Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018

Vẫn còn nhiều nghi ngại

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố điểm kỳ thi THPT quốc gia, sẽ là giai đoạn cao điểm của mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) năm 2018. Cạnh tranh điểm số, phân luồng và hướng nghiệp... tiếp tục tạo nên áp lực không nhỏ. Một lần nữa, câu hỏi về cách thức quản lý giáo dục lại được xã hội đặt ra cấp thiết.

Thí sinh tham dự thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trao đổi bài sau buổi thi. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Thí sinh tham dự thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trao đổi bài sau buổi thi. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Vấn đề giáo dục được mong chờ nhất tuần này, chính là sự kiện ngày 11-7, Bộ GD-ĐT chính thức công bố điểm thi THPT quốc gia của cả nước để làm căn cứ xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018. Qua phân tích số liệu cho thấy, điểm thi năm nay thấp hơn hẳn năm 2017. Số thí sinh đạt điểm tuyệt đối giảm rõ rệt. Nếu như năm ngoái, cả nước có hơn 4.235 điểm 10, cao gấp hơn 50 lần so với năm 2016 thì năm nay, con số này chỉ ở mức 477. Số điểm 10 ở hai môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội là Lịch sử và Địa lý lần lượt là 11 và 32. Trong khi đó, nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng,... đều có 80 đến 90% bài thi Lịch sử bị điểm dưới trung bình. Phổ điểm chung cũng được các chuyên gia đánh giá ở mức thấp.

Sự chênh lệch quá lớn của những con số so sánh giữa hai mùa thi đã gợi cho các nhà phân tích, chuyên gia giáo dục nhiều nghi ngại.

Nghi ngại đầu tiên, rõ ràng là đề thi năm ngoái thì quá dễ, còn đề thi năm nay lại quá khó. Vậy là công tác ra đề có vấn đề, chứ không hẳn đúng như báo cáo tổng kết trong cả bốn kỳ thi “hai trong một” (tính từ năm 2015) rằng “đề thi bảo đảm yêu cầu đặt ra, có tính phân loại cao”? Nghi ngại tiếp theo là, dù nhiều điểm cao hay ít điểm cao đều cho thấy một sự “bấp bênh” của chất lượng giáo dục phổ thông. Và hẳn còn nhiều nghi ngại khác nữa, về tính khoa học của một kỳ thi ghép, hay sự thiếu đồng bộ giữa học và thi đã được nhiều nhà giáo dục thẳng thắn đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thậm chí, có người cả nghĩ hơn còn lo cho số phận của một số môn học cụ thể.

Trăn trở về điểm thi môn Lịch sử trong nhiều năm đều thấp, nhiều giáo viên bày tỏ sự chạnh lòng, buồn nhưng không sốc. Không sốc bởi họ là những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy bộ môn này nên thừa biết, Lịch sử phải lép vế trước những môn khác như thế nào!? Có thể, học sinh thích môn Lịch sử nhưng so với các môn trong tổ hợp KHXH, việc học để thi lấy điểm môn này khó hơn các môn còn lại. Thứ hai, nhiều thí sinh xác định chỉ lựa chọn thi môn Sử để tốt nghiệp nên không đầu tư học ngay từ đầu.

Cùng với đó, trong nhiều ngành nghề của các trường đại học, học viện hiện nay tuyển sinh không có môn Lịch sử nên trong bối cảnh “thi gì học nấy” như hiện nay, dễ hiểu vì sao học sinh không có mục tiêu để học môn Sử. Còn GS, TS Phạm Hồng Tung, Chủ biên môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, điểm thi môn Lịch sử và Ngoại ngữ rất thấp là điều đáng buồn, phản ánh kết quả dạy học chưa đáp ứng được thi cử.

Với các môn học khác, dù ít hay nhiều cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, đề thi THPT quốc gia ra theo hướng mở, tiếp cận đúng với xu hướng thi cử hiện đại; song những kết quả các năm qua cho thấy, đổi mới thi cử chưa làm tốt vai trò là khâu đột phá trong đổi mới giáo dục. Trong khi đó, công tác dạy và học vẫn chưa có nhiều chuyển biến, đã tạo độ vênh nghiêm trọng giữa học và thi.

Một vấn đề đáng lo ngại tiếp theo nữa, là phổ điểm năm nay thấp sẽ khiến các cơ sở đào tạo (ĐH, CĐ) phải hạ điểm chuẩn, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh: “Năm nay, đề thi có độ phân hóa cao, không còn mưa điểm 9, điểm 10 như năm 2017. Về tổng thể, mặt bằng điểm thi năm nay thấp hơn so với năm ngoái ở tất cả các môn và tổ hợp môn thi. Vì vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng điểm chuẩn trúng tuyển ở các trường sẽ giảm, thậm chí sẽ giảm mạnh”.

Trao đổi với PV Nhân Dân cuối tuần, nhiều chuyên gia cũng nhận định, trong khi công tác phân tầng, xếp hạng đại học vẫn chỉ dừng lại ở các hội thảo, nên thực tế, việc tuyển sinh vẫn cứ là “mạnh ai lấy làm”, từ đó sinh ra đủ hình thức và hệ lụy trong tuyển sinh. GS Đặng Ứng Vận nêu trăn trở, sở dĩ các cơ sở giáo dục tốp giữa và tốp dưới năm nào cũng phải “toát mồ hôi” với tuyển sinh không chỉ là vấn đề nội tại của các trường, mà còn do công tác phân tầng hướng nghiệp từ các cấp học phổ thông chưa thật sự tốt. Điệp khúc “thừa thầy thiếu thợ” xem ra vẫn còn lặp lại dài dài.

Đồng tình với quan điểm của GS Đặng Ứng Vận, một số chuyên gia hướng nghiệp chia sẻ thêm, cách tổ chức tư vấn tuyển sinh diễn ra sau khi biết điểm thi là quá muộn và không mấy hiệu quả. Vì thế, ngành giáo dục cần có những đổi mới đồng bộ hơn từ quá trình dạy, học, hướng nghiệp và thi cử.

Những vấn đề nêu trên đã được nhận diện, tuy nhiên, giải pháp căn cơ lại chưa được những người có trách nhiệm đưa ra một cách thỏa đáng. Đến hẹn lại là lúc cả xã hội cảm thấy bất an với câu chuyện học - thi - đầu ra sau đào tạo. Bao giờ tình trạng này mới được thay đổi - Câu hỏi này người dân chờ mãi chưa có lời giải thuyết phục!

Theo kế hoạch tuyển sinh ĐH, CĐ 2018, từ ngày 19 đến 26-7, các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Từ ngày 19 đến 28-7 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Ngày 6-8, các trường công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 và thí sinh trúng tuyển nhập học trước 17 giờ ngày 12-8. Từ ngày 22-8, các trường sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung.