Dấu mốc cho những thành quả lớn lao

Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva năm 1954 đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm ở nước ta, mở ra một chương mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Thắng lợi của Việt Nam đã tạo nguồn cảm hứng và cổ vũ to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp năm châu, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh

70 năm qua, nhiều bài học mà Hiệp định Geneva để lại vẫn còn nguyên giá trị, là động lực lớn cho khát vọng phát triển, đóng góp cho hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh:

Ngọn đuốc soi đường

Sự kiện ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là chiến thắng vĩ đại, thể hiện rõ lòng yêu nước cao cả, đường lối đấu tranh cách mạng độc lập, tự chủ đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đây cũng là dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn của nhân dân ba nước Đông Dương giành hòa bình, độc lập.

Hiệp định Geneva năm 1954 cũng khẳng định rõ tính sáng suốt và linh hoạt của đường lối đấu tranh cả về quân sự lẫn chính trị-ngoại giao, cũng như sự đoàn kết của lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương và các lãnh đạo Đảng ba nước. Đường lối về quân sự là ngừng bắn, rút lực lượng quân sự nước ngoài ra khỏi ba nước và lập lại hòa bình tại Đông Dương. Đường lối về chính trị-ngoại giao là công nhận, bảo đảm hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, Việt Nam và Campuchia, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp tại Đông Dương.

Bài học về đấu tranh tại Hội nghị Geneva và kinh nghiệm trong chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ đã trở thành ngọn đuốc rực cháy, dẫn dắt cách mạng, đấu tranh quân sự và chính trị giải phóng hoàn toàn ba nước Đông Dương. Suốt 70 năm qua, Hiệp định Geneva vẫn còn nguyên giá trị, trong công cuộc bảo vệ hòa bình, xây dựng và phát triển ba nước ngày nay.

Dấu mốc cho những thành quả lớn lao ảnh 1

Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha

Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha:

Vượt qua gian khó ba nước chúng ta tự tin tiến bước

Hội nghị Geneva năm 1954 nhấn mạnh tầm quan trọng về sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới các nước bạn bè và cộng đồng quốc tế đã đóng góp vào việc ký kết Hiệp định Geneva 1954. Thành quả này bắt nguồn từ nỗ lực chung, trong việc giúp tránh khỏi cuộc đối đầu về quân sự do ảnh hưởng của Chiến tranh Lạnh lan rộng.

Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, cả Campuchia, Việt Nam và Lào chưa có được một nền hòa bình ngay tức thì, mà vẫn phải đối mặt những biến cố khó lường, cũng như các cuộc chiến dai dẳng khác nổ ra trong nhiều năm tiếp theo. Tuy nhiên, ba nước chúng ta đã kề vai sát cánh, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như đấu tranh chống tội ác diệt chủng tàn bạo ở Campuchia. Chúng ta tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong các khuôn khổ song phương và đa phương, nhằm khôi phục đất nước và không ngừng phát triển kinh tế-xã hội.

Nhân dân và đất nước Campuchia, Việt Nam, Lào là những nước láng giềng tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt và có truyền thống đoàn kết đấu tranh, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn qua nhiều thời kỳ. Ngày nay, ba nước chúng ta đã bước sang một trang mới trong lịch sử, tự tin tiến lên đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác quốc tế, cũng như phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu nói chung.

Dấu mốc cho những thành quả lớn lao ảnh 2

Ông Grigory Trofimchuk, chuyên gia Nga về chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh:

Những kinh nghiệm quốc tế vô giá

Hội nghị Geneva năm 1954 có ý nghĩa to lớn, là một trong những cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử hình thành, phát triển của nước Việt Nam mới, cũng như tiến trình chính trị của châu Á hiện đại. Điều cần nhấn mạnh là Hội nghị diễn ra sau Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tính quyết định của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Có thể nói, những thành công tiếp theo về quân sự và ngoại giao của Việt Nam đều bắt nguồn từ các sự kiện mang tính huyền thoại năm 1954.

Để Hiệp định Geneva 1954 được ký kết, phái đoàn Việt Nam đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong đàm phán, mang lại những kinh nghiệm quốc tế vô giá và hiện vẫn còn nguyên giá trị. Một thắng lợi to lớn cho toàn bộ Đông Dương và châu Á nói chung là lệnh ngừng bắn và ngừng các hoạt động quân sự. Dù tình trạng này chỉ được duy trì trong thời gian ngắn, song nếu không có những điều khoản này, sẽ không thể mở ra con đường vững chắc dẫn đến phát triển hòa bình.

Với Hiệp định Geneva được ký kết, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập và toàn vẹn lãnh thổ được các cường quốc hàng đầu thế giới công nhận vô điều kiện, đặt nền tảng cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất. Hiệp định Geneva cũng cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở các châu lục khác.

Kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva, thế giới bước vào một giai đoạn khó khăn khác. Điều quan trọng là không được quên những nỗ lực và phương cách giải quyết các vấn đề địa chính trị của thế hệ đi trước. Tôi tin rằng các quốc gia như Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, để đạt được hòa bình lâu dài.