Vì một Việt Nam hóa rồng

Việt Nam được xem như điểm đến cho các dịch vụ chuyển đổi số hay chuyển đổi xanh, và cũng là đất nước lý tưởng để thử nghiệm những ý tưởng mới, ứng dụng công nghệ mới. Đó là nhận định mà Phó Tổng giám đốc FPT Phạm Minh Tuấn chia sẻ cùng Nhân Dân cuối tuần, khi nói về yếu tố xác lập vị thế quốc gia trên trường quốc tế, cũng như cơ hội của các doanh nghiệp, trong đó có FPT.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Tổng giám đốc FPT Phạm Minh Tuấn.
Phó Tổng giám đốc FPT Phạm Minh Tuấn.

Khi mới đảm nhận chức vụ Chủ tịch FPT Japan, ông Toru Tanihara (từng là Tổng giám đốc của SCSK thuộc Tập đoàn Sumitomo danh tiếng) rất hào hứng tìm kiếm xem FPT có "bí kíp" gì để phát triển gấp cả chục lần các công ty Nhật Bản. Sau tám tháng làm việc, ông chỉ thấy điểm khác biệt nhất: "Khát vọng", hay cụ thể hơn là tinh thần "Máu lửa, quyết chiến"!

Ông Tuấn chia sẻ với chúng tôi và tiếp tục lý giải: tinh thần "Máu lửa, quyết chiến" không chỉ nằm ở tầng lãnh đạo mà lan tỏa xuống tất cả các cấp, đến cả các nhân viên ở cấp thấp nhất. Đây có thể được xem như bộ gen đặc biệt của người FPT. Ông Toru Tanihara khẳng định chính tinh thần ấy giúp người Việt luôn phải học hỏi, mày mò, sáng tạo, để biết cách vượt qua mọi thách thức trên hành trình phát triển của mình. Khát vọng lớn của những người đứng đầu cũng đã giúp khơi dậy lòng tự hào dân tộc, niềm khát khao vươn lên khẳng định bản thân, quyết tâm để hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Chính Khát vọng đưa FPT từ số 0 đến vị thế hôm nay

- Ông có thể chia sẻ một vài khoảnh khắc đáng nhớ nhất, về những giai đoạn khó khăn mà bản thân và tập đoàn đã phải vượt qua?

- Cột mốc một triệu USD doanh số đầu tiên vào năm 2002 thật sự đầy cảm xúc, khẳng định phần mềm FPT có thể tồn tại và phát triển được cho thị trường toàn cầu. Trước 2002, nhiều lãnh đạo cấp cao của FPT thậm chí đã nhiều lần "cãi nhau", để xem có nên chấm dứt việc "đốt tiền" cho các hoạt động phần mềm sau nhiều năm thua lỗ tại nước ngoài không. May mắn là số người ủng hộ vẫn nhiều hơn, và sau nhiều lần chết đi sống lại, công ty đã vượt qua cột mốc một triệu USD trong năm 2002, và có thể tự quyết định vận mệnh của mình trên hành trình ra biển lớn tiếp theo.

Cột mốc 10 triệu USD rồi 40 triệu USD nhanh chóng được vượt qua. Tiếp đó là khoảng thời gian vật lộn để chinh phục nấc thang 100 triệu USD. FPT đã mất sáu năm trời để vượt qua cột mốc 100 triệu USD. Năm 2011, sóng thần xảy ra ở Nhật Bản, khi các nước kêu gọi công dân của mình trở về, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã bay ngay sang nước bạn để đến gặp từng khách hàng với lời cam kết: "Chúng tôi sẽ ở lại cùng các bạn và hoàn thành tất cả các hợp đồng". Nhờ thế, FPT đã lấy được niềm tin của khách Nhật, và thị trường Nhật phát triển mạnh mẽ những năm sau đấy góp phần đưa FPT vượt cột mốc 100 triệu USD vào năm 2013.

Dịch Covid-19 bùng phát cũng chưa từng có tiền lệ. FPT lúc ấy ký được hợp đồng kỷ lục gần 200 triệu USD ở thị trường Mỹ và rất cần người sang tiếp quản, triển khai. Tất cả các chuyến bay thương mại về Việt Nam ở thời điểm này đã bị cấm. Trong hoàn cảnh đó, nhiều bạn trẻ FPT vẫn xung phong thực hiện bản hợp đồng lịch sử. Họ lên đường với tấm vé một chiều, không hẹn ngày trở về.

- Thưa ông, xuyên suốt chặng đường phát triển, FPT đã xây dựng, nâng tầm và nuôi dưỡng giấc mơ lớn của mình như thế nào?

- Để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu phần mềm, ngay từ những ngày đầu, FPT đã xây dựng và thúc đẩy ba hướng kinh doanh chính, bao gồm: công nghệ, giáo dục đào tạo, và viễn thông. Các hướng kinh doanh này giúp bảo đảm nguồn nhân lực cũng như hạ tầng cho việc tăng trưởng nhanh và bền vững của FPT trong nhiều năm. Về thị trường, FPT xác định phát triển các thị trường dựa trên cả hai yếu tố năng lực công nghệ và hòa hợp văn hóa với từng khu vực. Nhờ đó, FPT luôn có được sự tăng trưởng cân bằng dựa trên ba trụ cột: Nhật Bản, Mỹ, châu Á -Thái Bình Dương. Sắp tới, FPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thị trường châu Âu, để biến nơi đây trở thành trụ cột thứ tư của mình.

Để hiện thực hóa giấc mơ trở thành tập đoàn toàn cầu, FPT xác định con người là yếu tố quan trọng nhất. Nhằm tập hợp lực lượng, các anh tài trên toàn cầu cho mục tiêu tăng trưởng bền vững, FPT cam kết ba giá trị cốt lõi cho các thành viên của mình:

Thứ nhất, nhiệm vụ thách thức. Ngoài môi trường làm việc hay mức thu nhập, người trẻ cần những nhiệm vụ thách thức để thỏa mãn khát vọng, sự sáng tạo và sự phát triển nhanh chóng của bản thân. Thứ hai, không ngừng học hỏi và trưởng thành. Và thứ ba, khi bạn đã thành công ở FPT, bạn phải thành công ở mức toàn cầu.

Vì một Việt Nam hóa rồng ảnh 1

Đa dạng hóa nguồn nhân lực - đòi hỏi tất yếu từ việc mở rộng quy mô quốc tế.

Bồi đắp tương lai

- Để củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế, FPT có chiến lược phát triển, đào tạo, phân bổ và quản lý nguồn nhân lực như thế nào, thưa ông?

- Đầu tiên, FPT đã xác định phải đa dạng hóa nguồn nhân lực: dự kiến đến năm 2035 sẽ có khoảng 75% nhân viên là người Việt và 25% đến từ bên ngoài. Khi FPT trở thành tập đoàn toàn cầu, chúng tôi đặt mục tiêu kết hợp tiềm lực của người Việt với kinh nghiệm cũng như sự am hiểu về môi trường kinh doanh của những người bản địa, để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Từ đó, FPT có thể thuyết phục khách hàng giao cho những đề án lớn và làm trọn gói (từ khâu tư vấn cho đến phát triển, triển khai vận hành).

Thứ hai, phải liên tục ứng dụng các công nghệ mới. Các phần mềm Trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy, đào tạo và học tập... giúp thúc đẩy quá trình học tập diễn ra mọi lúc mọi nơi, bất cứ khi nào xuất hiện nhu cầu. Và thứ ba, Kỹ năng mềm - khả năng giao tiếp, tư vấn để chinh phục các đối tác và khách hàng trong các đề án lớn.

- Theo ông, Việt Nam sở hữu những điểm mạnh gì về chất lượng nguồn nhân lực?

- Việt Nam có nguồn nhân lực đông đảo, trẻ, chịu khó học hỏi. Ngày càng có nhiều bạn trẻ học STEMs (các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) phù hợp với ngành công nghệ thông tin.

Đồng thời, sự gắn kết giữa các trường và doanh nghiệp đã tốt hơn rất nhiều. Các trường hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường về định hướng hoặc điều kiện học tập. FPT có mối quan hệ chặt chẽ với khoảng 50 trường và thường xuyên cung cấp giáo trình đào tạo, nhằm giúp các trường đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu của ngành phần mềm.

- Ông từng khẳng định: Bản thân chỉ "yêu một người (FPT), lấy luôn người ấy và sống đến giờ". Đây dường như là điểm khác biệt so với thế hệ Gen Z hiện tại?

- Đầu tiên là công việc thách thức, thỏa mãn khát vọng và đam mê trên hành trình tiến ra biển lớn. Tiếp đó, tôi được là chính mình trong quá trình chinh phục đỉnh cao và hiện thực hóa giấc mơ.

Ngoài ra, ở FPT, chúng tôi hay dùng từ "đồng bọn", nghĩa là bản thân muốn thuộc về nhóm đó, không phải vì trách nhiệm, không bị ràng buộc.

Tôi vẫn nhớ có một câu chuyện thế này: Lần họp cuối với cấp cao nhất của Hitachi Soft sau hai năm ròng làm việc, trong bữa tối, chúng tôi được đề nghị hát bài hát của Tập đoàn trước khi ra về. "Cả bọn" tám người đồng thanh hát và ngạc nhiên thay, vị CEO Hitachi Soft bấy giờ đã quyết định ký với chúng tôi một hợp đồng thử nghiệm.

Và ông đã giải thích với chúng tôi trong cuộc gặp lại sau 10 năm: "Khi cả tám người không cần nhìn giấy hay màn hình karaoke, đó chính là khả năng làm việc nhóm, là sự gắn kết giữa các thành viên". Chính hình ảnh ấy đã làm ông tin vào sức mạnh tập thể của người Việt Nam.

Từ "con số 0" ở thị trường nước ngoài đến cột mốc một tỷ USD, đó là niềm tự hào không chỉ của riêng FPT mà còn là của cả ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Cứ đi rồi sẽ có đường, cứ "Máu lửa, quyết chiến" rồi sẽ thành công. Tôi tin đất nước sẽ còn nhiều "công ty tỷ đô" trong tương lai.
Phó Tổng giám đốc FPT Phạm Minh Tuấn

Vị thế Việt Nam

- Sau cột mốc một tỷ USD, FPT hướng tới mục tiêu gì tiếp theo, thưa ông?

- Trong 5 năm qua, mục tiêu chúng tôi luôn hướng tới cột mốc một tỷ USD. Nhưng giấc mơ to lớn đằng sau là trở thành công ty đẳng cấp thế giới. Quy mô doanh số một tỷ USD, thật ra, là một cột mốc mang tính lịch sử trên hành trình hiện thực hóa giấc mơ của mình. Và ở chặng đường tiếp theo, chúng tôi sẽ đưa FPT lên đẳng cấp thế giới với thật nhiều cột mốc 5 Giga (từ nội bộ FPT chỉ về Thị trường tỷ USD, Chuyên ngành tỷ USD, Lợi nhuận tỷ USD, Hợp đồng tỷ USD, Khách hàng tỷ USD). Đây chính là những cột mốc tiếp theo cần phải chinh phục, tạo động lực để bứt phá hơn nữa trong thời gian tới.

- Là một trong những cá nhân đã góp sức đưa FPT "chạm vào lịch sử", ông nhìn nhận thế nào về vị thế của con người và đất nước Việt Nam?

- Bên cạnh lợi thế về nguồn lực, vị thế địa chính trị giúp Việt Nam được làm bạn với các quốc gia trên toàn cầu. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng đất nước trở thành trung tâm công nghệ mới (new digital hub).

Gần đây, FPT luôn nỗ lực quảng bá đất nước với các khách hàng doanh nghiệp lớn của mình trên toàn cầu. Việc những người nổi tiếng tới thăm và xuất hiện trên các phương tiện truyền thông sẽ kích thích sự tò mò, tìm hiểu về hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam. Bạn bè quốc tế, nhờ vậy, sẽ nhận được những thông điệp toàn diện và đầy đủ hơn. Đây cũng sẽ là cơ hội rộng mở dành cho các công ty như FPT.

- Xin cảm ơn ông!

Phó Tổng giám đốc FPT Phạm Minh Tuấn nhìn nhận về năm mục tiêu tỷ USD và cách thức chinh phục.