Xóa bỏ giới hạn không gian, thời gian trong điều trị

Đổi mới hoạt động của y tế cơ sở để người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn là điều luôn được ngành y tế quan tâm, thúc đẩy. Một trong những giải pháp đó là khám, chữa bệnh từ xa.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại buổi hội chẩn trên nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại buổi hội chẩn trên nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Giảm tải cho y tế tuyến trên

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên ở nước ta triển khai khám, chữa bệnh từ xa. Theo đại diện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong 16 năm lịch sử hình thành, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh là một trong những điều đáng tự hào nhất của bệnh viện. Hằng tuần, bệnh viện định kỳ tiến hành hội chẩn Telehealth. Đến nay đơn vị kết nối hơn 150 cơ sở y tế, thực hiện hơn 300 buổi hội chẩn, gần 2.500 ca hội chẩn cứu chữa bệnh nhân trong thời gian vàng.

Như bệnh nhân 86 tuổi, tiền sử tăng huyết áp, thỉnh thoảng chảy máu mũi, đau khớp. Tại nhà, ông được một bác sĩ đo huyết áp, nhịp tim, nội soi tai mũi họng bằng thiết bị đặc biệt là một ống nghe. Thiết bị này có khả năng khuếch đại tiếng tim, phát về trung tâm tại Đại học Y Hà Nội. Hình ảnh nội soi cũng được truyền về để các bác sĩ từ xa xem và nghe trực tiếp. Các bác sĩ xem điện tâm đồ, chẩn đoán bệnh mạch vành mạn tính, không có dấu hiệu cấp tính, chỉ cần dùng thuốc, chưa phải cần cấp cứu ngay. Bệnh nhân được kê đơn uống thuốc theo phác đồ trong hai tuần, theo dõi tình hình và sắp xếp đến bệnh viện khi tình trạng chảy máu vẫn còn.

Hay trường hợp bệnh nhân 31 tuổi, ho sốt, tổn thương phổi, lao phổi. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh gửi bệnh án, phim chụp của bệnh nhân, nhờ các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn và cho hướng điều trị. Ngay lập tức, toàn bộ kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng, hình ảnh chẩn đoán của bệnh nhân được chuyển đến Hà Nội qua hệ thống PACS/Tele-radiology. Kết quả xác định tổn thương chính ở nhu mô phổi, có đám tổn thương dạng đông đặc, cùng nhiều tổn thương dạng "chồi cây" do lao, chỉ định cấy đờm làm xét nghiệm để kê đơn điều trị.

PGS, TS Đào Xuân Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh viện đã triển khai đồng bộ hệ sinh thái chữa bệnh gồm quản lý 100% số người bệnh bằng phần mềm điện tử, quản lý xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Đơn vị sử dụng 100% bệnh án điện tử, khám bệnh điện tử, quản lý hồ sơ sức khỏe bằng phần mềm tự động. "Nhờ đó, bệnh viện và bệnh nhân có thể tự theo dõi thông tin cá nhân, dễ quản lý và lưu trữ, rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh. Bệnh án có thể sao lưu lâu dài và dễ dàng truy xuất", TS Thành nói.

Tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0

Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025, hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Theo Trung tâm thông tin y tế, Bộ Y tế, tháng 9/2020, Bộ Y tế khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa, đến nay có gần 2.000 điểm cầu Telehealth được kết nối từ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên. Từ 24 bệnh viện tuyến trên được chỉ định tham gia mạng lưới đề án khám, chữa bệnh từ xa ban đầu, đến nay đã tăng lên hơn 100 bệnh viện hạt nhân. Không còn giới hạn về không gian trong khám, chữa bệnh, cũng không có người dân nào bị bỏ lại phía sau là mục tiêu lớn của đề án này. Cùng đó, giúp các y, bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị các bệnh nhân nặng.

Trong năm 2023, Bộ Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện công lập triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth), giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng và giảm tải cho y tế tuyến trên. Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) bày tỏ hy vọng nền tảng này có thể kết nối, thống nhất, chia sẻ bảo mật dữ liệu giữa các hệ thống bệnh án điện tử, phòng mổ, hệ thống xét nghiệm, hệ thống lưu trữ chẩn đoán hình ảnh… của các bệnh viện, nhằm phục vụ tốt hơn cho việc khám, chữa bệnh, hội chẩn từ xa, để các chuyên gia đầu ngành có thể hỗ trợ các tuyến cơ sở nhanh chóng, chính xác nhất.

Thứ trưởng Y tế Lê Đức Luận đánh giá, chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu đối với ngành y tế và Telehealth (khám bệnh từ xa) là điểm sáng đi đầu. Nhờ đó, người dân được bác sĩ tư vấn đúng, tránh tự đoán mò hoặc đến quầy thuốc tự mua thuốc chữa trị. Song, chuyển đổi số vẫn còn một số hạn chế về trang thiết bị, vướng mắc về nguồn lực, ngân sách.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục rà soát và hoàn thiện chính sách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh; xây dựng, hoàn thiện Thông tư kê đơn thuốc điện tử; khám, chữa bệnh từ xa, giá khám, chữa bệnh từ xa, hội chẩn… Vì thế, các bệnh viện cần thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế về công nghệ thông tin và chuyển đổi số; quan tâm hàng đầu thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hệ thống nâng cao năng lực cho đội ngũ công nghệ thông tin bệnh viện.

Có thể nói, khám, chữa bệnh từ xa, ngoài việc bắt nhịp với dòng chảy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, còn là giải pháp nhân văn, xóa mờ khoảng cách và tạo sự bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân.