1 Dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, song nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã giữ được đà tăng trưởng rõ nét, đạt kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, như: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thiết lập ngân sách vững chắc, dự trữ ngoại hối dồi dào, tạo dư địa để bổ sung các gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế... Đây là những nỗ lực vượt bậc, tăng cường tiềm lực đất nước được các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Khảo sát nhanh gần đây cho thấy, tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều sau thời gian dài liên tục gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, suy thoái kinh tế đến thiên tai. Cụ thể, thể hiện niềm tin được củng cố, tăng cường: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực” về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so kỳ khảo sát trước. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao công tác lập pháp trong năm qua.
Thực tế, lâu nay vẫn còn không ít cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thật sự đáp ứng yêu cầu… Và vấn đề là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần điều kiện gì, môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh như thế nào để phát triển, vươn lên?
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, để đất nước phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn thì cần cấp bách tháo gỡ thể chế, chính sách, thủ tục hành chính. Khi những “nút thắt” về cơ chế, chính sách, các thủ tục đầu tư sản xuất kinh doanh được tháo gỡ kịp thời, doanh nghiệp sẽ yên tâm đẩy mạnh đầu tư hơn, mở rộng quy mô hoạt động, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu và phát huy được mọi nguồn lực vốn có để vươn lên, phát triển mạnh mẽ hơn.
Ở góc nhìn của một doanh nhân, ông Thắng cho rằng, doanh nghiệp và người dân đều kỳ vọng và tin tưởng, nhất quán chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, Đảng và Nhà nước có quyết sách thúc đẩy nhanh việc hiện thực hóa khát vọng phát triển luôn thường trực trong tâm mỗi người dân Việt Nam.
Cụ thể, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, kiên định mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại; bảo đảm khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vừa qua, ngoài chín dự án luật đã được Chính phủ trình Quốc hội theo quy trình hai kỳ họp, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình bảy dự án luật và ba dự thảo nghị quyết quan trọng, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp. Đây là điểm đột phá mạnh mẽ trong công tác lập pháp, thể hiện rõ tinh thần do dân, vì dân.
2 Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, hoạch định cơ chế, chính sách vĩ mô, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng tôi luôn ý thức rõ việc tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, theo tinh thần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể”.
Chia sẻ về cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV là một kỳ họp với khối lượng công việc rất lớn. Cả Chính phủ và Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đều đã quyết liệt để có thể trình ra Quốc hội những dự luật có tính chất tháo gỡ ngay các khó khăn trong thực tiễn.
Minh chứng rõ nét là với 18 luật, 21 Nghị quyết đã được thông qua, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp Quốc hội có số lượng luật được thông qua lớn nhất, chiếm gần một phần ba (18/61 luật) tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Và nếu tính cả kỳ họp bất thường lần thứ 5 và thứ 7 thì riêng năm 2024, Quốc hội đã thông qua 31 luật, nhiều hơn tổng số luật (30 luật) được ban hành trong ba năm trước đó - ba năm đầu của nhiệm kỳ.
Đây là kết quả của sự nhất quán trong quan điểm và hành động của cả hệ thống chính trị, mà nhất là từ người lãnh đạo cấp cao nhất.
Luôn sâu sát, trăn trở với những khó khăn, thách thức mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt, ngay trong phiên họp lãnh đạo chủ chốt vào ngày 6/8/2024 - phiên họp đầu tiên chủ trì trên cương vị mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh chỉ đạo: một số nhiệm vụ mà toàn Đảng và hệ thống chính trị cần tập trung giải quyết trong thời gian tới là cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp có điều kiện phát triển, hoạt động đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hiệu quả.
Theo ông Thân, cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ những quyết sách mà Quốc hội đã thông qua. Chẳng hạn, tuy chưa phải là sửa đổi toàn diện nhưng những điểm nghẽn mà các kỳ họp trước các đại biểu Quốc hội nêu ra ở nghị trường, từ thực tiễn các địa phương, ngành mình… trong lĩnh vực đầu tư, tài chính đã được sửa đổi dứt điểm nhằm tận dụng tốt cơ hội phát triển đất nước.
3 Là người trực tiếp tham gia và có những đóng góp không nhỏ trong công tác chuẩn bị, xây dựng các dự án luật sửa đổi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Tháo gỡ những vướng mắc, “điểm nghẽn” trong thể chế phát triển tức là giải quyết được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Với quyết sách của Trung ương cũng như Bộ Chính trị về việc xử lý các vướng mắc, “điểm nghẽn” trong hệ thống pháp luật về tài chính vừa qua, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, những nội dung Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa qua sẽ giải phóng nhiều nguồn lực, tạo ra điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, góp phần cải thiện niềm tin của nhà đầu tư và nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 25/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.
Và để thi hành hiệu quả những quyết sách đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có nhiệm vụ ban hành 130 văn bản với 569 nội dung giao quy định chi tiết. Thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới để đạt được hai mục tiêu ở dấu mốc 100 năm.
“Đây là những văn bản quan trọng, quy định nhiều chính sách mới, đột phá, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, những “điểm nghẽn” về thể chế, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung bốn luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung chín luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Dữ liệu... là hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển bứt phá của đất nước, góp phần đưa đất nước tiến nhanh vượt bậc trong giai đoạn mới, xứng đáng là dấu ấn quan trọng trước thềm kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.