Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS, TS Hà Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh để phần nào hiểu thêm về hành trình tháo gỡ khó khăn cho dân của những người cán bộ đã dũng cảm đi đầu, đặt những viên gạch nền cho công cuộc Đổi mới lịch sử của Đảng ta (với dấu mốc chính thức tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986).
PGS, TS Hà Minh Hồng |
- Thưa ông, nhìn lại thời điểm của những cải cách đầu tiên về cơ chế quản lý được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh những năm đầu sau giải phóng, ông có thể lý giải nguyên do đã thúc đẩy Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đi đến những quyết sách hết sức táo bạo, chỉ đạo Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh vượt quy định, mua gạo ở địa phương khác về cung cấp cho dân?
- Cần nhìn nhận, những quy định đó là cần thiết trong thời chiến, để bảo đảm sự bình ổn trong điều kiện của chiến tranh, nhưng kéo dài nó đến sau khi kết thúc chiến tranh thì lại gây nên hệ lụy. Sự chủ quan chính là nguyên nhân sâu xa của những sai lầm, là nguyên nhân sâu xa của việc cơ quan chức năng tự tạo nên những rào cản cho mình, để rồi cuối cùng buộc những người khác muốn tồn tại thì phải vượt qua những quy định đó.
Thật ra lúc đó, cái mà những người “phá rào” nghĩ đến là cuộc sống của người dân, nghĩ đến cái ăn của người dân, nghĩ đến sự sống còn của người dân. Vùng đất Sài Gòn vốn chưa bao giờ bị đói mà lúc đó gần bốn triệu dân thành phố, có thời điểm gạo dự trữ trong kho chỉ còn đủ vài ngày, trong khi cả vùng đồng bằng đầy lúa gạo mà bị ngăn trở không đưa về được, giá cả thì phải theo quy định - những điều đó đi ngược lại quy luật tự nhiên. Bản thân ông Võ Văn Kiệt và gia đình, con cái của ông cũng ít nhiều bị đói. Nó thiết thực như vậy, chứ đâu cần phải chờ đến báo cáo nào. Cũng là sự ngẫu nhiên của lịch sử, khi ông Võ Văn Kiệt được giao làm Bí thư ở chính nơi ông đã từng chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân, họ là những người từng cùng ông vào sinh ra tử, nên ông có sự thôi thúc đặc biệt. Táo bạo nhưng không phải liều lĩnh. Đó là một tinh thần, một ý chí, một bản lĩnh: Dám làm dám chịu, dám đấu tranh, dám thuyết phục để bảo vệ cho cái đúng. Bản thân những con người trong bộ máy làm cùng ông Võ Văn Kiệt cũng thấu hiểu cái tâm và cái tầm của ông.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy rằng, ông Võ Văn Kiệt không phải là chuyên gia của một lĩnh vực cụ thể nào, nhưng ông có khả năng tìm kiếm, tập hợp các chuyên gia. Cái tài của ông là kết nối được họ, thu hút họ cùng làm với mình.
- Khả năng đó có căn nguyên từ đâu, thưa ông?
- Một niềm tin rất lớn với nhân dân. Chỉ cần họ tìm đến, mong muốn được đối thoại với Bí thư thành ủy là ông tin. Phong cách lãnh đạo đó của ông Sáu Dân (bí danh của ông Võ Văn Kiệt) đến bây giờ chúng ta có thể nhận thấy, đó là bản lĩnh. Chính phong cách đó đã giúp ông quy tụ được một đội ngũ có nhiều tầng lớp, hiểu ông và muốn góp sức, chia sẻ với ông. Thực tế, mỗi con người, dù có thể có ẩn sâu bên trong, đều có mong muốn góp sức cho dân, cho nước. Và ông Võ Văn Kiệt đã khơi được mong muốn chính đáng đó trong rất nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau của thành phố.
- Bắt đầu là câu chuyện giải quyết cái đói cho dân, rồi mới dịch chuyển dần sang những vấn đề về cơ chế sản xuất, kinh doanh… có thể nói, trong sự chuyển động điều chỉnh cơ chế ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày đó, yếu tố vì dân thể hiện rất rõ - do nhu cầu quá bức thiết. Theo phân tích của ông, thời điểm ấy thành phố có thể được xem như một phòng thí nghiệm điều chỉnh, thay đổi cơ chế, tạo ra mô hình?
-Thật ra thì thời điểm đó đội ngũ cán bộ của thành phố cứ làm thôi, mang tính chất thực nghiệm. Vì nếu là thí nghiệm tức là ta muốn đạt đến một mục đích nào đó, nhưng thực tế thì tất cả chưa nghĩ xa đến thế, mà chỉ nghĩ đến việc giải quyết những vấn đề đang hiện hữu trong đời sống của người dân, vừa làm vừa điều chỉnh.
- Đặt một giả thuyết, nếu thời điểm đó đồng chí Võ Văn Kiệt không phải là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thì liệu chúng ta có những thay đổi đột phá như vậy không?
- Nếu không có Võ Văn Kiệt thì sẽ có người khác làm nhiệm vụ lịch sử đó. Những con người lịch sử sẽ xuất hiện ở những thời điểm lịch sử. Ở đây, chúng tôi nhận thấy có một sự đồng bộ mà ta cần phải kết nối nó vào, ông Võ Văn Kiệt đã nói một câu mang ý nghĩa phương châm: Trên cơ sở đường lối đúng, cứ làm đi, sự vật, sự việc sẽ chỉ cho ta cái cách trả lời. Sự táo bạo mới là tư tưởng quan trọng.
Từ trong chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh đã được coi là đầu não - với địch, là chiến trường trọng điểm của ta ở khu vực phía nam. Nơi này có những yếu tố làm nên vị trí địa chính trị rất đặc biệt, có khả năng tác động đến các địa phương khác, các chiến trường khác. Vai trò đầu tàu của thành phố có yếu tố lịch sử như vậy.
- Với những người lãnh đạo từng trải qua chiến tranh, từng vào sinh ra tử như ông Kiệt, cái sống cái chết còn không màng thì việc đặt lợi ích người dân lên trên lợi ích của mình có vẻ là lựa chọn dễ dàng hơn. Nhưng với những thế hệ cán bộ lớn lên trong hòa bình, không bị đặt lợi ích cá nhân trước những lựa chọn sinh tử, làm thế nào để họ có thể đặt quyền lợi của dân, của nước lên trên quyền lợi của mình?
- Trong giai đoạn hiện nay, nhiều khi lợi ích của con người tan hòa vào cái chung. Đó là yếu tố cần được nhận thức rõ hơn, để thúc đẩy tinh thần vì cộng đồng của mỗi người, và của đội ngũ cán bộ, công chức… cũng đồng thời giúp ngăn ngừa những biểu hiện xa rời các giá trị tích cực của người cán bộ. Nhiều cán bộ hiện nay hay nói đến đột phá, nhưng muốn làm được điều đó cần cả một bộ máy dám nghĩ dám làm. Trong khi, bộ máy hiện tại của chúng ta đang có nhiều người không dám làm. Mà không dám làm tức là không dám nghĩ, tức là không dám chịu trách nhiệm, suy cho cùng là sợ bị thiệt hại cho quyền lợi của bản thân.
- Như ông phân tích ở trên, trong điều kiện xã hội hiện nay, có những quyền lợi cá nhân đã hòa vào lợi ích chung. Vậy thì làm thế nào để đội ngũ cán bộ nhận thức được điều đó? Trong khi, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ hiện nay khá nhiều và phức tạp, nhiều tầng nấc, song lại chưa phát huy hiệu quả đáng kể trong đời sống?
- Tôi nghĩ rằng hiện nay chúng ta nói quá nhiều, đến mức lạm dụng. Càng nhiều quy chế, càng nhiều quy định để tách rời, kiểm soát lợi ích chung-riêng, thì người ta lại càng cố công tìm kẽ hở để lách qua, chứ không phải là họ tập trung thực hiện làm tốt quy định.
Đất nước đã hòa bình được 50 năm, đã đến lúc cần thay đổi để tạo ra những thế hệ thật sự mới, nhận thức được vấn đề lợi ích phù hợp sự phát triển của giai đoạn hiện nay.
- Tức là cần phải định vị lại hệ giá trị, thưa ông?
- Đó đúng là điều cần phải được nhìn nhận lại. Mục tiêu phát triển nhắm đến các mốc năm 2030 hay 2045 thì thời gian không còn nhiều đâu. Từ nay cho đến lúc đó nếu chúng ta tạo ra được một thế hệ thật sự mới đã là một thành công. Có phồn vinh được hay không phụ thuộc vào việc chúng ta có tạo ra được một thế hệ thật sự mới hay không - thế hệ có tiếp cận được tinh thần của Sáu Dân hay không. Những thế hệ dám nghĩ-dám làm-dám chịu-dám sống… càng nhiều dám càng tốt.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!