đến chia buồn đưa tang với các gia đình không nên bày ra ăn uống (một hủ tục lâu đời) vừa ảnh hưởng kinh tế vừa lãng phí thời gian và công việc.

Chính nhờ cách làm cụ thể, chi li tới từng đầu việc như thế, nên diện mạo của Ngọc Chiến đã thay đổi từng ngày.

Hoàn lưu cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại cho cả khu vực Tây Bắc, Ngọc Chiến cũng bị thiệt hại nặng nề, nhưng Ngọc Chiến cũng là địa phương phục hồi sau bão nhanh chóng nhất nhờ vào sự năng động của anh Bí thư xã. Trên trang cá nhân của mình anh Sỹ thông báo tình hình địa phương, cập nhật thiệt hại từng hộ. Và thay vì “gì cũng xin”, anh thông báo cần nhất là xi-măng. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn tấn xi-măng đã được gửi hỗ trợ cho Ngọc Chiến. Những người hỗ trợ hầu hết ở tận Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Họ là những du khách, đã từng đến với Ngọc Chiến, mến cảnh mến người… nên khi Ngọc Chiến gặp thiên tai, những du khách ấy đã không thể làm ngơ.

Khi nhìn những tấn xi-măng mình đã quyên góp được từ tấm lòng bè bạn chuyển lên cho Ngọc Chiến, Bí thư Sỹ đã làm một việc khiến chúng tôi cảm động: Xi-măng của ai tặng, phục vụ sửa chữa cho công trình nào đều có in một tấm biển ghi tên ân nhân kèm lời cảm ơn. Người tặng khi gửi tặng không ai mong ghi lại tên tuổi. Nhưng cách mà người nhận tri ân các ân nhân lại khiến người ta tin tưởng và cảm động. Và tôi hiểu đó là cách ứng xử rất tình nghĩa của người đứng đầu Đảng bộ xã Ngọc Chiến. Cũng như chính anh hơn 5 năm trước, từ cương vị Chánh Văn phòng huyện ủy đã xung phong về đây, một địa phương nghèo khó heo hút cách biệt để làm cho Ngọc Chiến được như hôm nay.

Ngọc Chiến bây giờ đã trở thành một điểm sáng của Sơn La, của Tây Bắc. Đó chính là cách Bùi Tiến Sỹ tri ân với vùng đất tuổi trẻ, nơi 20 năm trước, chàng cử nhân sư phạm quê lúa Thái Bình bắt đầu hành trình cuộc đời và gắn bó với Tây Bắc, để cùng Đảng bộ và nhân dân nơi đây dựng nên “miền cổ tích” có tên là Ngọc Chiến!

Anh bí thư xã xây “miền cổ tích” ảnh 1

Nhờ sự nhiệt tình và tận tụy của mình, Bí thư xã Bùi Tiến Sỹ đã tìm kiếm cho Ngọc Chiến nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng. Trong ảnh: Khánh thành điểm trường Nậm Nghiệp (bản cao nhất ở Việt Nam) do các môn sinh của Nghĩa Dũng Karate-do tài trợ.