Bất ngờ ngọt ngào ở Abyei

Những cuộc trò chuyện của chúng tôi thường bắt đầu với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các bạn đồng nghiệp Mũ nồi xanh quốc tế đặt rất nhiều câu hỏi về Bác Hồ và Đại tướng, về Điện Biên Phủ, và cả về Hiệp định Geneva, năm 1954 ấy.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tá Madalitso Malata, người có kiến thức rất đáng nể về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva.
Trung tá Madalitso Malata, người có kiến thức rất đáng nể về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva.

Tôi, Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh, hiện đảm nhiệm vị trí sĩ quan tham mưu huấn luyện cấp cao tại phái bộ UNISFA, khu vực Abyei (trên biên giới Sudan và Nam Sudan). Đây là lần thứ hai tôi thực hiện nhiệm vụ trong lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc. Và lần nào, tôi cũng đều cảm nhận được tình cảm sâu sắc mà bạn bè châu Phi dành cho Việt Nam.

“Việt Nam? Xin chào!”

Tôi đặt chân đến Abyei lần đầu vào tháng 10/2023, sau nhiều chặng bay dài, khép lại với ba giờ đồng hồ ngồi trên máy bay lên thẳng. Abyei bắt đầu vào mùa khô, nhiệt độ ngoài trời lên tới 43 độ C, độ ẩm rất thấp. Do mệt mỏi, tôi tụt lại sau cùng. Bỗng tôi chợt nhận ra có bàn tay ai đó đỡ giúp tôi chiếc ba-lô nặng trĩu. Ngẩng lên, tôi bắt gặp một khuôn mặt hoàn toàn xa lạ, trán lấm tấm mồ hôi, trong bộ đồng phục của đội vận chuyển hàng hóa.

Người thanh niên có nụ cười dễ mến ấy không nói được thành thạo tiếng Anh. Nhưng, anh lại thốt lên: “Việt Nam?” và “Xin chào!” với âm điệu rất rõ ràng. Anh ra dấu muốn giúp tôi mang ba-lô. Mắt tôi nhòe đi, và thời tiết thiêu đốt chung quanh bỗng mát rượi. Vì sao anh biết tôi là người Việt Nam? Anh chỉ vào lá cờ trên bộ quân phục của tôi và nhắc lại, rành mạch: “Việt Nam!”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Việt Nam, mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với các nước ở châu Phi, mang đến nguồn cổ vũ to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập. Với Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, châu Phi như được tiếp thêm nguồn sức mạnh dồi dào trong quá trình đấu tranh vì độc lập, tự do. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của đất nước Việt Nam, vì ý nghĩa to lớn và tầm vóc vĩ đại của nó. Những ngôn từ vô cùng quen thuộc, như thể đang ở quê nhà. Song, đây lại là những điều tôi được nghe từ các đồng nghiệp quốc tế, và những người dân nơi tôi làm nhiệm vụ.

Ngày đầu, chào đón tôi là cô bạn có cái tên dễ thương Harriet, nhân viên dân sự người Nam Sudan, đã phục vụ được 5 năm. Nhìn thoáng qua bộ quân phục, cô đã ôm choàng lấy tôi, líu lo: “Tôi vô cùng ngưỡng mộ nhân dân Việt Nam các bạn”, rồi “Bạn có biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp không?”. Tôi ngỡ ngàng: “Sao bạn biết về Đại tướng của chúng tôi?”. Để rồi ngược lại, Harriet cũng ngơ ngác: Sao lại không biết được chứ! “Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là Đại tướng của Việt Nam, mà còn là Đại tướng của châu Phi”, Harriet nhấn mạnh, và giải thích rằng lịch sử Việt Nam có trong chương trình học của cô. Hơn nữa, bố Harriet cũng là người rất ngưỡng mộ Đại tướng. Khi Harriet còn nhỏ, rất khó để tiếp cận tài liệu về Việt Nam, nhưng cô vẫn cố tìm từng bài báo hay từng cuốn sách lịch sử, và đọc say mê. Bạn một câu, tôi một câu, chuyện cứ rộn ràng. Ngày hôm sau, tôi tặng Harriet cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tiếng Anh. Cô bạn cảm ơn không ngớt, bởi “Bố mình chắc cũng sẽ thích lắm”.

Một số đồng nghiệp đến từ Ấn Độ, Bangladesh hay Pakistan… còn cho biết: Để được thăng quân hàm, họ sẽ phải vượt qua các kỳ thi, trong đó có các chuyên đề về Chiến tranh Việt Nam. Chính vì vậy, họ luôn muốn hỏi tôi kỹ hơn về các chiến dịch nổi tiếng của chúng ta, nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ là nói chuyện và trao đổi, mà tôi cứ nghĩ tôi đang trong giờ học Lịch sử Việt Nam, vì khi tôi đưa ra bất cứ chi tiết hay mốc thời gian nào, ngay lập tức các bạn có thể tiếp lời tôi, nói rõ về địa điểm và phân tích khá rành rọt.

Gần như toàn bộ các sĩ quan quân sự, cảnh sát hay nhân viên dân sự ở đây, Abyei, đều nhận ra Quốc kỳ Việt Nam trên bộ quân phục của tôi. Và câu hỏi phổ biến nhất dành cho tôi là: Tại sao

Việt Nam (cũng là một nước thuộc địa nghèo) mà có thể đánh bại được thực dân Pháp, lại giành được thắng lợi lớn như vậy?

Bất ngờ ngọt ngào ở Abyei ảnh 1

Người thanh niên dễ mến, với câu chào rành rọt bằng tiếng Việt.

Geneva – bài ca chiến thắng

Nhưng vẫn chưa hết bất ngờ. Trong một lần nói chuyện với trung tá Madalitso Malata đến từ Malawi, Trưởng phòng nhân sự của lực lượng quân sự tại phái bộ, tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, khi bà dễ dàng đưa ra những số liệu cụ thể, thí dụ: Hơn 25.000 tấn gạo, cùng khoảng 30.000 tấn tổng khối lượng vũ khí, đạn dược cung cấp cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Không chỉ vậy, bà còn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về Hiệp định Geneva “với 75 ngày thương lượng, qua tám phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cùng hàng loạt các hoạt động tiếp xúc ngoại giao”. Bà đúc kết: “Thắng lợi ngoại giao tại Hội nghị Geneva là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập, cũng như khát vọng tự do và yêu chuộng hòa bình của dân tộc các bạn”.

Đặc biệt hơn nữa, là khi tôi cùng đoàn cán bộ Đội Công binh số 2 đến thăm và chúc mừng năm mới ông Chol Deng Alak - Trưởng khu Hành chính khu vực Abyei. Điều bất ngờ đầu tiên ông dành cho chúng tôi khi bước vào văn phòng: Câu chào bằng tiếng Nga: “Здравствуйте, Товарищ!” (Xin chào các đồng chí!). Từ “đồng chí ” được ông Chol Deng Alak

sử dụng trong suốt buổi gặp mặt. Ông chia sẻ rất nhiều ký ức, về những người bạn Việt Nam cùng du học tại Liên Xô những năm 70 thế kỷ trước, và về lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam - điều mà vị Khu trưởng ấy có thể nói say sưa, rành mạch, không dứt…

“Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, việc ký kết Hiệp định Geneva là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và “mỗi nước tham gia Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ...”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam; quân đội Pháp phải rút về nước, miền bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn và vững chắc, để đất nước các bạn bước vào một cuộc trường chinh vĩ đại. Và đây cũng là thắng lợi của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại đúng đắn của dân tộc Việt Nam…”- ông đánh giá. Không chỉ vậy, ông cũng cho rằng Hiệp định Geneva vẫn luôn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia châu Phi. Bởi, trước tình hình quốc tế diễn biến hết sức phức tạp hiện tại, việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột phù hợp luật pháp quốc tế, duy trì môi trường hòa bình, ổn định là hết sức cần thiết.

Sau những câu chuyện ấy, tôi càng tự hào gấp bội khi khoác trên mình bộ quân phục Quân đội Nhân dân Việt Nam. Song, tôi cũng tin rằng đất nước chúng ta được yêu mến không phải chỉ qua những chiến công, mà còn vì những sự trợ giúp, đóng góp, cống hiến của Đội Công binh Gìn giữ Hòa bình Việt Nam gần hai năm qua, với mảnh đất, con người nơi đây. Bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bất chấp hiểm nguy, các chiến sĩ Việt Nam đồng đội tôi đã tận tụy giúp chính quyền và người dân địa phương làm đường, xây phòng học, chống ngập, hỗ trợ y tế, cung cấp nước sạch… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, “đi dân nhớ, ở dân thương” vẫn đang được các chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam tiếp nối, tại Abyei xa xôi, trước bạn bè quốc tế.