Và Trái đất cứ ấm dần lên…

Phía bên trong hang động băng lớn nhất thế giới Eisriesenwelt (ảnh bên), nhiều "con voi" đã không còn vòi nữa. Vào mùa hè, nhân viên tại đây phải thường xuyên xử lý những cột băng bấp bênh, trước khi chúng có nguy cơ rơi vào du khách.
0:00 / 0:00
0:00
Và Trái đất cứ ấm dần lên…

Khi còn nhỏ, hướng dẫn viên du lịch người Áo Karoline Zanker cùng nhóm bạn luôn tự hào về khu "sân chơi" đặc biệt. Nếu xuất phát từ ngôi làng cổ kính cô đang ở, đi bộ qua nhà thờ hướng lên phía dãy núi Lofer ở độ cao 1.500m, chỉ cần chui qua một cánh cổng hẹp để bò vào trong lòng núi đá vôi, hang động băng Prax sẽ đón chào những vị khách bé nhỏ bằng khung cảnh như trong chuyện cổ tích.

Từ trần hang động, từng khối băng đổ xuống, giống như những thác nước kỳ vĩ bỗng nhiên... bị ngưng lại, nhờ "hơi thở của công chúa băng". Chung quanh, vô số tòa tháp băng mọc lên theo từng tầng, các tinh thể và cột băng đua nhau tỏa sáng lấp lánh.

Mùa thu năm 2022, Karoline đã bò, leo trèo và luồn lách trong hang băng Prax hàng giờ đồng hồ, hướng chiếc đèn pha vào những ngóc ngách xa nhất, với hy vọng tìm thấy phần còn sót lại của câu chuyện cổ tích ngày nào. "Khung cảnh kỳ diệu ấy giờ đã mất đi mãi mãi vì biến đổi khí hậu. Với mức nhiệt khoảng ba độ C, hang động này đã không còn băng nữa", Karoline không giấu được sự thất vọng.

Dãy núi Alps ở châu Âu có hàng nghìn hang động với nhũ đá vôi tuyệt đẹp, được hình thành sau hàng trăm nghìn năm. Khi mức nhiệt đủ lạnh, băng sẽ phát triển bên trong thay vì đá. Những cột băng dài đổ xuống dọc theo các bức tường có chiều rộng cũng lên tới hàng mét. Phía dưới chân, những giọt nước nhỏ xuống theo thời gian đã hình thành nên các nón băng cao vài tầng hay những đường trượt khổng lồ chạy dọc theo lối đi. Nhiều nơi, lớp băng lâu đời nhất có niên đại lên tới bốn con số.

Chỉ tính riêng ở Áo, hơn 1.200 hang động chứa băng quanh năm đã được tìm thấy. Tuy nhiên, khi nhiệt độ ngày càng tăng, những lớp băng cũng cứ thế biến mất dần. Chúng tan chảy do mưa và không khí ấm xâm nhập vào các hang động.

"Trong suốt quá trình này, con người không chỉ mất đi những kỳ quan của hành tinh, mà còn đánh mất manh mối về lịch sử gắn liền với chúng. Những hang động băng lưu giữ ký ức về khí hậu trong quá khứ, giống như lớp trầm tích nơi đại dương. Do nguồn lực của các nhà khoa học có hạn, vẫn tồn tại nhiều bí ẩn khiến chúng ta chưa thể khám phá hết", nhà khí hậu học Aurel Persoiu nhận định. "Mặc dù vậy, nếu có cơ hội, tốt nhất là các bạn nên đến thăm chúng ngay từ bây giờ".