Giữ sinh khí lao động, sản xuất

Từ đầu năm 2024, nhờ những giải pháp hiệu quả của cơ quan chức năng, sự chủ động của doanh nghiệp, thị trường lao động ở nhiều địa phương đã khởi sắc. Trong tầm nhìn dài hạn, để giữ gìn, bồi đắp luồng sinh khí ấy, cần thúc đẩy các giải pháp duy trì ổn định số lượng đơn hàng và giải ngân vốn đầu tư công.
0:00 / 0:00
0:00
Những chính sách hợp lý đã giúp ổn định hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp.
Những chính sách hợp lý đã giúp ổn định hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp.

Sôi động hoạt động sản xuất, kinh doanh

Nhìn vào các dây chuyền sản xuất của nhà máy với sự phấn khởi của đông đảo người lao động, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (Thành phố Hồ Chí Minh) vui mừng: "Hiện nhân sự làm việc tại nhà máy đóng tại địa phương khoảng 3.700 người, so thời điểm trước dịch Covid-19 có giảm nhưng hai năm nay đã ổn định".

Theo bộ phận kế hoạch của công ty, trong quý I/2024, mục tiêu doanh thu đặt ra là 34,2 triệu USD, nhưng tỷ lệ thực tế đã vượt, với kết quả là 35,5 triệu USD (đạt 104% kế hoạch). Ông Tuấn nhận định: "Thị trường may mặc xuất khẩu của công ty chủ yếu là Mỹ, đơn hàng đã tăng lên và sẽ còn tăng tiếp. Đây là tín hiệu vui, vì nhiều năm qua tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu đã tác động trực tiếp đến các ngành gia công da giày và may mặc".

Từ mồng sáu Tết Giáp Thìn đến nay, tất cả các nhà máy của Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng đều tất bật sản xuất đơn hàng theo kế hoạch, trong đó có nhà máy đóng tại Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ tổng thầu và sản phẩm kết cấu thép phục vụ công trình, thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ và các nước Trung Đông.

Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Nhà máy Đại Dũng-An Hạ (thuộc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng) cho biết: "Sản lượng dự kiến năm 2024 của đơn vị tăng từ 92.000 lên 150.000 tấn do nhu cầu từ đối tác ở các thị trường tăng lên, vì vậy nhân lực lao động mà công ty cần tuyển khoảng 1.000 người ở các vị trí. Các dây chuyền sản xuất gần như bảo đảm 100% số công nhân lao động đứng máy, nên Ban giám đốc công ty dự kiến sản lượng quý I/2024 tăng khoảng 30% so năm 2023".

Ông Định cho biết thêm, ngoài đáp ứng cho nhu cầu sản xuất tại chỗ, số nhân sự tuyển dụng còn phục vụ việc mở rộng các nhà máy cũ (đóng tại Long An, Quảng Ngãi) và vận hành các nhà máy mới vào đầu năm 2025 (đóng tại Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu). Hiện tổng giá trị các hợp đồng ngay đầu năm của công ty đạt 1.500 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, thị trường lao động cũng khởi sắc ngay từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ: "Từ đầu năm 2024, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn tuyển dụng lao động từ các doanh nghiệp. Các phiên giao dịch việc làm cũng được tổ chức kịp thời, nhằm để người lao động và doanh nghiệp "gặp nhau" nhanh chóng".

Duy trì đà tăng trưởng bền vững

Duy trì đơn hàng, tăng trưởng bền vững, đồng thời giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định là mong muốn của mỗi doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động. Do đó, rất cần các giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo vệ "phong độ", giữ gìn luồng sinh khí tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết: Hiệp hội đang đẩy mạnh xuất khẩu và mong muốn tham gia vào hệ thống bán lẻ của nhiều nước trên thế giới. Song, để thị trường xuất khẩu ổn định, bản thân mỗi doanh nghiệp phải có các giải pháp mở rộng hơn nữa thị trường bản lẻ, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Báo cáo thị trường lao động năm 2024 của Navigos Group, dù vẫn có những biến động về thị trường tuyển dụng, nhưng 59,1% số doanh nghiệp vẫn sẽ tuyển dụng thêm khoảng 25% số lao động trong năm 2024. Cũng theo Navigos Group, trong giai đoạn tới, nhu cầu lao động công nghệ, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo tăng cao, đòi hỏi nguồn lao động chất lượng đủ điều kiện thích ứng, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày một khắt khe.

Ở tầm vĩ mô, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá: Năm 2024 vẫn còn những khó khăn và thách thức, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện giải pháp thu hút người lao động chất lượng, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ. Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đề ra giải pháp: "Thời gian tới tiếp tục đào tạo và đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường của thị trường lao động, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thiết lập mạng lưới thông tin của những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về để thu hút vào làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam".