Thị trường có triển vọng tăng trưởng tuyệt vời

Từ một đất nước nghèo khó gượng dậy sau chiến tranh ác liệt, trải qua 49 năm kể từ ngày đất nước thống nhất (30/4/1975–30/4/2024), Việt Nam đã trở thành "một thị trường năng động với triển vọng tăng trưởng tuyệt vời" như nhận định của Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle ngày 8/4 vừa qua, khi công bố chỉ số niềm tin kinh doanh quý I/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường có triển vọng tăng trưởng tuyệt vời

Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất

Nếu năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được định giá là 247 tỷ USD, thì năm 2023 đã đạt 498,13 tỷ USD- mức tăng trưởng hai con số về phần trăm giá trị thương hiệu. Theo các nhà quan sát quốc tế, Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019-2023 (102%).

Các thương hiệu viễn thông đóng góp nhiều nhất vào bảng xếp hạng Top 100 thương hiệu mạnh và giá trị nhất Việt Nam, chiếm khoảng 31% tổng giá trị của tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Tổng giá trị thương hiệu của lĩnh vực này là 13,2 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2022. Trong số năm thương hiệu viễn thông giá trị nhất Việt Nam, có ba thương hiệu quốc gia là Viettel với 8,9 tỷ USD, VinaPhone là 800 triệu USD, MobiFone là 800 triệu USD, chiếm 79% tổng giá trị trong Top 5 thương hiệu viễn thông.

Thương hiệu ngân hàng chiếm 30% tổng giá trị tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng Top 100, với tổng giá trị thương hiệu là 12,5 tỷ USD. So với năm 2022, giá trị thương hiệu ngành ngân hàng tăng 47%. Trong số năm thương hiệu ngân hàng có giá trị nhất Việt Nam (đạt 7,4 tỷ USD), có bốn thương hiệu quốc gia là Vietcombank với 1,9 tỷ USD; Agribank là 1,4 tỷ USD; BIDV là 1,4 tỷ USD; Vietinbank là 1,3 tỷ USD, chiếm 81% tổng giá trị của Top 5 thương hiệu ngân hàng hàng đầu.

Xếp ngay theo sau là các thương hiệu ngành thực phẩm và đồ uống, chiếm khoảng 14% tổng giá trị của tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Năm 2023, tổng giá trị thương hiệu của ngành này là sáu tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2022. Trong số các thương hiệu thực phẩm và đồ uống có giá trị nhất Việt Nam (với tổng mức đạt 4,9 tỷ USD), Vinamilk đã chiếm tới 3 tỷ USD, cách khá xa thương hiệu "về nhì" là Habeco (200 triệu USD)…

Từ "không" đến "có" bền vững

Không thể khác, trong một vài thập niên đầu sau chiến tranh, đất nước đã phải trải qua một thời kỳ khó khăn, chật vật tìm hướng đi. Trong mắt cộng đồng quốc tế cuối thập niên 70 thế kỷ trước, Việt Nam chỉ đồng nghĩa với "một dân tộc kiên cường, chiến đấu giỏi". Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật Mặt trời mới, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm làm ăn với đối tác nước ngoài từ những ngày đầu "mở cửa" kể lại rằng, có một sự chia cắt sâu sắc giữa "nội thương" với "ngoại thương". Hàng hóa ngoại nhập vô cùng khan hiếm. Thậm chí tận cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các doanh nhân nước ngoài đầu tiên xông xáo vào Việt Nam thăm dò thị trường thường phải ghé qua Bangkok (Thái Lan) để mua những loại nhu yếu phẩm họ quen dùng…

Thế rồi đường lối Đổi mới ra đời, "đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước", đúng như nhận định khái quát ngắn gọn và chính xác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô GDP của Việt Nam năm 2023 ước đạt khoảng 433,3 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới. Năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam được dự báo đạt khoảng 469,67 tỷ USD.

Luật sư Thành bồi hồi: "Tháng 2/1994, tôi đang dự một cuộc chiêu đãi quốc tế ở Nhà khách Chính phủ thì được tin Mỹ bỏ cấm vận. Tôi nhớ cả hội trường đã reo hò, ôm nhau, chúc mừng nhau thật hồ hởi, phấn chấn". Theo dõi sát sao "nhịp đập" thương trường, ông Thành nhìn nhận: Với mức độ hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã có tới sáu đối tác chiến lược toàn diện với quy mô thị trường cực lớn, tham gia gần 20 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định đa phương. Nhờ đó, vị thế trên bàn đàm phán của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng ngày càng được củng cố vững vàng, cân bằng trước các đối tác.

Không khó để nhận ra rằng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh có mối liên hệ hữu cơ với thương hiệu quốc gia. Ba điểm mấu chốt, có thể ví như ba trụ cột của cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh là thể chế; nhân lực và kết cấu hạ tầng đều đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua, song chưa thật sự đồng đều và nhanh, mạnh như mong muốn.

Trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng vừa qua đã phát triển khá nhanh, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc, cảng biển, sân bay… thì nguồn nhân lực, dù tỷ lệ qua đào tạo đã tăng đáng kể những năm qua, vẫn còn cách xa so với nhu cầu. Đơn cử, số kỹ sư trong ngành bán dẫn hiện mới có khoảng 5.000, trong khi vào năm 2030 ước cần đến 50.000. Cải cách thể chế hướng tới cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, với quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, vẫn còn những khiếm khuyết nhất định, đặc biệt là trong khâu thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật. Không hiếm trường hợp cùng một ngành nghề kinh doanh, cùng một nhà đầu tư, có địa phương chấp thuận, có địa phương lại đòi hỏi thêm nhiều điều kiện khác…

Còn rất nhiều việc phải làm hướng tới mục tiêu khẳng định và không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, nhưng với đường hướng đã được khẳng định, cả nước đồng lòng, thì hành trình nhất định sẽ suôn sẻ.