Vì sao khó xử lý dứt điểm?

Nhiều người dân phải ngậm đắng nuốt cay, bịt tai chấp nhận hàng xóm "biết gào biết thét, mà không biết điều", trong khi chính quyền cũng khó xử lý những cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm tiếng ồn vì còn nhiều bất cập từ quy định của pháp luật và từ thực tế...

Loa kéo, hát rong - tác nhân gây ô nhiễm tiếng ồn.
Loa kéo, hát rong - tác nhân gây ô nhiễm tiếng ồn.

Bằng chứng đâu?

Chị Nguyễn Thị Yến mua nhà ở ngõ 73 phố Quan Nhân, căn nhà lọt thỏm giữa những hộ gia đình đã sống lâu đời ở phường Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội). Đêm đầu tiên, cả nhà chị mất ngủ vì hàng xóm hát karaoke đến 2 giờ sáng. Vừa chợp mắt thì lại tiếng gà tiếng lợn kêu inh ỏi. Cả tuần liền đêm nào cũng lặp lại điệp khúc đó, chị Yến đành nhẹ nhàng góp ý với hàng xóm phía bên phải. Họ trừng mắt: "Cô đi mà nói với gà với lợn đừng kêu chứ tôi không bảo được chúng nó". Chị xin hàng xóm phía bên trái vặn nhỏ loa karaoke. Hàng xóm - xăm trổ chi chít ở tay chân, bảo: "Nhà tôi, tôi muốn hát gì tôi hát, cô không nghe thì bịt tai lại". Chị Yến đành im lặng, vì ở cái ngõ này chị thân cô thế cô, còn lại tất cả đều anh em họ hàng sống với nhau, nghe đâu gã xăm trổ kia lại mới mãn án tù vì tội đánh người gây thương tích. Chị đành chịu đựng tiếng ồn và sau phải rao bán nhà. Câu chuyện của chị Yến khá phổ biến ở rất nhiều khu dân cư, nhiều người buộc phải chấp nhận hàng xóm "biết gào, biết thét, nhưng không biết điều". Nếu không nhịn thì nguy hiểm có thể xảy ra, vì nhiều án mạng liên quan đến việc tiếng ồn đã được báo chí đưa tin. Tâm lý nể nang, né tránh, xuê xoa, ngại va chạm cũng làm cho vấn nạn tiếng ồn ở các khu phố đang gia tăng khi trào lưu hát karaoke tại nhà nở rộ, nhất là trong dịp giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.

Có những trường hợp, người dân không chịu nổi ô nhiễm tiếng ồn vì quá bức xúc đã chọn cách xử lý rất cực đoan, vi phạm pháp luật. Khoảng 23 giờ ngày 21-11-2020, nhiều người dân ở phố Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) hốt hoảng khi nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn và lửa bùng cháy ở một đoạn đường. Vụ việc sau đó được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xác nhận nguyên nhân ban đầu do bực tức hàng xóm thường xuyên hát karaoke gây ồn ào nên ông Nguyễn Huy Ngọc, sống tại ngõ 111, phố Triều Khúc đã dùng các chai thủy tinh chứa xăng ném vào nhà hàng xóm.

Nhiều người đặt vấn đề: tại sao ông Ngọc không trình báo chính quyền mà lại chọn cách tiêu cực như vậy? Thực tế nhiều người dân cũng đã gọi cho chính quyền địa phương nhưng ngay cả chính quyền cũng gặp khó trong việc xử lý các vụ việc như thế này.

Bà Hoàng Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc chia sẻ: "Với những trường hợp gây tiếng ồn vượt quá quy định, đầu tiên chúng tôi nhắc nhở. Nhiều người dân được nhắc nhở không biết mình vi phạm quy định của pháp luật. Sau 10 giờ đêm, nếu gây ô nhiễm tiếng ồn thì xử phạt theo Nghị định 167, nhưng xử phạt được cũng rất khó. Vì muốn có căn cứ để xác định cường độ âm thanh có vượt quá quy chuẩn hay không thì cần có máy móc chuyên dụng, mà phường lại không có, khi cần phải báo cáo, liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường quận. Với quy trình như thế rất mất thời gian, đến nơi thì thường đã muộn".

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Văn phòng Luật Đại Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Có hai nghị định quy định xử phạt về hành vi tiếng ồn vượt quy chuẩn. Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi). Nếu hát karaoke ngoài thời gian nêu trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA trở lên sẽ bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Tùy theo mức độ tiếng ồn mà mức phạt tối đa có thể lên đến 160 triệu đồng đối với cá nhân và 320 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài hình phạt chính với mức phạt tiền từ hai triệu - 100 triệu đồng tùy theo mức độ, hành vi gây ồn, cá nhân, tổ chức vi phạm còn chịu hình phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Luật là vậy nhưng trên thực tế rất khó xử phạt vì cái khó là bằng chứng". Chia sẻ của bà Hoàng Dung cũng cho thấy, với vi phạm về tiếng ồn, người vi phạm đối phó một cách dễ dàng là vặn nhỏ nhạc hay tắt nhạc khi có đoàn kiểm tra đến. Khi kiểm tra xong, chuyện đâu lại vào đấy.

Cũng vì cái khó đó mà suốt hai năm 2019 và 2020 các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh mới xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn được 141 trường hợp với số tiền hơn 818 triệu đồng; trong đó chỉ có 20 trường hợp vi phạm trong sinh hoạt của khu dân cư bị xử phạt với số tiền 2,6 triệu đồng.

Nhưng chẳng lẽ trước khó khăn thiếu thiết bị đo chuyên dụng, thiếu bằng chứng mà bó tay trước vấn nạn này?

"Vấn đề tiếng ồn và hành động của chúng ta"

TP Hồ Chí Minh vừa mở đợt cao điểm triển khai kế hoạch: "Vấn đề tiếng ồn và hành động của chúng ta", trong đó giai đoạn 1 từ nay đến cuối tháng 5 sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động cam kết, kiểm tra, nhắc nhở và hoàn thiện các quy định pháp luật để phổ biến cho người dân, giai đoạn 2, từ tháng 6 đến cuối năm sẽ tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm về tiếng ồn theo quy định.

Trong cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện bàn về xử lý vấn nạn tiếng ồn, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường nêu ra nguyên nhân "biết rồi, khổ lắm, nói mãi": Để xử phạt phải có kết quả đo đạc bởi đơn vị có chức năng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận; cấp xã, phường, thị trấn chưa có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, mức tiền phạt nhỏ nên chưa đủ sức răn đe. Quy định về xử phạt tiếng ồn còn nhiều bất cập. Cụ thể, Nghị định 155 không giao quyền xử phạt tiếng ồn cho Chủ tịch UBND cấp xã còn Nghị định 167 quy định mức phạt tiền thấp từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng và giới hạn việc xử lý từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Trước những bất cập đó, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Lâu nay, cơ quan chúng ta hay nghiêng về hướng có máy đo để xác định được cường độ, nhưng điều đó chỉ áp dụng trong một không gian cụ thể, còn không gian công cộng không thể áp dụng được. Cho nên phải áp dụng giải pháp khác. Cứ loay hoay chỗ không có công cụ để đo âm thanh, không có người thực hiện nhiệm vụ và thời điểm không phù hợp để buông lỏng quản lý vấn đề tiếng ồn là không đúng". Theo ông Hoan, hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn có thể xử lý được bằng cách vận dụng với nhiều nghị định nhưng phải có sự có sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm của nhiều sở, ngành.

Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ ngồi lại với các sở, ngành. Chúng ta cần đưa ra giải pháp, thành lập tổ liên ngành của phường xã, thị trấn gồm công an, địa chính, lao động - thương binh và xã hội, văn hóa thông tin, kinh tế... thì mới xử phạt, xử lý trọn vẹn được".

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên - Môi trường kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 155 theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn, kiến nghị Bộ Công an trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 167 theo hướng tăng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng. Đồng thời không giới hạn thời gian để xử lý vi phạm, nhằm xử lý triệt để hành vi vi phạm.

Ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý, mới đây Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND thành phố đưa nội dung "cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào" vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 24 nghìn quy ước của cộng đồng dân cư được xây dựng và phê duyệt, thế nhưng, trong các tiêu chuẩn xét gia đình văn hóa, khu phố văn hóa có xét tới hành vi xả rác, gây ô nhiễm môi trường..., chưa nhận diện hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Tới đây, TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vấn đề ô nhiễm tiếng ồn thành một tiêu chí khi xem xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố văn hóa. Đồng thời, ngành văn hóa cũng sẽ thực hiện truyền thông về tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư trên các màn hình quảng cáo điện tử và các phương tiện quảng cáo khác nơi công cộng; tổ chức lồng ghép nội dung truyền thông về tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư trong các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền cổ động; tham mưu bổ sung tiêu chí về chấp hành các quy định tiếng ồn vào các tiêu chuẩn văn hóa.