Về Bình Ðịnh

NDO - Bình Định, miền "đất võ trời văn" nổi tiếng từ xưa, nơi "địa linh nhân kiệt", nơi phát tích phong trào khởi nghĩa Tây Sơn phát triển nhanh như vũ bão, đủ sức mạnh đánh đuổi năm vạn giặc Xiêm ở miền nam và tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ở phía bắc, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789.

Ngày nay Bình Ðịnh được coi là trung tâm võ thuật cổ truyền cả nước, nơi thường diễn ra Liên hoan võ thuật cổ truyền quốc tế.

Nói Bình Ðịnh là "trời văn", bởi ở đây là Hát bội gốc, một nghệ thuật được Ðào Duy Từ truyền dạy cho nhân dân phủ Hoài Nhơn từ thế kỷ 17, rồi lan tỏa đi khắp đất nước, mà ngày nay ở miền nam gọi là Hát bội, miền bắc gọi là Tuồng, một di sản nghệ thuật được coi là độc nhất vô nhị, là quốc gia chi bảo của dân tộc.

Về Bình Ðịnh không chỉ được xem hát bội, bài chòi và đấu võ, mà còn được đi trên cây cầu vượt biển dài nhất Ðông - Nam Á tên là Cầu Thị Nại, được thăm hàng chục ngọn tháp Chàm uy linh còn nguyên vẹn, dù đã trải qua thời gian và bão tố ngót bảy, tám trăm năm. Hay đến Ghềnh Ráng để viếng mộ thi nhân Hàn Mặc Tử và nghe thơ trăng của ông, hoặc ghé xuống vạn Gò Bồi để thăm ngôi nhà lưu niệm "ông vua thơ tình" Xuân Diệu. Có người còn tìm đến thị trấn Ðập Ðá để hình dung Bến My Lăng tuyệt đẹp trong thơ của thi sĩ Yến Lan và xem dấu vết nhà xưa Chế Lan Viên đã sống và đã viết ra tập thơ "Ðiêu tàn" tuyệt tác. Ngay cả Bác Hồ thời thanh niên, đã tìm đến làng Vinh Thạnh, huyện Tuy Phước để viếng tư thất quan thượng thư Ðào Tấn- bạn thân của cha mình là cụ Nguyễn Sinh Sắc thời cụ làm quan ở huyện Bình Khê, nơi mà nhạc sĩ Thuận Yến đã cảm hứng trong ca khúc "Miền trung nhớ Bác"...

Trời Bình Khê trong xanh bát ngát

Nhớ một chiều Bác đã đến đây...

Tiềm năng văn hóa Bình Ðịnh không kém gì các địa phương trong khu vực, đáng tiếc là di sản ở Bình Ðịnh đang còn "ngủ dài", chưa được "đánh thức"... vì vậy mà những tour du lịch xuyên Việt ít khi dừng lại ở Quy Nhơn, bởi họ chưa biết ở Bình Ðịnh có bãi biển đẹp, có món ăn ngon và có một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú từ thời Chăm-pa đến thời Ðại Việt và cho đến thời đại hôm nay.

Trong năm 2011 hoạt động văn hóa ở Bình Ðịnh cũng khá nhộn nhịp: Liên hoan bài chòi toàn quốc, liên hoan tuồng truyền thống toàn quốc, lễ hội Tây Sơn, liên hoan tuồng không chuyên, tọa đàm tuồng Ðào Tấn, Ðào Duy Từ... và nhiều hoạt động khác. Các ngành khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế... ở Bình Ðịnh đều khởi sắc, khoảng cách đời sống giữa nông thôn và thành thị đã ngắn lại, bộ mặt nông thôn mới ở Bình Ðịnh ngày càng rạng rỡ hơn. Những thành quả đó sẽ làm đà cho Bình Ðịnh trong năm rồng (2012) cất cánh bay cao, bay xa hơn. Tôi tin là Bình Ðịnh sẽ thành công.