Tiền Giang hướng đến phát triển nhanh và bền vững

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, công nghiệp tăng trưởng nhanh; hoạt động thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, xuất khẩu tăng trưởng tốt; thu ngân sách vượt dự toán, thu hút đầu tư tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ, số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất trong các năm gần đây; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, tình hình phạm tội về trật tự xã hội giảm, tai nạn giao thông đường bộ được kiềm chế…
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm hành chính công tỉnh Tiền Giang góp phần giải quyết nhanh thủ tục cho các tổ chức, cá nhân.
Trung tâm hành chính công tỉnh Tiền Giang góp phần giải quyết nhanh thủ tục cho các tổ chức, cá nhân.

Nhiều kết quả khả quan về tăng trưởng kinh tế năm 2022

Tăng trưởng GRDP toàn tỉnh năm 2022 đạt 7,02%, vượt kế hoạch đề ra, trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,51%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,8%, khu vực dịch vụ tăng 7,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Theo đó, khu vực I giảm từ 38,75% năm 2021 xuống còn 37,4% năm 2022, khu vực II tăng từ 25,85% lên 27,8%, khu vực III từ 35,39% giảm còn 34,8%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 63,2 triệu đồng, vượt mục tiêu kế hoạch so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 41.843,1 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch, tăng 10,1% so cùng kỳ.

Trong năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 900 doanh nghiệp, vượt 34,3% kế hoạch; tổng vốn đăng ký là 5.900 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Tiền Giang có 6.100 doanh nghiệp đang hoạt động. Thu hút đầu tư trong năm được 17 dự án, với tổng vốn hơn 10.214 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện trong năm 2022 là 10.665 tỷ đồng, đạt 120,8% dự toán, trong đó, thu nội địa là 10.280 tỷ đồng, đạt 120,8% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2022 khoảng 17.910 tỷ đồng, đạt 145,8% dự toán.

Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuận lợi hơn so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2022 tăng 12% so cùng kỳ, chủ yếu thuộc thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và tập trung ở ngành: sản xuất đồ uống, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí…

Hiện, tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp, với tổng diện tích đất quy hoạch là 2.083,6ha, trong đó, Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang đang hoạt động ổn định, với diện tích 816ha; khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp đang chờ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phương án chuyển giao có diện tích 285,4ha, khu công nghiệp Bình Đông đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 với diện tích 212ha. Đến nay, các KCN tỉnh Tiền Giang thu hút được 110 dự án đầu tư, trong đó có 82 dự án FDI, tổng vốn đầu tư hơn 2.284 triệu USD (vốn đầu tư FDI) và hơn 4.645 tỷ đồng (vốn đầu tư DDI)…

Để đạt được kết quả nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo, điều hành theo chương trình công tác, đặc biệt là vừa theo dõi, kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19 gắn với phục hồi kinh tế, vừa tập trung rà soát các nội dung công việc đã được Nghị quyết Tỉnh ủy, Nghị quyết Hội đồng nhân dân đề ra; các đề án, dự án lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong chương trình công tác, kể cả công tác phối hợp triển khai các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư xã hội; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, nhân dân, gắn với chỉ đạo công tác an sinh xã hội và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong năm 2023

Trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang quyết tâm, nỗ lực chỉ đạo, điều hành, có giải pháp cụ thể, khả thi, chủ động triển khai ngay từ cuối năm 2022 để tạo đà tăng trưởng cho năm 2023 và những năm tiếp theo. Theo đó, tăng trưởng kinh tế đạt 7,0 - 7,5%, GRDP bình quân đầu người đạt 69,1 - 69,4 triệu đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 45.850 - 46.700 tỷ đồng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.288 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương đạt 14.110,4 tỷ đồng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 830 doanh nghiệp.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng đề ra các chỉ tiêu xã hội như: giải quyết việc làm cho 16 nghìn lao động, trong đó có 300 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 54%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 22%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 0,2% so với năm 2022. Phấn đấu có ít nhất 85% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,0%...

Tiền Giang hướng đến phát triển nhanh và bền vững  ảnh 1
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Tiền Giang.

Hướng đến phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực

Để đạt được mục tiêu, kế hoạch năm 2023 đã đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, người dân; tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy nhanh việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, xây dựng kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch. Hoàn thành và triển khai Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xúc tiến, mời gọi đầu tư các dự án: khu công nghiệp Bình Đông, Tân Phước 1 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện mời gọi đầu tư Cụm công nghiệp Mỹ Lợi, Long Bình, Vĩnh Hựu, Mỹ Phước 1, 2...

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, tỉnh Tiền Giang xác định việc xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tỉnh sẽ chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm; tổ chức thực hiện nghiêm Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát động Chuyên đề thi đua "Đẩy mạnh CCHC" năm 2023; ban hành Bộ chỉ số CCHC của các sở, cơ quan ngang sở và UBND cấp huyện; tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh…

Qua đó, góp phần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp CCHC và nâng cao các chỉ số: PAR Index, PAPI, SIPAS, PCI của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Song song đó, tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra công vụ, văn hóa công sở; đổi mới phong cách, lề lối làm việc để phát huy tinh thần trách nhiệm, cống hiến trong thực thi công vụ. Xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức cầu thị, sáng tạo, nâng cao chất lượng tham mưu, tăng cường kỷ cương nơi công sở và văn minh trong ứng xử.