Luật Ðất đai (sửa đổi)

Xem xét kỹ lưỡng trước khi thông qua

Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV diễn ra tại Hà Nội các ngày 15, 16 và 18/1, xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, vấn đề được các đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm là thống nhất, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện và thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được các đại biểu bàn thảo kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp. Ảnh: Duy Linh
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được các đại biểu bàn thảo kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp. Ảnh: Duy Linh

VỚI thời gian họp ngắn, tập trung các nội dung cần thiết, ngay sau phiên khai mạc kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua nhiều kỳ họp, Quốc hội luôn nhận định, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án lớn, có tính chất quan trọng đặc biệt, có tác động sâu rộng đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân. Dự thảo đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại ba kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án Luật tại bảy phiên họp, Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề để hoàn thiện dự án Luật. Dự thảo Luật đã được lấy ý kiến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, quá trình hoàn thiện dự thảo Luật đã có sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, chuyên gia.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, chỉ chưa đầy hai tháng, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần này gồm 16 chương và 260 điều, bỏ năm điều và hoàn thiện, chỉnh lý, sửa đổi 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật văn bản). Các nội dung điều chỉnh trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận như: quy định về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền; về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ,…

ĐỂ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng trước khi được thông qua, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan, tránh trục lợi trong hưởng chế độ giao đất tái định cư, bổ sung quy định điều tiết lợi ích từ đất, bảo đảm người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về thu hồi đất,…

Quan tâm đến nội dung về tái định cư, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) bày tỏ đánh giá cao quy định tại Điều 91 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, và Điều 110 về các dự án hỗ trợ tái định cư khi đã cụ thể hóa khá rõ yêu cầu của Nghị quyết số 18 là việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải bảo đảm cho người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Tại các phiên thảo luận trước, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, các Luật Đất đai trước đây đến dự thảo Luật Đất đai lần này chưa rõ quy định điều tiết lợi ích từ đất. Tại kỳ họp này, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (tỉnh Lào Cai), hiện nay, trong quá trình thực hiện ở các địa phương có tình trạng người sử dụng đất được hưởng hoặc bị thiệt hại do địa tô chênh lệch. Cụ thể, có những người sử dụng đất may mắn được Nhà nước mở các công trình công cộng ở gần (như đường giao thông, bệnh viện, bến xe, chợ…) nên giá đất tăng lên rất nhiều, thậm chí gấp vài lần. Ngược lại, có những người sử dụng đất không may mắn, do Nhà nước chuyển các công trình công cộng đang ở gần nhà đi nên giá đất giảm xuống rất nhiều. "Về vấn đề này, hiện nay chính sách, pháp luật đất đai của nước ta chưa có quy định nào điều tiết được địa tô chênh lệch. Đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định điều tiết địa tô chênh lệch cho trường hợp này", đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh kiến nghị.

Cần bảo đảm người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về thu hồi đất, hay xử lý tối đa những quy định còn mâu thuẫn cũng là những nội dung được các đại biểu quan tâm. Đóng góp ý kiến tại phiên họp ngày 15/1, đại biểu Lê Thanh Hoàn (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, về thu hồi đất (khoản 3 Điều 81) và loại trừ không thu hồi giấy chứng nhận đã cấp (khoản 4 Điều 152), dự thảo luật còn có những quy định mâu thuẫn, không nhất quán, cụ thể, Điều 81 không loại trừ trường hợp đã thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất. Đại biểu đề nghị cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng quy định này, loại bỏ quy định loại trừ tại khoản 4 Điều 152, chỉ áp dụng điểm d khoản 2 Điều 152 và khoản 3 Điều 81 để thu hồi giấy chứng nhận, thu hồi đất trong trường hợp cấp, giao đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng.

CÙNG đó, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề trọng tâm của dự án luật như: phương pháp định giá đất; các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất... Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định, qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao quyết tâm, tinh thần làm việc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ để chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật. Các đại biểu cũng đánh giá cao nội dung của dự thảo luật thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội họp phiên bế mạc vào sáng 18/1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đến nay, dự thảo Luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.