Kết thúc hành trình tại Giải vô địch thế giới 2023, wushu Việt Nam xuất sắc giành ngôi Á quân sau chủ nhà Trung Quốc với 5 HCV, 3 HCB và 3 HCĐ. Trong đó, 3 HCV ở nội dung đối kháng (sanshou-tán thủ) thuộc về võ sĩ Huỳnh Đỗ Đạt (70 kg nam), Nguyễn Thị Lan (48 kg nữ), Nguyễn Thị Thu Thủy (60 kg nữ) và 2 HCV ở nội dung biểu diễn (taolu) của Đặng Trần Phương Nhi. Đây là thành tích ấn tượng nhất trong lịch sử tham dự giải đấu và sau 5 năm wushu Việt Nam mới giành được HCV ở nội dung đối kháng.
Song, giải thế giới có nhiều bộ huy chương hơn so với những sân chơi như ASIAD, thậm chí là SEA Games. Do đó, cơ hội giành huy chương nhiều hơn và ở phần thi biểu diễn, dù có thể giành HCV thế giới ở một nội dung nhưng cũng chưa chắc giành huy chương ở ASIAD hay SEA Games, nơi thường cộng điểm 2 nội dung để tính tổng điểm, qua đó xếp hạng chung cuộc.
Chưa kể, wushu Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị các nước vượt qua khi nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó các đội tuyển ở khu vực châu Á đang đầu tư mạnh mẽ cho môn wushu, từ đó có nhiều VĐV đạt trình độ thế giới. Ngoài Trung Quốc, các đối thủ đến từ Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia hay Singapore tại giải đấu đều rất đáng gờm. “Nếu wushu Việt Nam không thay đổi sẽ bị tụt hậu. Đơn cử như Indonesia cử tối đa VĐV trẻ tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á hay các giải vô địch châu Á, vô địch thế giới nhằm tích lũy kinh nghiệm. Dự kiến trong thời gian tới, Indonesia sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với đội tuyển wushu Việt Nam”, ông Vũ Văn Trung - Phụ trách môn wushu Cục Thể dục Thể thao cho biết.
Sau ASIAD 19, “cô gái vàng” Dương Thúy Vi từng chia sẻ: “Năm em giành HCV ASIAD là khi mới 21 tuổi. Giờ em đã 30 rồi, 9 năm đã trôi qua. Mọi người thường nói sau khi vô địch SEA Games, vô địch thế giới lúc 20 tuổi, giành HCV ASIAD khi 21 tuổi, em nên nghỉ ngơi vì đã có nhiều thành tích. Nhưng nếu suy nghĩ như vậy thì em đã không đi với wushu cho đến ngày hôm nay”. Đó sẽ không phải là ASIAD cuối cùng của Thúy Vi, nhưng cũng có thể cô sẽ xuất hiện với vai trò khác ở những giải đấu sắp tới. Những năm qua, Dương Thúy Vi, Hoàng Phương Giang... vẫn miệt mài thi đấu và để chinh phục các mục tiêu lớn ở tương lai thì không thể mãi trông đợi vào những VĐV kỳ cựu.
Việt Nam tham dự Giải wushu thế giới vừa qua với 13 VĐV, trong đó có 9 VĐV sinh năm 2004 và cả 5 HCV đều thuộc về những võ sĩ mới ở độ tuổi trên dưới 20. Từ đó, để thấy chúng ta vẫn đang có nguồn lực dồi dào với nhiều tiềm năng phát triển. Ông Phan Quốc Vinh- HLV đội tuyển wushu Việt Nam cho rằng, nếu không có sự đầu tư kịp thời ngay từ bây giờ thì các võ sĩ rất khó trưởng thành và thi đấu tốt ở SEA Games 33-2025 hay ASIAD 20-2026. Các võ sĩ trẻ tiềm năng cần được cử đi tập huấn dài hạn tại nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc. Các VĐV này sẽ được ưu tiên dự các giải đấu quốc tế nhằm tăng tính cọ xát và tích lũy kinh nghiệm. Trường hợp không cần thiết thì không nên để nhóm võ sĩ này thi đấu các giải trong nước để tránh phân tán sự tập trung.
Hiện nay, các võ sĩ Việt Nam chỉ tập luyện trong nước là chủ yếu và thi thoảng mới thi đấu quốc tế nên khả năng bị các đối thủ bắt kịp hoặc bỏ lại về trình độ hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiệm vụ trẻ hóa đang thật sự cấp thiết với wushu Việt Nam. Cũng vì môn này thuộc nhóm II của thể thao Việt Nam nên không được đầu tư trọng điểm và để đi tập huấn nước ngoài dài hạn hay tham gia nhiều sân chơi quốc tế đòi hỏi kinh phí lớn, cần sự chung tay cả ngành thể thao và huy động nhiều nguồn lực xã hội.
“Chúng tôi sẽ tham mưu với lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao phối hợp với các địa phương tạo thêm nhiều sân chơi wushu, qua đó giúp các VĐV được cọ xát, đồng thời phát hiện thêm tài năng trẻ cho các cấp độ đội tuyển quốc gia”, ông Vũ Văn Trung cho biết. Bên cạnh đó, thành tích tại giải wushu thế giới 2023 là dấu mốc quan trọng, cũng là động lực để các VĐV trẻ tự tin bước tiếp trên con đường hoàn thiện mình.