Và thế giới đã tìm đến nghệ sĩ Việt Nam

Cuộc gặp gỡ của CEO Apple Tim Cook với rapper Suboi, mẹ con ca sĩ Mỹ Linh - Mỹ Anh trong chuyến viếng thăm Việt Nam trung tuần tháng 4 vừa qua cho thấy: Sức ảnh hưởng của những nghệ sĩ trẻ, những nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam đang ngày càng trở nên mạnh mẽ trong thời đại công nghệ số không giới hạn, đặc biệt là ở lĩnh vực âm nhạc.
0:00 / 0:00
0:00
Hà Lê là một trong những nghệ sĩ có nhiều tác phẩm gây tiếng vang trên toàn cầu.
Hà Lê là một trong những nghệ sĩ có nhiều tác phẩm gây tiếng vang trên toàn cầu.

"Ðại dương" vẫy gọi

Từ một góc nhìn khác, những cuộc gặp gỡ kể trên có thể xem là động thái nằm trong tính toán chiến lược giữa lãnh đạo của tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới với những end-user trong thị phần của Apple tại Việt Nam hay châu Á. Tuy nhiên, dù ở góc độ thương mại hay nghệ thuật, thì tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ trẻ Việt đối với khán giả/ người dùng toàn cầu cũng đang ngày một vươn xa.

Trong những năm gần đây, việc các nghệ sĩ Việt "bắt tay" với các "ông lớn" trong ngành công nghiệp âm nhạc hay các hãng thu âm lớn bậc nhất trên thế giới là điều không còn xa lạ. Sau hàng thế kỷ phát triển đến mức bão hòa của thị trường âm nhạc Âu, Mỹ, thị phần châu Á là miền đất hứa của nhiều hãng thu âm danh tiếng. Trong đó, Việt Nam là một đất nước mang nhiều hứa hẹn và giàu khả năng gây bất ngờ, với một thế hệ nghệ sĩ trẻ đang tràn đầy năng lượng sáng tạo, nhanh nhạy trong việc bắt nhịp với những xu hướng mới và tràn đầy khát khao "vươn ra biển lớn".

Có thể kể đến những cái tên toàn cầu rõ nét, dù vẫn đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, như Hà Lê với sự "bảo trợ" từ Sony Music Group (Mỹ), cho ra đời những dự án âm nhạc vô cùng ấn tượng như Trịnh Comtemporary, hay Đơn sơ vừa ra mắt vào tháng 4 năm nay…

Hay một "đại gia" toàn cầu khác - Warner Music Group (Mỹ) với những thương vụ âm nhạc cho Vũ (Thái Vũ), nhóm nhạc Chillies, hay Lê Cát Trọng Lý… Trong khi đó, ca sĩ Phùng Khánh Linh trở thành nghệ sĩ độc quyền của Universal Music Vietnam, United Recording hậu thuẫn cho Vũ Cát Tường thực hiện album song ngữ Inner Me…

Như đại diện của Universal Music đánh giá, thị trường âm nhạc Việt Nam là "một thị trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng và là quê hương của nhiều nghệ sĩ tài năng". Giờ đây, thay vì câu chuyện các thế hệ nghệ sĩ đi trước phải bôn ba khắp thế giới để tìm cơ hội trình diễn, thu âm, phát hành hay bất cứ một hy vọng nào để được "lọt vào mắt xanh" của các "đại gia" trong ngành thu âm thế giới, thì hiện tại, chính các hãng thu âm hay nhà sản xuất âm nhạc danh tiếng đang tìm đến Việt Nam, để tìm kiếm và đầu tư cho những gương mặt và những cá tính âm nhạc nổi bật.

Những "cuộc chơi" rộng mở

Một thí dụ điển hình khác có thể kể đến là rapper Suboi, một nữ nghệ sĩ Việt mang đậm tinh thần âm nhạc quốc tế nhưng vẫn thấm đẫm bản sắc Việt Nam và tình yêu quê hương mãnh liệt. Suboi là một trong những nghệ sĩ được yêu thích nhất của Việt Nam tại thị trường Mỹ và thế giới. Cô là nghệ sĩ Việt đầu tiên được Apple Music tôn vinh với một banner lớn trên trang chủ, và cũng là một trong những nghệ sĩ Việt Nam với hình ảnh được vinh danh trên Quảng trường Thời đại (Mỹ).

Đến thăm Việt Nam, nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên mà CEO Tim Cook muốn gặp gỡ chính là Suboi. Trong buổi gặp gỡ, nữ rapper cũng chia sẻ rằng cô "thật sự vô cùng bất ngờ". Song, cô cũng đánh giá: Đây là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong cách nhìn nhận và quan tâm mà Apple dành cho thị trường âm nhạc Việt Nam.

Trước đó, vào năm 2016 tại Việt Nam, Suboi thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế, sau khi đọc rap cho Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, ở buổi giao lưu với các nhà lãnh đạo trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong buổi trò chuyện, nữ rapper đã có những chia sẻ khiến Tổng thống Obama suy ngẫm về lịch sử của nhạc rap và tầm quan trọng của nghệ thuật đối với một quốc gia.

Có thể thấy, các nghệ sĩ Việt đang liên tục khẳng định vị thế của âm nhạc Việt Nam tại thị trường khu vực và thế giới. Bằng việc tạo ra những nội dung tạo thành xu hướng nghệ thuật trên đa nền tảng, và liên tục dẫn đầu những bảng xếp hạng uy tín bậc nhất toàn cầu như Apple Music, iTunes hay Spotify… họ đang thật sự "làm chủ" cuộc chơi ngay tại quê hương mình, tạo ra sản phẩm có giá trị và sức hấp dẫn, thu hút thế giới tìm đến Việt Nam.

Trong buổi trò chuyện cùng mẹ con diva Mỹ Linh - Mỹ Anh, nhà lãnh đạo của Apple cũng không ngừng bày tỏ sự ngưỡng mộ với các nghệ sĩ Việt, cũng như với "một đất nước không nói tiếng Anh" nhưng nuôi dưỡng và tạo ra những nghệ sĩ đầy cá tính và tự tin làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc chơi sáng tạo, để "làm nên những điều phi thường".

Và thế giới đã tìm đến nghệ sĩ Việt Nam ảnh 1
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã có một cuộc gặp gỡ thú vị với mẹ con ca sĩ Mỹ Linh.

Giờ đây, sau nhiều thập niên không ngừng nỗ lực, một thế hệ nghệ sĩ Việt Nam mới đã dần đĩnh đạc, trưởng thành, không ngừng khuếch trương ảnh hưởng. Như nữ ca sĩ trẻ Mỹ Anh bày tỏ, với việc tạo ra những sản phẩm âm nhạc có giá trị, "Tôi và mẹ muốn đưa những âm thanh Việt Nam ra khắp thế giới". Trên các nền tảng nghe nhạc toàn cầu hay các trang mạng xã hội, hàng nghìn khán giả chia sẻ cảm thấy tự hào về nghệ sĩ gen Z Việt Nam.

Trong "thế giới phẳng" của internet và cuộc chạy đua như vũ bão của công nghệ, việc lưu lại thương hiệu cá nhân trong "đại dương data" siêu khổng lồ mỗi phút trôi qua là điều không hề dễ dàng. Đặc biệt ở Việt Nam, ngành công nghiệp âm nhạc còn non trẻ và nhiều bỡ ngỡ buộc các nghệ sĩ phải cố gắng không mệt mỏi nhằm khẳng định "cá tính âm nhạc" của riêng mình, bên cạnh việc không ngừng học hỏi để bắt kịp với nhu cầu và tiêu chuẩn quốc tế. Quan trọng hơn cả, họ cũng luôn phải bảo toàn được bản sắc dân tộc, ý thức và duy trì được những giá trị cốt lõi trong bản sắc văn hoá dân tộc trên đường "vươn ra biển lớn", nếu không muốn bị "hòa tan".