PHÓ Thủ tướng cũng đánh giá: Thắng lợi tại Hội nghị Geneva trước hết và quan trọng nhất là nhờ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Thắng lợi này còn là kết tinh của tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và bền bỉ của quân và dân ta trong chín năm kháng chiến mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Thắng lợi còn là kết quả của sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên Xô (trước đây) cùng các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp.
Nhìn lại thời điểm lịch sử đó, Hội nghị Geneva khai mạc ngày 26/4/1954, khi các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam chuẩn bị kết thúc đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, với khí thế tất thắng sôi trào. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, tin Điện Biên Phủ sụp đổ được gửi về Hội nghị. Do đó, sáng 8/5/1954, vấn đề Đông Dương được đẩy sớm lên bàn nghị sự (bởi thực chất, trọng tâm của chương trình nghị sự đang là tình hình chiến sự trên bán đảo Triều Tiên). Phái đoàn Việt Nam, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn (cùng hai phái đoàn Campuchia và Lào) đã có thể ngẩng cao đầu đến dự Hội nghị trong tư thế người chiến thắng.
Tuy vậy, do sự khác biệt giữa lập trường các bên tham gia, sau tám phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp vô cùng cam go, phải đến đêm 20/7/1954, nghĩa là vào phút chót của Hội nghị Geneva, năm trưởng đoàn Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam mới đạt được thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân vùng tạm thời, và thời hạn tổng tuyển cử ấn định là hai năm. Ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở ba nước và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Các bên tham gia Hội nghị nhấn mạnh: “Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó (vĩ tuyến 17) là biên giới chính trị hay lãnh thổ”. Đây là tiền đề, là cơ sở, là sự xác lập tính chính nghĩa rực sáng trên mọi phương diện, cho sự nối dài cuộc kháng chiến giữ nước thần thánh của dân tộc, để có được ngày 30/4/1975 thống nhất, non sông liền một dải, như khát vọng cháy bỏng của triệu triệu đồng bào, của toàn Đảng-toàn dân-toàn quân, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
GIÀNH được thắng lợi to lớn trong bối cảnh phức tạp đến vậy, như Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá: Đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, với nhiều bài học còn nguyên giá trị.
Trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia-dân tộc. Thứ hai, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn kết đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế để tạo nên “một sức mạnh vô địch”. Thứ ba, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Thứ tư, bài học về coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, “biết mình”, “biết người”, “biết thời”, “biết thế” để từ đó “biết tiến”, “biết thoái”, “biết cương”, “biết nhu”. Đây là bài học sâu sắc, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang trải qua những biến động lớn, phức tạp và khó lường. Thứ năm, bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Và thứ sáu, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng.
Những bài học nổi bật ấy đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973, qua gần 40 năm tiến hành Đổi mới, cũng như trong triển khai công tác đối ngoại hiện nay.