Viết tiếp trang sử vàng chói lọi

Sắp tới ngày 30/4, kỷ niệm 49 năm Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tôi giở lại những trang hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2023. Đại tướng Tổng tư lệnh đã nhận định trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng có ba "cái mốc chói lọi bằng vàng": Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Điện Biên Phủ và mùa Xuân 1975 đại thắng, mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kỳ tưởng chừng như không thể làm được giữa thế kỷ 20 (sđd, trang 343).
0:00 / 0:00
0:00
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nhìn lại một chặng đường

Từ chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975 đến nay đã nửa thế kỷ trôi qua, nhân loại đã bước vào thế kỷ 21, thiên niên kỷ mới. Đất nước chúng ta đã phải trải qua chiến tranh biên giới Tây Nam, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc, biết bao anh hùng, liệt sĩ đã lại phải xả thân vì dân, vì nước. Thế nhưng, trên mặt trận xây dựng đất nước, những thành tựu vượt bậc cũng đã được ghi nhận, nhất là từ khi Đảng ta khởi xướng công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay, đưa Việt Nam từ một nước đói nghèo, lạc hậu, trở thành nước đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình, có quy mô GDP, theo Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đạt khoảng 433,3 tỷ USD, xếp thứ năm trong khu vực ASEAN, thứ 35 trên thế giới, trong khi quy mô dân số đã đạt 100 triệu người vào năm 2023, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ ba khu vực ASEAN và đứng thứ 15 trên thế giới.

Trở lại giai đoạn trước Đổi mới với biết bao khó khăn thời hậu chiến, khi hạ tầng kinh tế, xã hội, giao thông… bị chiến tranh tàn phá nặng nề ở cả hai miền, thiếu thốn đủ thứ. Ngày đó, trong một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, người dân phải ăn độn, Nhà nước phải chạy ăn cho miền bắc từng tàu chở gạo. Lương thực và nguyên nhiên vật liệu, tư liệu sản xuất đều phải nhập khẩu. Các chính sách cải tạo công thương nghiệp, ngăn sông cấm chợ trong nông nghiệp, lưu thông phân phối, rồi chính sách giá - lương - tiền không mấy thành công, nền kinh tế lại bị bao vây cấm vận, ảnh hưởng từ sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa, sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết…

Thực tế, đó là giai đoạn nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 1981-1985 lần lượt tăng là: 70%, 95%, 50%, 65% và 92%, riêng năm 1986 lạm phát lên tới 775%, nhập siêu 47,6%, nguy cơ bất ổn xã hội cao. Từ đó, chúng ta mới thấy những thành quả hôm nay thật to lớn nhường nào.

Theo đuổi những giấc mơ

Vào thời điểm quan trọng này, không ít người đặt ra câu hỏi: Mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030, rồi nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Đảng ta đã hoạch định, liệu có thành sự thật? Đến lúc đó, rất có thể Việt Nam sẽ tham gia các định chế, tổ chức toàn cầu, như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đó cũng là dự báo khá lạc quan của một số tổ chức định chế kinh tế, tài chính thế giới trên cơ sở phân tích, đánh giá xu thế, tốc độ phát triển của Việt Nam.

Cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế trong cục diện thế giới ngày càng gay gắt, chủ nghĩa bảo hộ thị trường đơn phương, dứt gãy chuỗi cung ứng đang diễn ra khá gay gắt, khó lường. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bề dày truyền thống dựng nước và giữ nước, văn hóa Việt trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, thế mạnh của những đặc tính cần cù, dũng cảm, chịu khó, thông minh của con người Việt Nam, lợi thế so sánh của đất nước, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai tươi sáng đó.

Hơn thế, từ những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đã cụ thể hóa thành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển cho từng ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế. Đặc biệt triển vọng là những ngành kinh tế dựa trên công nghệ mới như công nghệ số, công nghệ xanh sạch, thân thiện với môi trường trong cả công nông nghiệp, thương mại dịch vụ với năng lực sản xuất vượt bậc, mang lại nhiều của cải, vật chất cho xã hội với bội số nhân nhưng vẫn bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường, môi sinh, phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.

Chẳng thế mà chúng ta đang kỳ vọng vào hiện thực hóa giấc mơ về công nghiệp bán dẫn, vi mạch, công nghiệp hydrogen và aminiac xanh, về chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, khi cùng nhân loại bước vào thời đại của trí tuệ nhân tạo, sản phẩm đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tới đây là Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang trong quá trình xây dựng, trong đó yếu tố nguồn nhân lực được đặc biệt coi trọng, để trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất, cung ứng năng lượng sạch, sản phẩm bán dẫn, vi mạch toàn cầu.

Có phát triển được các ngành kinh tế mới này mới có thể nói đến tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai, đến một xã hội giàu có, công bằng, văn minh. Chỉ có như vậy, tiềm lực kinh tế, vị thế vai trò của đất nước trên trường quốc tế mới được không ngừng nâng cao và củng cố, hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc mới được bảo đảm.


Viết tiếp trang sử vàng chói lọi ảnh 1

Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tiếng gọi từ lòng yêu nước

Vấn đề quan trọng nhất là thực thi các chiến lược, kế hoạch này. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào chuyện khung khổ cơ chế, chính sách, pháp luật dài hạn, đáng tin cậy… được xây dựng và hoàn thiện đến mức nào, nhất là đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế hoàn toàn mới mẻ. Có cơ chế, chính sách, pháp luật hoàn chỉnh mới hòng huy động được các nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực tư nhân trong và nước ngoài cho các dự án được lựa chọn ưu tiên đầu tư có tính khả thi cao về tài chính, công nghệ, để phát triển hệ sinh thái tổng thể ngành công nghiệp bán dẫn cũng như năng lượng tái tạo dựa theo lợi thế so sánh quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thế giới đã vô cùng ngưỡng mộ Việt Nam trong cuộc chiến hơn 50 năm trước, nay vẫn đang dõi theo những bước tiến của Việt Nam trên mặt trận kinh tế. Chúng ta tin tưởng rằng đất nước đang viết tiếp những trang sử vàng của mình trên con đường phát triển, xứng tầm cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định.

Nên chăng, trong bối cảnh khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách phát triển kinh tế, quản lý xã hội ngày càng được hoàn thiện thì "Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm!" có lẽ sẽ là phương châm của công cuộc đổi mới lần thứ hai để đất nước thoát khỏi sự trì trệ hiện nay, tránh được "bẫy thu nhập trung bình", sớm hóa rồng.

Một lần nữa, chủ nghĩa yêu nước cần được khơi dậy trong cả thời bình với tinh thần của các bậc tiền bối và biết bao anh hùng, liệt sĩ đã xả thân vì nước, vì dân hơn nửa thế kỷ trước trong cả hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.