Vượt... gió ngược

2023 là năm bản lề, năm vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, việc nhận diện đúng các cơ hội, cũng như khó khăn, thử thách để đưa ra các quyết sách, phương án ứng phó phù hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ nội địa hóa của dệt may đã vượt 50%. Ảnh: TTXVN
Tỷ lệ nội địa hóa của dệt may đã vượt 50%. Ảnh: TTXVN

"Lá phiếu tín nhiệm" đặc biệt đối với Việt Nam

Trong 11 tháng năm 2022, nền kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi tốt. Đặc biệt, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 có sự bật tăng mạnh mẽ với mức tăng trưởng hai con số (13,67%) so cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, càng về cuối năm, nhiều chỉ số quan trọng có xu hướng chững lại từ tháng 11, cho thấy tác động của kinh tế thế giới đến tình hình trong nước bắt đầu bộc lộ.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ tháng 11, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội, lĩnh vực, thị trường đã có dấu hiệu giảm sút. Đó là sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chững lại; tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại như thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19, nhất là ở những ngành thâm dụng lao động và xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử… Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công thấp, 11 tháng ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này tạo nên nghịch lý: Trong khi nền kinh tế thì thiếu vốn, nhưng nguồn lực khá lớn của Nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông tạo đòn bẩy cho phát triển.

Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Coppola nhận định: Đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại lâu dài và sự kết hợp của đại dịch với các cú sốc bổ sung đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống nên dự kiến năm 2023, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm mạnh. Có ba áp lực mạnh đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 có thể có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023. Đó là áp lực lạm phát kéo dài, điều kiện tài chính khó khăn hơn và suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc cũng như các nền kinh tế lớn khác. Triển vọng kinh tế toàn cầu yếu kém và rủi ro gia tăng có thể tác động tới nền kinh tế Việt Nam về áp lực tỷ giá hối đoái, ngành tài chính tổn thương và lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong năm 2023. Do đó, Chính phủ có nhiệm vụ rất khó khăn và vai trò quan trọng để giảm tác động đến nền kinh tế Việt Nam và biến tình hình đầy thách thức này thành cơ hội hiện đại hóa.

Tương tự, những biến động phức tạp, khó lường đang diễn ra trên thế giới được Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries ví như những "cơn gió ngược" mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Tuy nhiên, ông Andrew Jeffries tin tưởng rằng: "Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, Việt Nam có thể đối đầu những cơn gió ngược trong năm 2023. Triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam".

Trước đó, trong ấn bản bổ sung định kỳ của báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2022, ADB đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. Do đó, định chế tài chính này nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm 2022, tăng so mức 6,5% công bố hồi tháng 9 vừa qua, trong khi lạm phát năm 2022 được điều chỉnh xuống còn 3,5%.

Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các chuyên gia: Những bất cập, hạn chế từ nội tại của nền kinh tế, cùng với bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi, trong đó có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, đặt ra thách thức rất lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, kiềm chế lạm phát ở mức 4,5% mà Quốc hội đề ra.

Sang năm 2023, ở trong nước, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là đối với công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô. Áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, các yếu tố đầu vào tiếp tục biến động mạnh, chi phí sản xuất ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và huy động vốn; tình hình lao động, việc làm khó khăn hơn.

Tình hình thế giới và khu vực cũng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột giữa Nga-Ukraine; lạm phát tiếp tục ở mức cao và xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước vẫn tiếp tục; giá dầu thô, khí đốt, một số hàng hóa cơ bản biến động khó lường; nguy cơ suy thoái kinh tế tại các nước đối tác lớn của Việt Nam được dự báo là đáng kể; thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các nước thu hẹp; thị trường tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn… Có thể thấy kinh tế thế giới đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn khi phải cùng lúc đối mặt hai vấn đề rất khó giải quyết, đó là: Suy giảm kinh tế đi liền với lạm phát tăng cao.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm, được tổ chức vào giữa tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng;… là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, năm mới đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng chỉ đạo việc thực hiện chính sách tiền tệ phải chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, bảo đảm hiệu quả tổng thể. Trong điều hành tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, "giật cục"; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế.