Lập hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Vạch rõ lộ trình, nghiêm túc thực hiện

Ngay trong tháng 12 này, các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải thực hiện việc lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Đây là chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
0:00 / 0:00
0:00
Từ ngày 1/7/2023, Petrolimex đã thực hiện đồng bộ việc lập hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại hơn 2.700 cửa hàng xăng dầu trong hệ thống. Ảnh: Hải Nam
Từ ngày 1/7/2023, Petrolimex đã thực hiện đồng bộ việc lập hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại hơn 2.700 cửa hàng xăng dầu trong hệ thống. Ảnh: Hải Nam

Việc phải làm và nên làm ngay

Mới đây, Bộ Tài chính đã có Công văn 13348/BTC-TCT gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu theo quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, đặc biệt là quy định về lập hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP là một trong các nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện...

Theo Bộ Tài chính, ngày 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Trong tháng 12, các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định. Chậm nhất, trong quý I/2024, phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, bảo đảm kết nối thông suốt hóa đơn điện tử của cơ quan thuế.

Nhận được thông báo về việc lắp đặt lưu giữ, truyền nhận và in hóa đơn theo yêu cầu của các cơ quan chức năng từ đầu tháng 12, ông Nguyễn Văn H., giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Bắc Giang cho biết, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phải triển khai việc lắp đặt đồng bộ trên tất cả các cửa hàng của doanh nghiệp. Song, đây là quy định bắt buộc, nên chúng tôi cũng chấp hành, bảo đảm lắp đặt để lập hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu từ cột bơm xăng đến cơ quan thuế.

Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Thuế Mai Xuân Thành cũng đã có Công văn 5468/TCT-DNL yêu cầu Cục trưởng Thuế các tỉnh, thành phố tổ chức quán triệt đầy đủ, kịp thời về quan điểm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính để nâng cao hơn nữa nhận thức về trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ.

Bởi theo Tổng cục Thuế, về nguyên tắc, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật. Việc nhiều doanh nghiệp thực hiện cuối ngày mới xuất hóa đơn tổng đối với các trường hợp bán lẻ trong ngày hay định kỳ hằng tuần, hằng tháng xuất một hóa đơn cho khách hàng với số lượng lớn là hành vi vi phạm. Thậm chí, có trường hợp bán hàng hóa nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế, trốn thuế, gian lận thuế, mua bán hóa đơn thu lợi bất chính, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Hay đơn giản, giá xăng dầu có thể điều chỉnh từng giờ, nếu để đến cuối ngày mới xuất sẽ không đúng giá thuế, phí…

Chia sẻ với quan điểm của Tổng cục Thuế, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, việc hạch toán từng hóa đơn là đúng. Việc kết nối xuất hóa đơn trực tuyến là việc phải làm và cần thực hiện nghiêm túc. Nếu không kết nối trực tuyến sẽ có tình trạng gian lận thuế, buôn xăng dầu giả.

Không gây ách tắc, không mất thời gian

Theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện nay mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng đồng bộ việc lập hóa đơn điện tử với hơn 2.700 cây xăng. Các doanh nghiệp khác mặc dù đã thực hiện hóa đơn điện tử nhưng chưa thực hiện được việc lập hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng, hoặc mới đang nghiên cứu giải pháp kỹ thuật do chi phí đầu tư lớn.

Mặt khác, Bộ Công thương lo ngại, việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, có thể gây đứt nguồn cung cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn...

Cụ thể, ông Nguyễn Văn H. cũng nêu vấn đề, doanh nghiệp đã phải đầu tư hạ tầng, thiết bị, bao gồm nâng cấp mạng kết nối, các thiết bị tính toán dữ liệu, in sao hóa đơn... lên tới cả trăm triệu đồng. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa biết việc vận hành sẽ như thế nào, có gây ách tắc tại các cây xăng hay không?

Chia sẻ lo lắng của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu và của đông đảo khách hàng, dẫn chứng thực tế tại Petrolimex, Bộ Tài chính cho biết, việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng được Petrolimex thực hiện từ ngày 1/7/2023 đến nay tại 2.700 cửa hàng thuộc hệ thống và không xảy ra tình trạng ách tắc tại các cửa hàng xăng dầu. Mặt khác, việc lập hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng tại cửa hàng xăng dầu đối với trường hợp không lấy hóa đơn được thực hiện tự động, lưu trữ bằng hình thức điện tử nên không thể gây ách tắc ở các cây xăng.

Và đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn bảo đảm doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định và hóa đơn điện tử được lưu trữ, tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, kinh doanh bán lẻ xăng dầu là một ngành đặc thù nên Bộ Tài chính cần có hướng dẫn lộ trình và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp triển khai đồng bộ. Điều này vừa giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị, vừa tránh những phát sinh không đáng có.